Hoài niệm Ia Blang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách trung tâm huyện Chư Sê (Gia Lai) chừng 4 km, Ia Blang là một xã trù phú được thành lập năm 1979. Đường vào xã phẳng phiu, 2 bên là dãy nhà kiểu mới san sát nhau. Một sức sống mới đã dậy lên trên vùng đất đầy tàn tích của chiến tranh.
  Một góc xã Ia Blang hôm nay. Ảnh: Đ.T
Một góc xã Ia Blang hôm nay. Ảnh: Đ.T
Ngày mới giải phóng, xã Ia Blang thường được gọi là điểm 5 kinh tế mới của huyện Chư Prông, Gia Lai. Năm 1976-1977, dân của các huyện Hương Phú (tỉnh Bình Trị Thiên, nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế) và huyện Phù Mỹ (tỉnh Nghĩa Bình, nay là tỉnh Bình Định) đến đây lập nghiệp theo diện kinh tế mới, chung sống cùng 10 làng người Jrai bản địa.
Ngày ấy, con đường dẫn từ quốc lộ 14 vào xã chỉ là một lằn đất đỏ ngoằn ngoèo, bụi mù vào mùa nắng và trơn nhẫy vào mùa mưa. Dốc Bằng Lăng là con dốc khó đi nhất để đến xã. Đường vừa hẹp vừa bị cây cỏ che khuất tầm nhìn. Xe đạp, xe máy muốn qua đoạn đường này vào mùa mưa phải quấn xích và… đẩy. Đó là một vùng đất mới, nhìn tứ bề là cỏ đuôi chồn bạt ngàn, lác đác vài lùm cây xanh như ụ nấm mọc lên từ lỗ chỗ hố bom. Trong cái nắng ban trưa mùa hè, trời oi nồng đến nỗi nhìn ra cánh đồng thấy như có khói bốc lên. Tiếng ve réo lên từng đợt như còi xe hết hơi. Gió cứ thông thốc cuốn bụi đất đỏ lên mù trời, hất những luồng nóng ran vào da mặt. Nhiều gia đình đến vùng này không chịu nổi đã tháo lui về quê hoặc chuyển đi nơi khác. Đêm về, những ánh đèn dầu leo lét vừa lóe lên đã mờ đi sau những làn sương mù kéo về dày đặc. Chưa đầy 3 năm mà số nhà tranh bỏ trống chiếm đến 1/3.
Trước khi đưa dân đến, mỗi huyện cử ra một đội xung kích đi trước để làm nhà. Gọi là nhà nhưng cũng chỉ mái tranh, vách tranh nằm sắp hàng đối mặt nhau trên một ngọn đồi. Ngoài trợ cấp của Nhà nước, để nhanh có cái ăn, ai cũng tranh thủ trồng khoai lang, đầu tiên là dùng lá, đọt, rồi đến củ. Đất tốt nên cắm dây tới đâu là lên sum suê tốt mượt tới đó. Lúc bấy giờ, ngoài các cây họ đậu, bắp và lúa một vụ, khoai lang là cây chủ lực, có năm diện tích lên tới 500 ha, được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tặng bằng khen. Nhưng cũng có mùa thu hoạch xong dồn ứ hàng do Mậu dịch đầy kho, hết tiền đành phải gửi về quê cứu đói.
Vào mùa, từng đoàn xe đạp chở khoai lang ra Pleiku bán. Phải mất một buổi để vượt qua đoạn đường đất đỏ ngoằn ngoèo, mưa trơn trượt để bán 2 giỏ khoai dù số tiền này cũng chỉ đủ mua được vài túm mắm khô và xà phòng, bột ngọt. Nhưng cũng phải đi để… đổi gió. Nhìn tiệm bán phở bốc mùi thơm ngào ngạt mà bụng cứ réo sôi.
Cán bộ xã đi công tác thì càng vất vả hơn. Từ Ia Blang về trung tâm huyện Chư Prông để họp phải mất 3 ngày gồm ngày đi, ngày về và ngày họp. Cơm vắt mang theo, đi bộ là chủ yếu, thường là xin xe đò ra đến ngã ba Phú Mỹ rồi đi bộ vào 18 cây số cho kịp báo cơm chiều. Gặp mùa mưa, đường trơn phải vắt dép lên cổ cố bám đoạn đường trơn trượt mà đi.
Không chỉ đối mặt với khó khăn về vật chất, cán bộ và người dân xã Ia Blang khi ấy còn phải đối phó với bọn phản động FULRO thường xuyên gây rối an ninh trật tự.
Vượt qua bao khó khăn, xã đã đạt được ba cái nhất. Về Giáo dục, đây là xã mở trường học sớm nhất, mở lớp bổ túc văn hóa cho thanh niên, cán bộ nguồn người dân tộc thiểu số sớm nhất với kinh phí tự lực. Về kinh tế, đây là nơi cây bắp lai, dong riềng, hồ tiêu xuất hiện đầu tiên. Về văn hóa, Ia Blang có làng văn hóa đầu tiên của tỉnh (làng Nhá). Từ khi huyện Chư Sê được thành lập (năm 1981) đến nay, dân cư xã Ia Blang ngày càng đông đúc, 2 dân tộc anh em là Kinh và Jrai đã cùng chung tay làm nên bộ mặt vùng nông thôn mới.
Giờ đây, màu xanh của các loại cây công nghiệp đã bạt ngàn cả vùng đất. Những vườn hồ tiêu, cà phê, cao su xanh mướt, những ngôi biệt thự giữa vườn, ô tô và xe máy đời mới chạy bon bon trên đường. Từ một vùng đất hoang hóa, Ia Blang đang dần tiến đến mục tiêu phấn đấu trở thành một phường của thị xã Chư Sê trong tương lai.
An Sinh

Có thể bạn quan tâm