Hỗ trợ vốn cho phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có ý tưởng kinh doanh nhưng không có vốn là trở ngại đầu tiên của chị em phụ nữ trên con đường khởi nghiệp. Thông qua vai trò kết nối, hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp, nhiều chị em đã được vay vốn để thực hiện các mô hình kinh tế nhỏ nhưng hiệu quả.
Nhiều năm trước, chị Đinh Thị Dại (làng Kuk Kôn, xã An Thành, huyện Đak Pơ) đã ấp ủ ý tưởng mở một tiệm tạp hóa nhỏ để phục vụ bà con trong làng. Tuy nhiên, do không có vốn nên chị đành gác lại ước mơ này. Năm 2018, khi Hội LHPN huyện Đak Pơ triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, ý tưởng của chị Dại đã được lựa chọn hỗ trợ để hiện thực hóa. Từ nguồn vốn vay ngân hàng 30 triệu đồng cộng thêm 4 triệu đồng chi hội Phụ nữ làng hỗ trợ, chị Dại đã mở tiệm tạp hóa đầu tiên ở làng Kuk Kôn. Ngoài bán hàng tạp hóa, chị còn mở thêm dịch vụ sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng, cho thuê loa kéo di động phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa-văn nghệ của bà con trong vùng. Nhờ biết tính toán hợp lý, nguồn thu nhập từ tiệm tạp hóa và các dịch vụ đi kèm đã giúp chị Dại đảm bảo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Ngoài ra, gia đình chị còn chăn nuôi thêm bò, dê, trồng keo lai để tạo nguồn thu ổn định, tích lũy lâu dài.
 Tiệm tạp hóa của chị Đinh Thị Dại là mô hình kinh doanh do người dân tộc thiểu số làm chủ đầu tiên ở làng Kuk Kôn (xã An Thành, huyện Đak Pơ). Ảnh: S.C
Tiệm tạp hóa của chị Đinh Thị Dại là mô hình kinh doanh do người dân tộc thiểu số làm chủ đầu tiên ở làng Kuk Kôn (xã An Thành, huyện Đak Pơ). Ảnh: S.C
Theo bà Phạm Thị Thúy-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ, những hội viên có ý tưởng kinh doanh khả thi thì Hội sẽ kết nối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ vay vốn triển khai. Năm 2019, Hội LHPN huyện đã hướng dẫn, tiếp nhận 17 ý tưởng, kế hoạch kinh doanh khởi nghiệp. Hội đã lựa chọn ra 1 ý tưởng khả thi tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh và kết nối với ngân hàng hỗ trợ cho 6/10 chị em có ý tưởng khả thi vay vốn khởi nghiệp (50 triệu đồng/ý tưởng). “Nếu như trước đây, hoạt động kinh doanh buôn bán tại các làng chỉ tập trung ở người Kinh thì từ mô hình tiệm tạp hóa của chị Đinh Thị Dại đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong chị em dân tộc thiểu số. Hiện nay, tại xã An Thành đã có 3 mô hình kinh doanh do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ. Tại xã Yang Bắc cũng có 3 mô hình kinh doanh ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu hoạt động có hiệu quả”-bà Thúy thông tin thêm.  
Chủ động tạo thêm việc làm, gia tăng lợi nhuận từ cây cà phê là phương thức khởi nghiệp của chị Phạm Thị Tâm (thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku). Nhận thấy nguồn thu từ 2 sào cà phê sụt giảm do giá cả bấp bênh, lại sẵn có kinh nghiệm về rang xay nên chị Tâm quyết định chuyển hướng sang nghề sản xuất cà phê bột nguyên chất tại nhà. Theo tính toán của chị, tùy theo mùa vụ mà sản lượng cà phê tại vườn nhà tầm khoảng 6-8 tấn tươi (xấp xỉ 1,5-2 tấn nhân). Trải qua công đoạn sơ chế, rang xay thì giá bán cà phê bột nguyên chất thành phẩm đạt 100 ngàn đồng/kg, lợi nhuận cũng được cải thiện rõ rệt so với trước. Đến năm 2019, mô hình khởi nghiệp của chị Tâm đã được Hội LHPN xã Trà Đa lựa chọn hỗ trợ vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng. Chị Tâm chia sẻ: “Từ khi được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, tôi có thêm vốn xoay xở thu mua nguyên liệu, chào bán sản phẩm đi nhiều nơi, công việc thuận lợi hơn rất nhiều, có thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Sắp đến, tôi dự tính đầu tư hệ thống máy rang cà phê bằng điện thay thế lò rang bằng củi để giảm bớt nhân công, chi phí, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tôi sẽ thuê mặt bằng để trưng bày giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường và nhận gia công rang xay cà phê”.   
Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của chị em, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như tổ chức Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện; diễn đàn Cơ hội ngày trở về; phối hợp tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn và giao lưu các sản phẩm khởi nghiệp; tổ chức tập huấn về các hoạt động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã do phụ nữ quản lý, điều hành… Thông qua hoạt động phối hợp ủy thác cho vay với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên, phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Bà Phạm Thị Hoa-Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh-cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi khi triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của chị em phụ nữ. Vừa qua, Hội đã tổ chức sơ kết 1 năm triển khai đề án, biểu dương gương phụ nữ khởi nghiệp thành công năm 2018. Đã có 180 ý tưởng của chị em phụ nữ được hỗ trợ vay vốn tín chấp ngân hàng từ 100 triệu đồng trở xuống. Không để chị em đơn độc trên con đường khởi nghiệp, Hội đã chủ động làm việc, đề xuất Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hỗ trợ 9 tỷ đồng mỗi năm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ vay vốn khởi nghiệp. Đồng thời, Hội triển khai các đợt tập huấn, xây dựng kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ kết nối với các cơ quan, đơn vị chức năng để xúc tiến thương mại. Hiện nay, Hội đang nỗ lực giới thiệu các sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp vào các kênh phân phối, lên kế hoạch xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các nguồn vốn thương mại cho chị em có nhu cầu vốn cao hơn”.   
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm