Học giỏi có dễ thành công?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong một bàn tròn đàm đạo về phương pháp giáo dục của những thầy giáo đã hưu trí, một thầy dạy tiếng Anh cho rằng, nhiều học trò yếu ngoại ngữ là do không có năng khiếu, thêm vào đó là thiếu chuyên cần. Một cựu giáo chức khác không đồng quan điểm đó, ông cho rằng việc học ngoại ngữ cần có môi trường để hình thành cho học sinh thói quen nghe-nói, đọc-hiểu. Đó là lý do những học sinh thường xuyên có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài sẽ có điều kiện rèn luyện kỹ năng nghe-nói tốt hơn.
Mở rộng đề tài này, nhiều thầy giáo thống nhất với nhau rằng, những học sinh có chỉ số IQ cao thì thường học giỏi toàn diện. Bên cạnh đó, học sinh có năng khiếu thì thường thiên về một số lĩnh vực nên học lực ở các môn không đồng đều do các em hay nghiêng về ý thích và sở trường của mình hơn. 2 loại học sinh này khi ra đời sẽ có sự trưởng thành và thành công khác nhau. Hầu như thầy giáo nào cũng hứng thú khi được dạy các học trò giỏi và học trò năng khiếu, vì nhờ đó mà người thầy cũng được “thăng hoa” trên bục giảng.
Với phương pháp giáo dục mới hiện nay, khái niệm học giỏi trong thời đại ngày nay đã được mở rộng, các em không còn ngây thơ “nhìn đời từ những trang sách” nữa! (ảnh minh họa)
Với phương pháp giáo dục mới hiện nay, khái niệm học giỏi trong thời đại ngày nay đã được mở rộng, các em không còn ngây thơ “nhìn đời từ những trang sách” nữa! (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trong thực tế, một bộ phận học sinh giỏi khi trưởng thành không mấy thành công trên các lĩnh vực từ kinh doanh đến làm chính trị so với học sinh có học lực bình thường. Có thể lấy nhiều ví dụ từ các tỷ phú Việt Nam hay thế giới, hầu như ít người có thành tích học tập đáng nể ở phổ thông hay đại học. Thậm chí có người bỏ học nửa chừng hoặc chưa bao giờ biết đến giảng đường đại học. Vì vậy, có thể đưa đến kết luận: Học giỏi chưa chắc làm việc giỏi.
Phân tích vấn đề này, có người lý giải, nhiều học sinh học giỏi thường sa vào kinh điển với mớ lý thuyết sách vở; “họ chỉ có khả năng trình bày lại những kiến thức đã học một cách đầy đủ nhất chứ không có khả năng ứng dụng kiến thức đã học để phân tích, giải quyết một vấn đề thực tế hay sáng tạo ra sản phẩm, tìm ra lý thuyết mới” (Lê Diệp Kiều Trang-nguyên Giám đốc Facebook Việt Nam). Đây cũng là điều lâu nay chúng ta hay đề cập và đặt câu hỏi: Vì sao học sinh Việt Nam thường vượt trội trong các kỳ thi quốc tế nhưng thiếu những phát minh? Đó có thể là do phương pháp giáo dục của chúng ta trước nay chỉ chủ yếu chú trọng đến dung nạp kiến thức mà không phát huy hết năng lực của người học. Học sinh, sinh viên ra trường thường thiếu kỹ năng, thụ động với những kiến thức không mấy ăn nhập với thực tế cuộc sống nên các đơn vị sử dụng lao động phải đào tạo lại. Hiện nay, chúng ta đang từng bước cải cách, đưa phương pháp giáo dục mới vào áp dụng, thay đổi cách dạy và học nhằm tạo điều kiện cho học sinh phát huy tối đa khả năng của mình, chú trọng đến việc rèn luyện tư duy sáng tạo, từ đó hoàn thiện kỹ năng xử lý tình huống và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, học dốt thì không thể làm việc giỏi. Những ai học giỏi sẽ có kiến thức vững vàng hơn và có khả năng tư duy sáng tạo tốt hơn. Thường các sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi có thể được nhiều đơn vị sử dụng lao động chọn lựa và ưu ái hơn vì họ tin rằng bộ óc đó sẽ cho ra những sáng tạo, sáng chế mới. Và, với phương pháp giáo dục mới hiện nay, khái niệm học giỏi trong thời đại ngày nay đã được mở rộng, các em không còn ngây thơ “nhìn đời từ những trang sách” nữa!
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm