Hoàng Sa-Trường Sa: Qua ghi chép hành trình của người ngoại quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đây không phải là việc làm vô căn cứ hay đứng về một quốc gia nào của những người ngoại quốc từng sinh sống tại nước ta, mà đó là sự đánh giá và phản ánh khách quan tình hình thực tế về việc thực hiện chủ quyền của chính quyền cụ thể trên Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong các sách chính sử của triều Nguyễn, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được phản ánh rất rõ ràng về chủ quyền của vương triều Nguyễn đối với hai quần đảo này. Điều đó được chứng minh bằng những việc làm cụ thể của vương triều Nguyễn. Không những các sách chính sử của triều Nguyễn, ngay cả những người ngoại quốc từng kinh qua nước ta thời kỳ bấy giờ cũng khẳng định hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Đại Việt. Điểm qua, chúng ta thấy rằng đây là những đánh giá rất khách quan và có tính chân thật lịch sử.

 

Đảo Đá Lớn. Ảnh: Bội Ngọc
Đảo Đá Lớn. Ảnh: Bội Ngọc

Đầu tiên phải kể đến bộ “Hải ngoại Ký sự” viết năm 1696 của nhà sử học Thích Đại Sán, ông là một nhà sư đồng thời cũng là nhà sử học lỗi lạc của Trung Quốc. Dưới triều vua Khang Hy (nhà Thanh), ông đã đến Việt Nam và kinh lý vào vùng đất phía Nam dưới sự quản lý của chúa Nguyễn Phúc Chu. Thích Đại Sán được nhiều người biết đến khi có nhiều nghiên cứu quan hệ quốc tế của Đại Việt vào thế kỷ XV-XVII. Trong hành trình tại nước ta, Thích Đại Sán đã đi qua nhiều nơi và ghi lại những địa danh, trong đó có “Vạn lý Trường Sa”.

Trong quyển 3, bộ “Hải ngoại Ký sự”, Thích Đại Sán có chép một đoạn như sau: “Khách có người bảo mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng độ nửa tháng trước và sau ngày lập thu. Chừng ấy, gió Tây Nam thổi mạnh, chậy một lèo gió xuôi chừng 4-5 ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần thổi lên, nước chảy về hướng Đông, sức gió Nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về phía Đông, lúc đó sẽ khó giữ được sự yên ổn.

Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển,  chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam, động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển, mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành. Bãi cáy rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “Vạn lý Trường Sa”, mù tít chẳng thấy cây cỏ nhà cửa. Nếu thuyền bị trái gió trái nước dẫu không tan nát cũng không gạo, không nước thì trở thành ma đói mà thôi. Khoảng cách đến Đại Việt là 7 canh đường, 7 canh đường khoảng 700 dặm. Các quốc vương Đại Việt thời trước, hằng năm sai thuyền đi đánh cá dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào. Mùa thu nước dòng cạn rút về hướng Đông bị một ngọn sóng đưa đi, thuyền có thể trôi xa hàng trăm dặm, gặp khi gió mạnh, càng sợ hiểm họa Trường Sa”.

Có thể thấy, Thích Đại Sán đã miêu tả rất rõ ràng về “Vạn lý Trường Sa”, ông cũng khẳng định đây là địa phận thuộc chủ quyền của Đại Việt. Một điều chắc chắn là ông không thể nhầm lẫn đến mức đem chủ quyền lãnh thổ của nước mình mà đưa vào địa phận nước khác. Cũng trong “Hải ngoại Ký sự”, Thích Đại Sán đã phản ánh chân thực những hoạt động của cư dân Đại Việt trong hoạt động ra khơi tại “Vạn lý Trường Sa”. Bên cạnh đó, tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước không có quần đảo nào ghi là Tây Sa và Nam Sa. Tất cả các bản đồ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực Nam biên giới phía Nam của Trung Quốc, Hoàng Sa và Trường Sa không có trong nội hải của Trung Quốc.

Không chỉ Thích Đại Sán, mà một số người phương Tây đã từng sinh sống tại nước ta cũng có những ghi chép những vấn đề liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, nổi bật trong số ấy là Giám mục Jean Louis Taberd, ông là một Giám mục người Pháp từng làm thông dịch viên cho vua Minh Mạng. Trong quá trình sinh sống tại nước ta, Jean Louis Taberd đã đi qua nhiều nơi, chính vì vậy ông đã dựa trên các căn cứ lịch sử vẽ thành một bản đồ có tên là “An Nam Đại quốc họa đồ”. Bản đồ này được xuất bản năm 1838 và là công trình có tính đầy đủ nhất địa lý của nước ta thời kỳ bấy giờ, trong đó khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels nằm trong lãnh hải Việt Nam. “An Nam Đại quốc họa đồ” là một tài liệu phản ánh sự tổng kết những hiểu biết sâu sắc và chính xác của người phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX về mối quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Đại Việt mà tác giả gọi là An Nam Đại quốc. “An Nam Đại quốc họa đồ” là một minh chứng xác thực về chủ quyền của nước ta với quần đảo Hoàng Sa thời kỳ bấy giờ.

Paracels là địa danh mà người phương Tây chỉ quần đảo ở biển Đông suốt thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX chính là Cát Vàng hay Hoàng Sa của Việt Nam. Trong bản đồ này ghi chú là “Paracels Seu Cát Vàng”. Cũng trong “An Nam Đại quốc họa đồ”, tại khu vực biển Đông không thấy xuất hiện đảo Hải Nam hay bất cứ địa danh nào trên biển của Trung Quốc và các nước khác mà chỉ có các đảo của Việt Nam. Từ đó cho thấy đây là bản đồ phản ánh địa lý nước ta một cách chính thống. “Paracels Seu Cát Vàng” là một ghi chú và giải thích rất đầy đủ. Từ Seu (tiếng Latin) là “có nghĩa là”, “Cát Vàng” (tiếng Nôm) tức là Hoàng Sa (tiếng Hán Việt). Đó là phản ánh rất khách quan và chính xác của Jean Louis Taberd bởi ông không có ý thiên vị cho bất cứ một bên nào, đơn giản đó là sự nghiêm túc đối với công việc mà ông đang làm. Điều này phản ánh sự hiểu biết về Hoàng Sa của người phương Tây rất chính xác.

Không những vậy, Jean Louis Taberd cũng ghi chép rất rõ ràng về “Paracels Seu Cát Vàng”, trong đó ông đã ghi cụ thể như sau: “Chúng tôi không đi vào việc liệt kê những hòn đảo chính yếu của xứ Cochinchine. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng, từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa) gồm rất nhiều hòn đảo nhỏ chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát đã được người Việt xứ Đàng Trong khai thác. Địa thế này khiến những người đi biển phải kinh sợ”. Ngoài ra, còn một số tài liệu khác của người phương Tây phản ánh về vấn đề này: Le Mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1920) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền trên quần đảo Paracels; The Jaumal of the Geographycal Societi of  London (năm 1849) của Gutzlaff ghi chép chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels;…

Từ những ghi chép và đánh giá của những người ngoại quốc từng kinh lý qua lãnh thổ nước ta cho thấy rằng, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chủ quyền của nước ta thời bấy giờ. Điều đó được thể hiện rõ ràng trong tác phẩm và ghi chép hành trình.

Lê Khắc Niên
 

Có thể bạn quan tâm