Đó là cách gọi thật gần gũi mà mọi người mỗi khi nhắc tới Hòa thượng, lương y Thích Tuệ Tâm, Giám đốc điều hành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa. Với Hòa thượng Tuệ Tâm, việc khám bệnh, bốc thuốc, truyền dạy đông y là trách nhiệm với đời.
Sự sống nơi cửa thiền
Chưa tới 7 giờ sáng, từ ngoài cổng vào tận trong sân Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa (khuôn viên chùa Pháp Luân ở TP Huế, Thừa Thiên - Huế) đã có rất đông người dân đến chờ khám bệnh. Mỗi người mỗi bệnh, nặng nhẹ khác nhau, song đều xếp hàng lấy phiếu rồi ngồi ngay ngắn chờ đến lượt mình.
Bà Mai Thị Hoa (65 tuổi) lặn lội từ Khe Sanh (Quảng Trị) vào gặp Hòa thượng Tuệ Tâm với hy vọng sớm chữa dứt điểm bệnh gai cột sống. Bà nói: “Đi nhiều nơi nhưng bệnh tình không giảm. Vậy mà từ lúc đến Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa khám và châm cứu thì bệnh thuyên giảm nhiều, đi lại không còn khó khăn”.
Ngồi cạnh bà là một người đàn ông tên Nguyễn Văn Thanh, trạc ngoài 50 tuổi, quê Nghệ An. Trong cuộc trò chuyện ngắn với chúng tôi, ông nói về các thầy thuốc ở đây một cách tôn kính. Ông cho biết, chẳng may bị tai biến, liệt nửa người từ cuối năm 2019. Tưởng không còn cơ hội trở lại bình thường sau khi đã “vái” tứ phương, rồi được người quen giới thiệu, vợ con ông liền đưa vào đây khám và châm cứu phục hồi chức năng…
“Gần một năm được các y, bác sĩ ở Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa tận tình chữa trị, tôi dần đi trở lại được và đến nay tự lái ô tô từ nhà vào đây cũng không vấn đề gì”, ông Thanh mừng rỡ khoe. Đó cũng là tâm tư của rất nhiều người đến đây để khám, chữa các bệnh đặc thù như hen, suyễn, cột sống, khớp, suy nhược thần kinh…
Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa do Hòa thượng Thích Tuệ Tâm (trụ trì chùa Pháp Luân) làm Giám đốc điều hành và trực tiếp khám chữa bệnh. Hòa thượng Tuệ Tâm thường mặc áo blouse trắng khi khám bệnh, bốc thuốc và truyền dạy đông y cứu người. Ông bảo, so với nhiều cơ sở đông y truyền thống ở cố đô Huế, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa có lịch sử khiêm tốn 40 tuổi. “Nghề đông y với tôi cũng là cha truyền con nối. Trước khi thọ giáo một vị sư phụ khác ở Huế và TPHCM, tui được ông cụ truyền dạy nghề y từ nhỏ”, Hòa thượng Tuệ Tâm nở nụ cười phúc hậu mở đầu câu chuyện.
Từ những buổi đầu vừa học vừa thực hành bắt mạch, bốc thuốc, Hòa thượng đã chữa khỏi bệnh miễn phí cho hàng chục rồi dần đến hàng trăm bệnh nhân nghèo. Tiếng lành đồn xa, nhân dân quanh vùng đến chữa bệnh ngày càng đông. Khi đã vững vàng hơn trong nghề thầy thuốc, Hòa thượng Tuệ Tâm vừa châm cứu, bốc thuốc, vừa nhận thêm đệ tử để truyền nghề và cùng chữa bệnh.
“Năm 1982, tôi cùng 6 học trò rời chùa Huyền Không Sơn Thượng (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) về chùa Diệu Đế (đường Bạch Đằng, TP Huế) lập Tuệ Tĩnh đường. Gọi là Tuệ Tĩnh đường, chứ thật sự ngày đó mọi thứ đều tạm bợ. Hàng tuần tranh thủ vào ngày chủ nhật, thầy trò tỏa đi các nơi hái thuốc về phơi, sao để chữa bệnh”, Hòa thượng Tuệ Tâm kể, rồi giọng chợt chùng xuống, ánh mắt cũng xa xăm khi nhớ về những năm tháng trước đây.
“Ban đầu thầy trò đứng chân ở chùa Tăng Quang (ngôi chùa Phật giáo Nam tông đầu tiên tại TP Huế) để khám chữa bệnh. Đến năm 1989, Tổ chẩn trị y học dân tộc sáp nhập với Phòng khám tây y trở thành Tuệ Tĩnh đường ở nhờ khuôn viên chùa Diệu Đế. Phòng khám chẳng khác gì ngôi chùa giữa “chợ đời”, bị bủa vây bởi bao thị phi và cám dỗ… Có ngày vì để dành tiền mua thuốc chữa trị cho bệnh nhân mà thầy trò phải ăn cháo bo bo nấu rau khoai”, Hòa thượng nhớ lại.
Nơi cửa thiền tĩnh lặng, Hòa thượng Tuệ Tâm cùng học trò vẫn ngày ngày lặng lẽ, miệt mài vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Nhờ sự hỗ trợ đáng kể của phật tử khắp nơi, Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế ngày một lớn mạnh, trở thành địa chỉ khám bệnh từ thiện nổi tiếng tại Huế. Đến năm 2005, Tuệ Tĩnh đường chuyển qua khuôn viên chùa Pháp Luân và đổi tên thành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa cho đến bây giờ.
Hòa thượng Tuệ Tâm bắt mạch chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân |
Nối dài hạnh nguyện
Tôi gợi hỏi sao Hòa thượng lại nhập thế, phát tâm theo nghề y? Hòa thượng Thích Tuệ Tâm diễn giải, đó là tâm nguyện khi tôi bước vào cửa thiền năm 14 tuổi. Lúc ấy, thấy một số người dân sống quanh chùa bệnh tật mà không tiền chạy chữa thuốc thang thì đầu óc ông bị ám ảnh. Chính thời điểm ấy, ông thắp nhang, phát nguyện với Đức Phật từ nay về sau sẽ phụng sự chúng sinh bằng nghề đông y chữa bệnh cứu người. “Đời tu hành, mỗi người có một hạnh nguyện. Người thuyết giảng, người viết kinh sách. Tôi thì chọn chữa bệnh cứu người”, Hòa thượng Thích Tuệ Tâm bày tỏ.
Cách làm từ thiện của Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa do Hòa thượng Tuệ Tâm khởi xướng khá lạ so với nhiều nơi khác. Mỗi ngày, bình quân có từ 200-250 bệnh nhân, phần lớn là bệnh nhân nghèo từ khắp các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên đến khám và chữa bệnh.
Ngoài việc miễn phí tiền khám bệnh, châm cứu và cấy chỉ cho bệnh nhân, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa còn miễn phí tiền thuốc cho người nghèo; các gia đình ít khó khăn hơn được giảm 30%-50% tiền thuốc. Với bệnh nhân có điều kiện kinh tế thì thu tiền bình thường. Hòa thượng Tuệ Tâm còn kêu gọi phật tử thường xuyên tổ chức tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa.
Hòa thượng Thích Tuệ Tâm rất xem trọng việc truyền nghề, cũng là cách để ông nhân lên nhiều lần việc giúp đỡ mọi người, nối dài hạnh nguyện “chữa bệnh cứu người” mà ông đã suốt đời tận hiến.
“Ngoài việc lấy dược nuôi y và nguồn thu từ quán cơm chay dưỡng sinh trước chùa Pháp Luân để hỗ trợ từ 3,5-4 triệu đồng/tháng/người cho 40 nhân viên làm việc tại Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, tôi khuyến khích các lương y đi học hỏi mọi nơi để nâng cao tay nghề. Đồng thời, mở lớp truyền nghề miễn phí cho đệ tử và sinh viên, hoặc bất cứ ai muốn học theo hình thức cầm tay chỉ việc”, Hòa thượng Thích Tuệ Tâm chia sẻ.
Ngoảnh lại đã gần 40 năm, Hòa thượng Tuệ Tâm vẫn miệt mài học tập, nghiên cứu, làm việc và khám chữa bệnh mỗi ngày. “Tôi ước nguyện xây dựng một bệnh viện điều dưỡng để vừa điều trị, vừa hướng dẫn bệnh nhân các phương pháp dưỡng sinh, thiền, để họ tự tạo cho mình cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc”, Hòa thượng Tuệ Tâm nói.
Hòa thượng Tuệ Tâm đã được Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều bằng khen về thực hiện chính sách quốc gia trong công tác y dược cổ truyền, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2019, Hòa thượng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vì cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc…
Hòa thượng Tuệ Tâm còn dày công nghiên cứu, tìm tòi các bài thuốc quý để chữa bệnh cứu người, như “Cao đơn hoàn tán”, “Hoàn thìa canh”, “Hoàn trí não”, “Viên thuốc Trường thọ hoàn”... Hội Đông y Việt Nam công nhận Hòa thượng Tuệ Tâm là thầy thuốc đông y tiêu biểu, “Cây kim vàng” của Việt Nam.
VĂN THẮNG (SGGPO)