Hỗ trợ phụ nữ mua phân bón trả chậm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chương trình cung ứng phân bón trả chậm được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Ka phối hợp với Hội LHPN huyện Chư Pah triển khai thực hiện từ năm 2015 đến nay đã giúp nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn xã có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Nhiều hội viên phụ nữ nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.

Làm nông nghiệp không chỉ phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, nguồn nước, giống cây trồng mà còn phải đầu tư phân bón phù hợp. Tuy nhiên, không phải hộ nông dân nào cũng có điều kiện cung ứng đủ phân bón cho vườn cây của mình. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón chưa phù hợp hoặc mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã khiến nhiều hộ thiệt hại về kinh tế.

 

Nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Ia Ka đã có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất nhờ tham gia chương trình mua phân bón trả chậm. Ảnh: N.N
Nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Ia Ka đã có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất nhờ tham gia chương trình mua phân bón trả chậm. Ảnh: N.N

Nhằm giúp hội viên phụ nữ có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, yên tâm sử dụng phân bón chất lượng, từ năm 2015, Hội LHPN xã Ia Ka đã phối hợp triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm trên địa bàn xã. Bà Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Ka, cho biết: Toàn xã có 891 hội viên, sinh hoạt tại 9 chi hội (7 làng, 2 thôn); trong đó, có khoảng 30% hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Khi chương trình cung ứng phân bón trả chậm được Hội LHPN huyện Chư Pah triển khai, Hội LHPN xã đã phối hợp thực hiện trên địa bàn xã.

Theo đó, Hội đã phổ biến về từng chi hội Phụ nữ các thôn, làng; thông báo bảng giá phân bón của các công ty cung ứng để chi hội triển khai đến hội viên nắm rõ và đăng ký tham gia. Các Chi hội trưởng sẽ tổng hợp danh sách, nhu cầu phân bón cụ thể của từng hộ gửi Hội LHPN xã để báo cáo về huyện. Sau khi hoàn tất thủ tục, phân bón sẽ được cung ứng về từng chi hội và chuyển đến tận tay hội viên. Khi hết thời hạn theo hợp đồng đã ký kết, các chi hội thu hồi nợ và chuyển về Hội LHPN xã để thanh toán với công ty cung ứng. Đến nay, đã có trên 400 hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Ia Ka tham gia mua phân bón trả chậm. Cuối vụ thu hoạch, các hội viên đều thanh toán đầy đủ theo đúng cam kết.

“Chương trình cung ứng phân bón trả chậm tạo điều kiện rất tốt cho các hộ trong quá trình sản xuất. Hội viên cũng yên tâm về chất lượng phân bón, không lo mua phải phân bón kém chất lượng. Ngoài ra, các công ty cung ứng phân bón còn tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hướng dẫn cách sử dụng phân bón phù hợp với từng vườn cây và phòng trừ sâu bệnh trên một số loại cây trồng… Từ đó, năng suất, chất lượng vườn cây được nâng lên, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ hội viên phụ nữ”-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Ka cho biết thêm.

Sau 3 năm thực hiện, chương trình cung ứng phân bón trả chậm đã phát huy hiệu quả thiết thực và được đông đảo hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Ia Ka đồng tình hưởng ứng. Bà Rơ Châm Pyuih-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Mrông Ngó 4, cho biết: “Chi hội Phụ nữ làng Mrông Ngó 4 có 59 hội viên tham gia mua phân bón trả chậm, hộ nhiều nhất mua khoảng 5-6 tấn, ít thì cũng 1-2 tấn. Giá mua phân bón theo chương trình không chênh lệch nhiều so với mua trả trước. Ngoài ra, khi tham gia chương trình, hội viên có nhiều lợi ích thiết thực nên nhiều người rất đồng tình. Cuối mùa vụ, các hội viên đều thực hiện trả đầy đủ”.

Chi hội Phụ nữ làng Mrông Ngó 3 cũng có 35 hội viên tham gia chương trình này. Bà Rơ Châm Amuih-Chi hội trưởng, cho biết: Trong số 35 hội viên tham gia chương trình có 5 hội viên thuộc hộ nghèo. Sau khi tham gia chương trình, được hỗ trợ mua phân bón trả chậm, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc giúp tăng năng suất vườn cây, cho thu nhập ổn định, một số hộ như hộ chị Rơ Châm H’Neng đã vươn lên thoát nghèo.

Nhờ chương trình cung ứng phân bón trả chậm, nhiều hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo thiếu vốn sản xuất đã có thêm điều kiện đầu tư cho vườn cây của gia đình. Chị Siu Dyoan (làng Mrông Ngó 4) chia sẻ: “Gia đình mình thuộc hộ cận nghèo, chỉ có 5 sào cà phê. Cứ vào đầu vụ sản xuất, gia đình mình thường thiếu tiền mua phân bón. Nhờ tham gia chương trình này, mình không phải lo thiếu phân bón nữa, lại có thêm kiến thức chăm sóc cho vườn cây. Những vụ gần đây, năng suất vườn cây đạt cao hơn. Mình sẽ tiếp tục tham gia chương trình này vì những lợi ích thiết thực mà nó mang lại”.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm