Phóng sự - Ký sự

Hoài niệm lò rèn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi sinh ra trên một vùng quê nghèo khó ven biển miền Trung ôm lấy dòng Thu Bồn sóng vỗ dạt dào lên những biền dâu. Tuổi thơ tôi gắn với ruộng đồng, với những mùa gặt lúa đêm trăng vang vọng tiếng cười giòn tan của các cô thôn nữ. Mùa gặt và vụ cấy sau của bà con không thể thiếu chiếc liềm, giằng (dụng cụ để cắt lúa, cắt cỏ) và những chiếc cuốc… Những nông cụ ấy gắn liền với tiếng bể thổi lò phì phò và tiếng búa đập chan chát của những bác thợ rèn. Những cái lò rèn ấy đã trở thành một nét văn hóa, một kỷ niệm khó phai đối với những đứa con xa quê như tôi. Nhiều khi trong giấc mơ ký ức xưa cứ hiện về bổi hổi, bồi hồi.
 

 Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Tôi nhớ thuở còn bé, trước khi vào vụ gặt hay vụ gieo trồng màu sau mùa lụt, cha tôi thường gom những cái cuốc, giằng đến lò rèn của chú để trui lại và cắt chấu (đưa vào lò nung nóng rồi dùng một thiết bị cứa lên tạo thành răng cưa trên lưỡi giằng). Chú tôi có nghề rèn cha truyền con nối từ bao đời. Lò rèn của chú cất ở cuối làng sát bên cái bàu, bà con gọi là Bàu Ông Tư nước bốn mùa xanh lét. Làng tôi có độc mỗi cái lò rèn của chú nên khách đến làm lúc nào cũng đông nườm nượp. Vụ gieo trồng sau mùa lụt còn đỡ chứ chuẩn bị cho vụ Hè Thu vào khoảng tháng 8 Dương lịch hàng năm nắng như đổ lửa (những năm 80 của thế kỷ trước mỗi năm làm lúa 3 vụ). Lò rèn lấy than làm nguyên liệu chính, nối với lò là hệ thống thổi gió quay bằng tay. Chú ngồi bên lò mồ hôi nhễ nhại, tiếng than cháy nổ lách tách, tàn lửa bay lên tỏa ra như một đóa hoa điểm những hạt li ti màu đỏ. Lâu lâu, chú lại nhúng chiếc chổi vào chậu nước tém than vào lò cho gọn, than cháy gặp nước phát ra những tiếng xèo xèo nghe rất vui tai.

Không chỉ trui rèn cuốc, thuổng, liềm, giằng, lò của chú còn rèn dao, mác, rựa… Từ chiếc dao xếp hái rau, bửa cau của mẹ đến những chiếc dao lớn hơn như dao phay chặt xương; dao lở xắt chuối cho heo; mác, rựa đốn cây… đều đến và đi qua bàn tay tài hoa của chú.    

Tôi thích đi theo cha đến lò rèn của chú bởi lẽ ở đó có đặt những bàn cờ tướng. Do khách đông và phải đợi lâu nên chú để cái bàn cờ cho bà con chơi trong lúc chờ lấy hàng. Chẳng biết tự bao giờ lò rèn của chú trở thành điểm tụ tập của các cao thủ cờ tướng làng. Hai người chơi nhưng những người xúm quanh bàn cờ đông đặc, mỗi người mỗi ý, cứ cãi nhau inh ỏi. Chơi cờ tướng ở quê, người ta hay gọi là cờ làng là vì vậy. Người quê chân chất, hiền lành, bộc trực nhưng nhiệt tình và thân thiện, cãi nhau đó lại cười vui với nhau đó, ấm áp nghĩa xóm, tình làng.

Tôi lớn lên, xa quê hương đi học rồi sau đó làm việc ở thành phố. Cuộc sống tất bật với những lo toan cơm áo gạo tiền, đôi lúc làm mờ đi những nét quê. Thi thoảng có về vùng huyện công tác ngang qua những cánh đồng đang vào vụ gặt loáng thoáng hiện về hình ảnh chiếc lò rèn ngày xưa. Chợt nhớ cha mẹ, cô chú và quê hương đến nao lòng. Nhớ tiếng lửa reo cười, nhớ tàn tro bay như hoa hồng điểm xuyết, nhớ những đêm trăng gặt lúa giòn tan tiếng cười giờ đã thành ký ức.

30 năm biền biệt xứ người, tôi lại về thăm quê. Cái lò rèn ngày xưa vẫn còn đó như dấu tích văn hóa một thời nhưng chú không còn nữa. Nói chuyện với Minh, con trai chú, người nối nghiệp giữ lửa cho nghề rèn, Minh tâm sự:

- Bây giờ làm khó lắm anh ơi, ruộng đồng đã có máy cày, máy bừa, máy gặt làm thay hết rồi. Dao thì nhà máy người ta làm nguyên cả bộ bày bán đầy ra đó, loại gì cũng có, giá cả lại rẻ. Thỉnh thoảng mới có người đến trui lại cái cuốc làm đất gieo chứ giằng cắt lúa có ai dùng nữa đâu, nhưng cũng không thể bỏ nghề được, giữ nó để khi bà con cần còn giúp, phần khác cho cha em vui.

Nghe Minh nói lòng tôi vui buồn xen lẫn. Vui vì đời sống bà con quê tôi ngày một khá lên và thảnh thơi hơn nhờ những tiến bộ của khoa học công nghệ, buồn vì một nghề truyền thống gắn với văn hóa, tâm linh một thời bây giờ dần mai một. Thắp cho chú nén nhang, lòng hồi tưởng gương mặt chú nhễ nhại mồ hôi bên lò lửa mà miệng vẫn nhoẻn cười nói chuyện với khách, chợt thấy như chú đang về đâu đó quanh đây.

 Sông Hương

Có thể bạn quan tâm