12 giờ trưa, ông Grok vẫn còn tranh thủ đi cắt cỏ cho đàn bò. Ông cho biết, nhà có đất vườn rộng nên ông tận dụng trồng cỏ nuôi bò để có thêm thu nhập và lấy phân bón cho cây trồng. Trung bình mỗi đợt, ông nuôi 3-5 con bò, cộng với trồng 2 ha lúa, bắp và 3 sào cà phê. Sau khi trừ chi phí, gia đình tích lũy 110-120 triệu đồng/năm. Đặc biệt, ông Grok thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và giúp đỡ các hộ xung quanh khi khó khăn hoạn nạn. Vì thế, người dân trong làng rất quý mến ông.
Năm 2010, ông được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn nhưng đến năm 2012 vì gia đình gặp sự cố nên ông xin nghỉ. Tuy nhiên, trong vai trò là người có uy tín của làng, ông thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con và tích cực tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn để củng cố khối đoàn kết trong cộng đồng.
Ông Rah Lan Grok chăn nuôi bò để có thêm thu nhập và lấy phân bón cho cây trồng. Ảnh: N.H |
Theo ông Grok, bà con dân làng sống giản dị, biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Song, thỉnh thoảng vẫn xảy ra các vụ việc mâu thuẫn hoặc hiểu lầm nhau, chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn vợ chồng, thanh niên tụ tập gây rối trật tự. “Mỗi khi xảy ra tranh chấp hoặc mâu thuẫn, tôi thường đến từng nhà, gặp trực tiếp các hộ dân để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có phương án hòa giải thích hợp, đồng thời kết hợp làm công tác tư tưởng cho các bên. Trong quá trình hòa giải, tôi vừa dựa vào các quy định của pháp luật vừa dựa vào tình cảm để phân tích giúp bà con hiểu rõ ràng sự việc”-ông Grok chia sẻ.
Chị Kpuih Ron cho biết: Gia đình chị có mảnh đất hơn 3 sào tại làng Tào Ròng. Đây là đất do mẹ chị khai hoang, sau đó cho ông Rah Lan Sơl mượn cất nhà ở cách đây đã hơn 10 năm. Năm 2021, gia đình chị muốn lấy lại đất để trồng trọt nhưng ông Sơl không đồng ý vì cho rằng nếu ông không ở đây trông coi thì người khác cũng lấn chiếm. Dù gia đình chị đã quyết định chia cho ông Sơl một nửa diện tích nhưng ông Sơl vẫn không đồng ý dẫn đến mâu thuẫn kéo dài. “Mâu thuẫn kéo dài gần 1 năm nhưng chúng tôi vẫn không thể giải quyết dứt điểm.
“Sau khi biết sự việc, ông Grok đã đến từng nhà để nói chuyện thiệt hơn. Tại buổi hòa giải do Ban Nhân dân 2 thôn tổ chức, ông Grok cũng góp tiếng nói có tình, có lý. Nhờ vậy mà ông Sơl đã đồng ý trả lại 1 nửa diện tích đất cho gia đình tôi. Không những thế, ông Sơl còn vui vẻ nhận lời trông coi đất cũng như vườn cây cho gia đình tôi khi canh tác trên diện tích này”-chị Ron phấn khởi kể.
Còn ông Rah Lan Tháo-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Pết thì nhận xét: Ông Grok là người rất có uy tín với dân làng nên mỗi lần hòa giải việc gì, thôn đều mời ông tham gia. Đặc biệt, ông còn tham gia hòa giải các vụ việc tại địa bàn các thôn, làng khác nếu có liên quan. Thông qua hòa giải, ông Grok phối hợp tuyên truyền giúp bà con nắm rõ những quy định của pháp luật, từ đó góp phần hạn chế tranh chấp, mâu thuẫn. Nếu như trước đây, mỗi năm, làng xảy ra 6-7 vụ việc thì 2 năm nay chỉ còn xảy ra 2-3 vụ việc.
Cũng theo Trưởng thôn Ia Pết, từ năm 2016 đến nay, ông Grok đã tuyên truyền, vận động dân làng hiến hơn 4.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Làng Ia Pết hiện có 175 hộ (166 hộ người Jrai), trong đó có 14 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa hàng năm luôn đạt 100%.
Trao đổi với P.V, ông Lê Xuân Thống-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Pal-khẳng định: Ông Rah Lan Grok là tấm gương mẫu mực trong phát triển kinh tế, là người có uy tín với dân làng. Ông đã góp phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực hòa giải các mâu thuẫn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, củng cố khối đoàn kết toàn dân.
Từ năm 2019 đến nay, ông Grok 2 lần được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen và nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh, huyện và Mặt trận các cấp trong huyện khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.