Học đi đôi với tạo việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn luôn nhận được sự quan tâm của các ngành, hội, đoàn thể của huyện. Chỉ tính riêng năm 2013, Kbang đã đào tạo cho 436 lao động, với các nghề sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng khoai lang, mì, bắp, chăm sóc cà phê, lúa nước năng suất cao, cách phòng bệnh cho trâu, bò, heo….

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần lớn là người lao động sau đào tạo đã áp dụng được kiến thức vào thực tế đời sống sản xuất để tạo ra năng suất lao động cao hơn. Hơn nữa, một số nông dân học nghề sửa chữa máy nông nghiệp không chỉ tự sửa chữa được máy nổ, xe công nông cho gia đình  mà còn sửa chữa cho bà con nông dân quanh vùng. Trong số hơn 400 lao động được đào tạo nghề trong năm qua thì có khoảng 23 hộ đã thoát được nghèo nhờ học nghề. 

 

 Dạy nghề trồng rau sạch cho phụ nữ ở Kbang. Ảnh: Đinh Yến
Dạy nghề trồng rau sạch cho phụ nữ ở Kbang. Ảnh: Đinh Yến

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hà-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kbang thì đa số thanh niên ở nông thôn ngoài số có điều kiện đi học đại học, cao đẳng, trung cấp, cao đẳng nghề, còn lại sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Vì vậy, việc dạy nghề cho thanh niên lao động nông thôn là rất cần thiết, góp phần không nhỏ vào thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương.

Thời gian qua, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát với điều kiện, tập quán của nông dân, hàng năm sau khi nhận được chỉ tiêu đào tạo, Ban Chỉ đạo Đề án 1956, cụ thể là Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức tuyên truyền, phân khai chỉ tiêu đến từng xã. Sau đó, mỗi xã có nhiệm vụ họp dân để lập danh sách đăng ký nhu cầu học nghề.  Các xã như: Sơn Lang, Đak Krong, Sơ Pai, Krong, Kon Pne... có tiềm năng phát triển cây cà phê, bời lời, cao su tiểu điền, nuôi cá nước ngọt, lúa nước hai vụ. Còn các xã Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Đak Hlơ, Lơ Ku... thì  trồng mía, mì, chăn nuôi trâu, bò lai, heo hướng nạc... Tại những nơi này, được mở những lớp học nghề phù hợp với ngành nghề bà con đang làm thì chắc chắn sẽ phát huy được hiệu quả cũng như thế mạnh từng loại cây trồng, vật nuôi. Và như vậy việc học nghề cho lao động nông thôn mới có ý nghĩa và đạt được mục tiêu đề ra.

 

Ảnh: Đức Thụy
Học đi đôi với tạo việc làm. Ảnh: Đức Thụy

Để việc học nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả hơn nữa, đồng thời gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, theo bà Nguyễn Thị Hà, trong năm 2014, toàn huyện được giao chỉ tiêu đào tạo 700 người, chỉ tiêu đào tạo nghề cao nhất so với các huyện, thị xã khác trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Kbang đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lựa chọn ngành nghề phù hợp để học.

Cụ thể, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục Thường xuyên huyện, cùng các đơn vị liên quan xây dựng khung nghề đào tạo mới, như trồng, chăm sóc cây mắc ca để đăng ký với tỉnh bổ sung danh mục nghề. Cùng với đó, huyện thực hiện lồng ghép các chương trình có sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước (ngoài tiền hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956-P.V) để đảm bảo cho người lao động trang trải một phần chi phí khi tham gia các lớp đào tạo nghề. Ngoài đẩy mạnh công tác dạy nghề cho bà con thì công tác tìm việc làm, tăng thu nhập trên chính thửa ruộng, vùng đất của họ cũng được huyện đặc biệt quan tâm, để không chỉ tạo động lực cho người dân tham gia học nghề, nâng cao tay nghề, trình độ, áp dụng vào sản xuất mà góp phần quan trọng vào thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mà huyện Kbang được chọn là huyện điểm về thực hiện xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm