Hoành Sơn là dãy núi nằm vắt ngang từ Tây sang Đông, đổ ra tận biển, ngăn giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hoành Sơn nổi tiếng với câu sấm truyền của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Hoành Sơn nhất đái - Vạn đại dung thân".
Bòn từng quả một
Quanh năm, dãy Hoành Sơn có nhiều loài sản vật độc đáo, nuôi sống nhiều thế hệ con dân quanh vùng.
Giữa tháng 3, tiết trời còn đôi chút hương xuân, dãy Hoành Sơn mây mờ giăng phủ. Ngước nhìn phía triền núi, dễ dàng thấy cảnh dâu rừng chín mọng, đỏ rực giữa đại ngàn. Xen lẫn giữa cây rừng là bóng dáng nhấp nhô của những đoàn người đi hái dâu.
Thức dậy lúc gà vừa cất tiếng gáy, chị Phạm Thị Liệu (ngụ xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) vội gói nắm cơm, mang theo vật dụng, í ới gọi bạn rồi rời làng, đi bộ men theo đường mòn để lên núi.
Chị Liệu cảm kích: "Có lẽ ít ngọn núi nào như Hoành Sơn, quanh năm chiêu đãi người dân đủ thứ cây trái. Mùa này dâu rừng chín, thơm ngon nức tiếng, hiếm vùng nào bì lại".
Đoàn người cuốc bộ lên sát bìa rừng. Trời tản mây dần. Ánh nắng ban mai điểm trên những bóng cây. Đoàn người tạm dừng chân, nghỉ ít phút. Nhìn lên trên là những ngọn núi xếp tầng, nối nhau chạy tận vào rừng già - nơi sẽ có những cây dâu rừng ẩn mình, trĩu quả.
Đoàn chia thành từng nhóm, mỗi nhóm 2-3 người rồi men theo các đường mòn, lối mở lên núi. Để hái được những chùm dâu chín, họ phải băng rừng, trèo đèo lội suối vào tận chốn thâm sơn, nơi ít người lui tới.
"Tụi tui đi cả ngày, gặp bụi dâu chín là ngồi lại hái, bòn từng quả một. Đến lúc đầy bao thì trời cũng vừa tối. Khi đó mới xuống núi để mang về bán" - chị Liệu cười, cho biết việc thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất là gian nan, có khi gặp hiểm nguy giữa rừng già.
Những người đi hái dâu rừng trên dãy Hoành Sơn. |
Khấm khá nhờ "lộc rừng"
Trên ngọn núi khá xa, khi bắt gặp một vạt chừng 4 cây dâu lớn, trái chín đỏ sum sê, chị Liệu liền hú to làm tín hiệu cho nhóm bạn biết. Loanh quanh đó, tiếng hú trả lời vọng giữa núi rừng. Một lúc sau thì có 4-5 người tìm tới. Họ cùng hái dâu, cùng chuyện trò vui vẻ.
Xong vạt dâu này, họ lại lùng sục giữa rừng để tìm kiếm. Hễ gặp cây dâu nào chín quả, họ hái một cách hăng say. Đến khi đầy giỏ, họ mới chịu dừng lại rồi trút vào bao để tập kết về một chỗ.
Cây dâu ở Hoành Sơn có khi mọc thành cụm, có khi mọc xen với những loại cây khác. Với những người đi "ăn dâu" có kinh nghiệm, mỗi lần gặp vạt dâu lớn, họ sẽ tìm cách ghi nhớ thật kỹ vị trí để mùa sau tìm đến.
Chị Đàm Thị Lan (ngụ xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch - người có trên 20 năm hái dâu) cho biết theo kinh nghiệm thì bụi dâu thường mọc ở những khoảnh núi hoang, giáp bìa rừng và vùng đồi cỏ, rất dễ hái. Nhưng loài dâu này thường không ngon. Dâu càng mọc khuất sau núi thì trái càng chín đỏ và cũng to hơn bình thường, được thương lái ưa chuộng. Việc hái dâu đòi hỏi phải kiên nhẫn, nhanh nhẹn và biết quan sát thì mới tìm thấy những bụi cây mọc trong rừng rậm. Có ngày, chị luồn cả chục cây số trên rừng để kiếm dâu.
Hoành Sơn lạ lắm! Có những bụi dâu già cỗi, vươn cao, xòe cành cả một vùng trời, đua nhau khoe sắc cho trái chín căng mọng, đỏ rực trông rất cuốn hút.
Dâu rừng chín đỏ mọng trên dãy Hoành Sơn. |
Đa phần những người đi "ăn dâu" ở Hoành Sơn đều là phụ nữ và trẻ em sống ở các địa phương quanh núi, chủ yếu là các xã Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Đông, Quảng Châu… của huyện Quảng Trạch. Mùa này, dâu rừng chín đỏ giữa đại ngàn, dù đi lại, tìm kiếm vất vả nhưng cũng kiếm được kha khá tiền.
Chị Lan cho hay dâu rừng là thứ quả dân dã nhưng hương vị đậm đà và sạch 100% nên được nhiều người ưa chuộng. Dâu được bán theo lon (vỏ hộp sữa Ông Thọ), mỗi lon giá từ 45.000 - 50.000 đồng. Mùa này, trung bình mỗi ngày, từ sáng đến tối chị hái được khoảng 15 - 20 lon, thu được 600.000-800.000 đồng. Gặp may hái được nhiều, có ngày chị bán được tiền triệu.
Bốn mùa quả ngọt
Mùa dâu năm nay được giá nên số người vào rừng ngày càng đông. Dù mang lại khoản thu nhập đáng kể nhưng mùa dâu rừng lại rất ngắn, khoảng từ sau Tết đến giữa tháng 3 âm lịch đã hết.
Chiều muộn, ông Đàm Quốc Thanh (ngụ xã Quảng Kim) cùng cháu trai chừng 15 tuổi vừa ra khỏi cửa rừng với một bao lưới đựng khoảng 40 lon dâu. Ông khoe hôm nay gặp được vạt dâu trẩy quả nên trúng lắm. Với thành quả này, ông đoán bán ra chừng 2 triệu đồng. Ra Tết đến nay, gia đình ông đã kiếm được hơn 40 triệu đồng nhờ hái dâu rừng.
"Bao năm qua, nhờ vào mùa quả rừng Hoành Sơn ban tặng nên cuộc sống gia đình tôi khấm khá hơn nhiều. Tuy nghề này vất vả nhưng đi miết nên quen. Cũng nhờ dâu rừng mà tôi có tiền lo cho con học đại học, rồi sắm sửa, trang hoàng lại cửa nhà. Mùa này, nhờ hái dâu mà tôi đã mua được cặp bò giống để nuôi" - ông Thanh hồ hởi.
Theo người dân địa phương, nói qua thì tưởng bở ăn nhưng thực chất việc hái dâu rừng không hề đơn giản. Đi sâu vào Hoành Sơn, người hái dâu phải đối diện núi đá tai mèo lởm chởm, trơn trượt rất nguy hiểm. Dọc đường, việc bị vắt, muỗi rừng cắn đốt là chuyện thường, chưa kể nhiều trường hợp gặp phải rắn độc, ong rừng cắn mang thương tật. Nhưng vì ở quê lam lũ nên người dân chọn hái dâu rừng để mưu sinh.
Trời dần về chiều, rừng già thu mình trong khoảng thâm u, gió ngàn lành lạnh. Trên những triền núi, từ những con đường mòn chạy ngoằn ngoèo, từng đoàn người mang theo những bao tải đầy dâu rừng xuống núi, cười nói vui vẻ.
Dâu rừng được dân hái mang về nhà, có thương lái đến thu mua. |
Sống quần tụ quanh dãy Hoành Sơn đã hàng trăm năm qua, bao thế hệ người dân đã hiểu được giá trị của rừng nên ra sức bảo vệ để giữ nguồn sống. Mùa nào thức nấy, Hoành Sơn luôn hào phóng ban tặng họ những sản vật. Một năm có 4 mùa xuân - hạ - thu - đông thì Hoành Sơn ban tặng lần lượt bốn loại cây trái dâu - móc - sim - muồng, tương ứng với từng mùa. Người dân xem đó là "lộc rừng" mà trời đất ban tặng để họ có sinh kế quanh năm.
Cứ thế, hằng năm, khi mùa xuân tới cũng là lúc mùa dâu chín trên dãy Hoành Sơn. Dâu rừng bắt đầu ra hoa, kết quả từ tháng 8-9 âm lịch, đến tháng 2-3 năm sau thì chín rộ. Lúc quả còn non thì màu xanh, khi chín chuyển sang đỏ rực hoặc tím sẫm. Dâu rừng trên dãy Hoành Sơn hấp thụ khí trời của vùng sơn cước, gió lào, nắng gắt nên quả có mùi vị đặc trưng, không lẫn với các loại dâu khác.
Hết mùa dâu thì lần lượt đến mùa sim, móc, muồng… Cứ thế, quanh năm người dân lên rừng Hoành Sơn để hái về bán, mang lại thu nhập đáng kể.
Ông Bùi Hải Lưu, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, cho biết cư dân địa phương quanh năm bám dãy Hoành Sơn, nương tựa vào núi rừng để sống. Những cánh rừng tự nhiên đã tạo sinh kế cho họ, đem lại nguồn thu lớn, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của rừng, cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ, không xâm hại.
Những năm gần đây, nhiều loại quả rừng được giá, nhất là dâu. Nhờ vậy, có hộ đã xây được nhà tầng khang trang, kiên cố.
Theo ông Lưu, quả dâu rừng vùng này được người dân một số nơi khác gọi là Thanh Mai. Dâu rừng là loài cây bụi, mọc ở những cánh rừng tái sinh, rừng rậm. Dâu rừng cao 3-4 m, chia ra nhiều nhánh; phân bổ nhiều ở các xã ven dãy Hoành Sơn. Trái dâu rừng ngoài các công dụng về đông y đã được ghi nhận thì cây còn có tác dụng chống xói mòn, sạt lở đất.