Hình thức học ngoại khóa bổ ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là đánh giá của bà Nhan Thị Hằng Nga-Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Gia Lai, Trưởng ban tổ chức Hội thi kể chuyện theo sách với chủ đề “Em kể chuyện về Âm vang Điện Biên” cấp tỉnh năm 2014, vừa diễn ra tại Trung tâm Hoạt động Thanh niên tỉnh trong hai ngày (19 và 20-4).

Hào hùng Điện Biên trên sân khấu

Qua giọng kể lưu loát và truyền cảm của mình, 48 thí sinh cùng đội phụ họa đến từ 16 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (trừ thị xã Ayun Pa) đã tái hiện một chiến dịch Điện Biên Phủ cam go, đầy rẫy sự hy sinh, gian khổ nhưng cũng rất đỗi hào hùng 60 năm về trước. Đó là những câu chuyện về sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, đúng đắn của Đảng, Bác Hồ; đó là sự băn khoăn, trăn trở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước một quyết định mang tính then chốt; hay các mẩu chuyện xúc động về những cái tên đã đi vào lịch sử như: Bế Văn Đàn-lấy vai làm giá súng, Phan Đình Giót-anh hùng lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện-lấy thân chèn pháo, Trần Can-hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt để xông vào Sở chỉ huy rồi cắm cờ lên đồi Him Lam…

 

Các đơn vị chuẩn bị khá chu đáo về trang phục, đạo cụ. Ảnh: Hồng Thi
Các đơn vị chuẩn bị khá chu đáo về trang phục, đạo cụ. Ảnh: Hồng Thi

Em Nguyễn Thị Yến (đoàn huyện Kông Chro) vui vẻ nói: “Sau khi đạt giải nhất ở huyện, em tiếp tục được lên tỉnh dự thi với câu chuyện về anh hùng Tô Vĩnh Diện-“thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo” đến cùng. Chính tấm gương lấy thân mình chèn pháo vô cùng anh dũng của anh Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ đơn vị mình thực hiện tốt nhiệm vụ, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi”.

Đặc biệt, thần thái nhân vật từ nét mặt, điệu bộ đến lời nói, cử chỉ... gần như được các thí sinh thể hiện tương đối tốt trong bài thi của mình. Thậm chí, có em còn kể khá “nhập tâm”, rơi nước mắt ngay trên sân khấu khi lắng lòng tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do cho Tổ quốc của cha anh. “Điều khó nhất khi tập luyện là biểu cảm khuôn mặt, để làm được thật tốt, em đã mất một thời gian dài tập luyện, tất nhiên cũng phải kết hợp với các động tác cơ thể khác nữa. Nhận được những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả trong và sau khi hoàn thành phần thi, em cũng biết rằng mình đã chuyển tải thành công hình tượng Anh hùng Phan Đình Giót đến với mọi người”-thí sinh Phương Tấn Thành (đoàn TP. Pleiku) chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, về dự Hội thi, khán giả cũng được mục sở thị một số hình ảnh chân thực nhất về diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ thông qua những thước phim tài liệu mà các đội đã dùng minh họa cho phần thi của mình. Cùng với đó là sự chuẩn bị khá chu đáo về mọi mặt, gồm: nội dung, kịch bản, âm thanh, đạo cụ, phục trang, diễn xuất phụ họa… đã góp phần không nhỏ vào thành công của từng bài thi, giúp câu chuyện có thể dễ dàng đi vào lòng người xem và Ban giám khảo, chẳng hạn như các câu chuyện của đoàn TP. Pleiku, thị xã An Khê, huyện Đức Cơ, Mang Yang, Phú Thiện...

Hội thi có sức lan tỏa rộng

 

Nhiều phần diễn xuất minh họa gây xúc động cho khán giả. Ảnh: Hồng Thi
Nhiều phần diễn xuất minh họa gây xúc động cho khán giả. Ảnh: Hồng Thi

Hội thi “Em kể chuyện về Âm vang Điện Biên”đã diễn ra trong 16 huyện, thị xã với tổng số 1.200 học sinh của 416 trường tiểu học và THCS. Trong đó có 440 em là người dân tộc Bahnar, Jrai và dân tộc Tày. Về với Hội thi cấp tỉnh, 21 câu chuyện ý nghĩa đã được 48 thí sinh thể hiện một cách trôi chảy, hấp dẫn và cuốn hút người nghe.

“Toàn huyện Chư Sê có tới 34 trường tham gia cuộc thi cấp huyện với 58 câu chuyện. Hầu như mỗi đơn vị tham gia đều có tinh thần cao trong việc hỗ trợ học sinh của mình tham gia “Em kể chuyện về Âm vang Điện Biên”. Sau một thời gian tích cực tập luyện, đoàn chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng cho cả 3 tiết mục dự thi cấp tỉnh của mình. Mỗi thành viên trong đoàn đều hào hứng với cuộc thi này”-ông Tạ Chí Tào (Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê) cho biết. Cũng giống như huyện Chư Sê, không khí sôi nổi của cuộc thi đã về tới các trường vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh như : Trường PTDT Bán trú Bùi Thị Xuân (xã Đak Pling-huyện Kông Chro), Trường THCS Đất Bằng (xã Đất Bằng-huyện Krông Pa)… Thí sinh Nguyễn Thị Út Ngân (đoàn thị xã An Khê) vui mừng kể : “Em rất thích đọc sách và kể chuyện, nhất là những câu chuyện về lịch sử. Bởi vậy, ngay từ khi cuộc thi phát động, em đã sẵn sàng tham gia với tâm thế háo hức nhất. Với câu chuyện về Anh hùng Phan Đình Giót, em đã tích cực tập luyện để phần thi của mình giàu sức biểu cảm và thuyết phục mọi người”.

Hội thi là một hình thức học ngoại khóa cho các em trau dồi kỹ năng của mình. Ảnh: Trân Dung
Hội thi là một hình thức học ngoại khóa cho các em trau dồi kỹ năng của mình. Ảnh: Trần Dung

Hội thi kể chuyện theo sách là một hình thức học ngoại khóa cho học sinh bậc Tiểu học và THCS. Ngoài tác dụng bồi dưỡng kiến thức, hiểu biết, cuộc thi còn giúp các em rèn luyện năng khiếu hùng biện trước mọi người, góp phần giáo dục đạo đức trong sáng, lành mạnh, cũng như cách ứng xử trong cuộc sống cho mỗi cá nhân học sinh. Sau khi vinh dự được nhận giải nhất (độ tuổi 12-14), thí sinh Phương Tấn Thành (Lớp 9- Trường THCS Tôn Đức Thắng-TP. Pleiku) tươi cười: “Cuộc thi đã giúp em có thêm nhiều kiến thức, nhiều xúc cảm về các câu chuyện lịch sử. Một Điện Biên hào hùng như hiện hữu trong tâm trí em. Chắc hẳn sau cuộc thi này, em sẽ rèn luyện bản thân và tự tin vào chính mình hơn nữa”.

Đánh giá về Hội thi, bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh, Phó ban tổ chức cuộc thi) tự hào: “Ban tổ chức Hội thi của các huyện đã làm việc hết sức chặt chẽ, phối hợp thống nhất giữa các ngành: Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Giáo dục-Đào tạo, Đoàn Thanh niên tỉnh. Hội thi đã thu hút được nhiều học sinh tham gia, tạo được hiệu ứng tốt và có sức lan tỏa sâu rộng. Mỗi thí sinh tham gia dự thi đều mang tới một sắc thái khác nhau nhưng tất cả đã cùng nhau tái hiện lên một Điện Biên sáng ngời trong lịch sử”.

Thi Dung-Hà Giang

Có thể bạn quan tâm