"Hoa thơm" làng Ó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Điện thoại tắt nguồn, nhờ người đến nhà rồi lên rẫy cà phê tìm mà cũng không thấy, chắc lại trốn nữa đấy. Trước giờ nhà báo xin gặp hắn tránh hết, hắn bảo xấu hổ vì có làm được gì to tát đâu mà nêu gương. Ấy là hắn khiêm tốn thế, chứ cả huyện, cả tỉnh có mấy ai làm được như hắn”- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Sao (huyện Ia Grai) Nguyễn Thị Mến vừa trách yêu hội viên, vừa như phân trần để tôi hiểu nguyên nhân vì sao mình chưa thể gặp nhân vật y hẹn.

Cách đó vài hôm, qua những mĩ từ mà Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện dành cho chị và những đóng góp của chị với cộng đồng, tôi đã cảm thấy rất khâm phục rồi. Giờ nghe chuyện, lòng lại thêm mến người phụ nữ Jrai với cái tên Rơ Châm H’Lách ấy. Có một sự thôi thúc mạnh mẽ khiến tôi hạ quyết tâm phải gặp chị cho bằng được.

 

Chị H’Lách đang buộc dây cho tiêu mới trồng. Ảnh: Hồng Thi
Chị H’Lách đang buộc dây cho tiêu mới trồng. Ảnh: Hồng Thi

Nỗ lực thoát nghèo

Chị H’Lách có dáng người đậm, sở hữu một thân hình rắn chắc với làn da bánh mật giòn giã đặc trưng của dân tộc mình. Sinh năm 1974, trải qua tròn 40 mùa rẫy, gương mặt duyên ngầm của chị không vì gió sương mà kém đi vẻ mặn mà vốn có. Sinh ra trong một gia đình thuần nông với 4 anh chị em, cái nghèo cái đói cứ mãi bủa vây trong suốt một thời gian dài. Lớn lên trong khốn khổ, chị càng nỗ lực vươn mình. Năm 1988, chị kết hôn cùng anh Rơ Châm Uk. Cuộc sống đã khó lại càng vất vả hơn khi H’Lách sinh con gái đầu lòng vào năm 1992. Anh Uk tham gia đoàn thể nên thường xuyên công tác, học tập vắng nhà nên hầu như mọi việc trong ngoài đều do một tay chị quán xuyến.

Ra riêng với 1 ha đất đồi và 2 sào ruộng, chị vừa khai hoang đất trồng cà phê, vừa chuyển đổi gieo trồng lúa 2 vụ để có đủ lương thực quanh năm. Năm 2003, được sự giúp đỡ của cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ xã, vợ chồng chị mạnh dạn thuê 2 ha đất quốc phòng (đất do Nhà nước thu hồi làm đất quốc phòng nhưng vẫn để nhân dân trồng trọt) tiếp tục trồng cà phê. Năm 2010, nhận thấy tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng, chị đã đầu tư 300 triệu đồng tích lũy được để đào 1 ha hồ chứa nước, hạ một trạm điện 3 pha tưới tiêu cho hơn 3 ha cà phê của gia đình; đồng thời giúp bà con lân cận, liền kề về nguồn nước tưới cho cây trồng. Không dừng lại ở đó, năm 2012, chị tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư 450 trụ tiêu và tiếp tục trồng mới 800 trụ. Với diện tích cà phê hiện có, trừ chi phí hàng năm gia đình chị thu nhập được từ 300 đến 400 triệu đồng”.

Với cơ ngơi khang trang hiện có và con cái ham học, hiện con gái đầu của chị đang là sinh viên năm 4 đại học ngành Y ở TP. Hồ Chí Minh, con thứ 2 đang học lớp 10. Gia đình hạnh phúc, của ăn của để đã đủ đầy là thế, song không ngày nào chị H’Lách không đi rẫy. Chị bảo, từ nhỏ đến lớn đã quen tay quen chân với việc đồng áng, nghỉ một hôm là cứ thấy khó chịu trong người. Với chị, cầm cuốc ra đồng đã trở thành một niềm vui khó bỏ.

 

Thầm lặng giúp người

Dân làng Ó không chỉ ngợi ca H’Lách làm kinh tế giỏi mà còn cực kỳ yêu mến chị bởi tấm lòng rộng mở, luôn muốn được giúp đỡ, sẻ chia với cộng đồng. Vậy mà khi được hỏi về sự đóng góp ấy, chị liền sẵn giọng: “Chuyện đó có gì đâu mà nói. Thôi, đừng viết, mình ngại lắm”. Chị Mến bảo, H’Lách luôn thế, cứ âm thầm làm miễn sao thấy vui và có ích chứ không bao giờ muốn kể lể, phô trương.

Làng Ó có 100% là người dân tộc thiểu số, trong đó có trên 50% hộ nghèo và cận nghèo (năm 2011). Trước thực tế đó, chị H’Lách luôn trăn trở làm thế nào để giúp bà con có cuộc sống ấm no hơn. Không những gần gũi, động viên, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ dân làng nâng cao nhận thức, mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chị còn vận động mọi người giảm bỏ những hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe. “Được cái, dân làng họ tín nhiệm mình, mình nói gì họ đều nghe và tin tưởng làm theo”-chị H’Lách vui vẻ nói.

Năm 2011-2013, hưởng ứng việc học tập và làm theo gương Bác, chị đã phát động chị em hội viên xây dựng “Hũ gạo tình thương” và “Nuôi heo đất”. Ban đầu, ai cũng ngần ngại vì cuộc sống hàng ngày còn rất khó khăn, lấy đâu mà tiết kiệm. Thế nhưng nhờ sự kiên trì thuyết phục, phân tích rõ cái lợi khi tham gia, chị em đã dần hiểu và đồng tình hưởng ứng. Tháng 6-2013, chị được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ nhiệm kiêm thủ quỹ Câu lạc bộ “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”. Từ đó, chị càng phát huy vai trò của mình trong việc giúp đỡ hội viên vượt khó thoát nghèo. Năm 2012 và 2013, chị đã hỗ trợ giống, trụ xi măng và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho gia đình hội viên Rơ Châm Nong cải tạo vườn tạp để trồng 360 trụ tiêu. Thậm chí, những quả tiêu đầu mùa thu hái được, chị H’Lách cũng đem cho hết những chị em tham gia hái để họ bán lấy tiền mua sách vở cho con đến trường. Nói về niềm vui của mình, chị Nong phấn khởi bày tỏ: “Nhờ chị H’Lách giúp, gia đình tôi đã cơ bản vượt qua khó khăn. Dù chưa có kinh nghiệm, tiêu chết nhiều, nhưng vợ chồng tôi cũng đang dần học hỏi, khắc phục. Hy vọng nhờ cây tiêu, cuộc sống của chúng tôi sẽ tốt lên”. Cùng với Nong, các chị em khác cũng bắt đầu làm theo, tỷ lệ hộ nghèo của làng nhờ đó đã giảm xuống 1/3 tổng số hộ.


Ngoài ra, chị H’Lách còn dành sự quan tâm đặc biệt đến những gia đình chính sách khó khăn, người già neo đơn trong làng. Tết nào chị cũng gói bánh chưng, bánh tét làm quà; có năm chị tặng cho 10 gia đình khó khăn, mỗi hộ 500.000 đồng. Không những thế, năm 2013, chị còn tích góp số tiền thưởng mà tỉnh cũng như Trung ương ghi nhận nỗ lực của mình để mua 10 chiếc chăn (trị giá 1 triệu đồng/cái) để tặng các cụ già không nơi nương tựa trong làng. “H’Lách bảo thấy các cụ nằm co ro vì lạnh mà thương nhưng chỉ biết giúp các cụ chừng ấy. Hắn vừa giỏi mà cái tâm cũng tốt thế đấy, chân thành, không tính toán”-chị Mến tâm tắc.

Từ giã trở về khi trời đã bóng xế. H’Lách vẫn ở đó, ẩn hiện, cần mẫn bên vườn tiêu. Nhìn chị, tôi bỗng liên tưởng đến một loài hoa dại, tuy không mang vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy nhưng có một sức hút mãnh liệt với nhiều người. “Hữu xạ tự nhiên hương”-với chị H’Lách quả thật là như thế…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm