Phóng sự - Ký sự

Hoàng Sa cột mốc chủ quyền: Chứng tích đặc biệt tố cáo hành động phi pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tàu cá vỏ gỗ mang số hiệu ĐNa 90152 trở thành chứng tích đặc biệt tố cáo Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, sau khi bị tàu Trung Quốc tấn công và đâm chìm lúc đang đánh bắt ở ngư trường truyền thống năm 2014.
Xót xa vết thương trên thân tàu
Tháng 5.2014, sau chuyến tác nghiệp để tường trình việc lực lượng chấp pháp của Việt Nam đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc kéo vào vùng biển chủ quyền Hoàng Sa, tôi được tòa soạn giao nhiệm vụ đón tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa chiều 26.5.2014, đang được lai dắt vào bờ. Ngày 29.5.2014, con tàu được lai dắt về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tôi còn nhớ như in vẻ mặt bàng hoàng của những thuyền viên trên tàu cá ĐNa 90152 bị tàu vỏ sắt của Trung Quốc số hiệu 11202 nhiều lần tông thẳng vào với mục đính cố sát. Bàng hoàng, bởi ngư dân đâu ngờ rằng tàu Trung Quốc rắp tâm triệt hạ tàu cá của họ với những cú tông chí mạng giữa biển khơi.

Con tàu lịch sử ĐNa 90152 trở thành hiện vật đặc biệt đang được trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Hoàng Sơn
Con tàu lịch sử ĐNa 90152 trở thành hiện vật đặc biệt đang được trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Hoàng Sơn
Chiều 29.5.2014, trên vùng biển ở đảo Lý Sơn, con tàu ĐNa 90152 lẫn trong nước biển, chỉ nổi một phần mũi, lừ đừ theo sau tàu cứu hộ số hiệu VT 57 nhờ một sợi dây lớn. Cảnh tượng khiến những người chứng kiến không khỏi căm phẫn. Nếu 10 thuyền viên Việt Nam trên tàu ĐNa 90152 không kịp thoát nạn, thì có lẽ ngày 26.5.2014 đã trở thành ngày tang thương. Trước khi tàu chìm hẳn, 2 thuyền viên kẹt trong khoang máy đã kịp bơi ra ngoài dù bị thương khá nặng. Các ngư dân kể lại, tàu Trung Quốc số hiệu 11202 to gấp 4 - 5 lần tàu ĐNa 90152, mũi tàu lại được thiết kế bằng sắt… nên ĐNa 90152 dù là tàu gỗ khá lớn, chắc chắn, nhưng vẫn không thể trụ được sau nhiều cú đâm trực diện, cố sát.
Ngày 2.6.2014, sau khi lai dắt về đến TP.Đà Nẵng, tàu ĐNa 90152 đã được Hợp tác xã trục vớt và đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (âu thuyền Thọ Quang) trục vớt. Phần mạn trái ở phía sau ĐNa 90152 bị rách toạc một mảng lớn, cho thấy lực đâm va rất mạnh, từ đây nước tràn làm khiến con tàu nhanh chóng bị chìm…
Ngư dân Lê Văn Chiến (55 tuổi, trú tổ 5, P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) khi ấy cùng đội tàu cá bám ngư trường Hoàng Sa đã tận mắt chứng kiến tàu vỏ sắt của Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý. “Chiều 26.5.2014, gió lớn cộng với dòng nước dìu con tàu bị nạn trôi về phía giàn khoan. Sau khi cứu được 10 ngư dân lên tàu an toàn, chúng tôi đã ghép lại thành một đoàn tàu 5 - 6 chiếc để tăng sức mạnh. Qua bộ đàm, chúng tôi hò nhau rồi cứ thế dắt con tàu ĐNa 90152 rời xa giàn khoan. Lai dắt đúng 1 đêm thì tàu kiểm ngư tiếp cận để kéo về đảo Lý Sơn”, ông Chiến nhớ lại.

Vết rách trên tàu cá ĐNa 90152 tố cáo hành động tàn độc của tàu Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Sơn
Vết rách trên tàu cá ĐNa 90152 tố cáo hành động tàn độc của tàu Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Sơn
Giáo dục chủ quyền biển đảo đến người trẻ
Giờ đây, mỗi lần có dịp đi ngang qua Nhà trưng bày Hoàng Sa ở ngã ba đường Hoàng Sa - Phan Bá Phiến, đứng trước hiện vật là con tàu đang được trưng bày như một chứng tích tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, ông Chiến cũng như nhiều ngư dân khác không khỏi bồi hồi nhớ về sự kiện chấn động này. Còn người dân, du khách không khỏi xót xa trước những vết thương in hằn trên thân tàu…
TS sử học Lê Tiến Công, Phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, cho hay vì nhiều nguyên nhân khách quan nên phải thêm gần 5 năm sau ngày bị chìm, tàu ĐNa 90152 mới được đưa ra trưng bày. Đó là ngày 9.4.2019, khi Nhà trưng bày Hoàng Sa đã đi vào hoạt động 1 năm. “Những ngày đầu đưa về nhà trưng bày, có nhiều vấn đề đặt ra nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hiện vật. Thời điểm đầu, tôi phải trực 24/24 giờ, liên tục 2 tháng trời không dám rời mắt khỏi con tàu. Nhà trưng bày cũng được sự hỗ trợ của lực lượng công an, biên phòng trong tuần tra đêm, tránh trường hợp xấu xảy ra với hiện vật”, TS Công nhớ lại.
Sau khi lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, camera an ninh, máy quét để bảo vệ hiện vật, nhiệm vụ trực của TS Lê Tiến Công và các cán bộ nhà trưng bày mới được giãn ra. Hiện nay, để đảm bảo an toàn cho “con tàu lịch sử”, sau 22 giờ đêm, toàn bộ hệ thống máy quét sẽ được bật lên để ngăn người lạ với ý đồ xấu tiếp cận hiện vật. “Hiện vật này liên quan sự kiện đặc biệt, minh chứng về sự xâm phạm chủ quyền trắng trợn của Trung Quốc đối với vùng biển Việt Nam, là bằng chứng lịch sử quan trọng nên phải đảm bảo an toàn tuyệt đối”, TS Công nhấn mạnh.

Các phóng viên ghi lại hình ảnh về vụ việc tàu cá ĐNa 90152 bị tàu vỏ sắt số hiệu 11202 của Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: UBND H.Hoàng Sa
Các phóng viên ghi lại hình ảnh về vụ việc tàu cá ĐNa 90152 bị tàu vỏ sắt số hiệu 11202 của Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: UBND H.Hoàng Sa
Nhà trưng bày Hoàng Sa dành hẳn không gian riêng để giới thiệu sự kiện này. Bên cạnh con tàu, qua trao đổi với chủ tàu (bà Huỳnh Thị Như Hoa, trú tại P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê) cũng như tham khảo ý kiến những nhà nghiên cứu, nhà trưng bày đã chọn nhiều hình ảnh tư liệu liên quan sự kiện để trưng bày. “Việc trưng bày con tàu phía bên trái Nhà trưng bày Hoàng Sa đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Nhiều người đặt câu hỏi “tại sao có con tàu này?”, khi biết về sự kiện thì rất quan tâm và lưu lại hình ảnh”, TS Công thông tin thêm.
Để câu chuyện chủ quyền Hoàng Sa đến gần hơn với lứa tuổi học sinh, Nhà trưng bày Hoàng Sa đang khẩn trương hoàn thiện không gian trưng bày với khoảng 1.000 vỏ ốc thu được từ vùng biển Hoàng Sa, tiêu bản vích... “Đa phần các tư liệu gồm tư liệu Hán - Nôm, tiếng Anh, bản đồ… khô khan, khó hiểu nên để học sinh, nhất là học sinh cấp 1 - 2 thích thú tìm hiểu là không dễ. Do đó, việc trưng bày sinh vật biển ở Hoàng Sa sẽ giúp học sinh hứng thú tiếp cận hơn”, TS Công nói.
Thận trọng trong trùng tu
Những người làm công tác bảo quản hiện vật ở Nhà trưng bày Hoàng Sa thời gian qua luôn trăn trở làm sao để bảo vệ tốt nhất tàu cá ĐNa 90152. Dẫn chúng tôi tham quan tàu cá, TS Lê Tiến Công cho biết sau khi trục vớt vào năm 2014, con tàu được giữ nguyên hiện trạng từ vỏ gỗ cho đến các thiết bị, máy móc trong ca bin, khoang máy. Tuy nhiên, từ năm 2019, hiện vật này được đặt ở sát bờ biển nhưng không có mái che, một số hạng mục trên tàu cá đã có dấu hiệu mục ruỗng, gỉ sét… Đầu năm 2020, UBND H.Hoàng Sa đã có đợt tu bổ hiện vật. Đến năm 2021, Nhà trưng bày tiếp tục sửa chữa ở những chỗ hư hại. Đến tháng 11.2021, UBND H.Hoàng Sa đã có văn bản chính thức bàn giao hiện vật cho nhà trưng bày quản lý, phát huy giá trị.
“Hiện vật này được đặt ngoài trời đã nhiều năm, qua tác động mưa gió cũng bị hư hại khá nhiều. Với những kết cấu sắt thép, gỗ… chúng tôi đã mời đơn vị sửa chữa tàu khắc phục. Còn hạng mục lớn hơn thì phải có đánh giá của giới chuyên môn. Tháng 11.2021, chúng tôi đã mời 2 đơn vị độc lập đánh giá, làm hồ sơ để tiến hành sửa chữa. Đầu năm 2022, Nhà trưng bày sẽ sửa chữa lớn con tàu”, TS Lê Tiến Công thông tin và cho biết việc sửa chữa sẽ làm thận trọng, có tính đến đảm bảo tính nguyên gốc từ màu sơn, các ốc vít, số hóa khung sườn, làm mô hình số và nghiên cứu phương án cho khách tham quan an toàn.
Theo Hoàng Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm