Học lịch sử từ... bảo tàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, “dễ thấm” hơn, nhiều trường học đã đưa học trò đến các bảo tàng, nhà truyền thống như một kênh học sử hữu ích, hiệu quả.
Học giỏi môn Lịch sử nhờ chăm đến Bảo tàng
Năm nào cũng vậy, trước khi bước vào kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh, cô Trịnh Thị Doan-giáo viên môn Lịch sử (Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai) cũng đưa đội tuyển đến tham quan một số bảo tàng, chứng tích lịch sử trên địa bàn TP. Pleiku. Đây là cách để cô củng cố, khắc sâu hơn những kiến thức cho học trò của mình trước kỳ thi.
Có lẽ nhờ vậy mà năm nào cô trò cũng gặt hái thành công qua các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh năm học 2018-2019, học trò do cô Doan bồi dưỡng đã đạt 2 giải nhì môn Lịch sử cấp tỉnh. Phổ điểm môn Lịch sử của Trường THPT Phạm Văn Đồng cũng luôn xếp thứ hạng cao trong kỳ thi THPT quốc gia hàng năm; năm học 2017-2018 xếp thứ 4/47 trường THPT toàn tỉnh. Cô Doan chia sẻ: “Bảo tàng là kênh học lịch sử rất “dễ thấm” đối với học sinh, vì các em được tiếp cận với hiện vật lịch sử, gắn với các câu chuyện người thật, việc thật. Vì vậy mà học sinh rất hứng thú với những buổi học ngoại khóa. Mỗi lần đưa học trò đến bảo tàng, bản thân tôi cũng học hỏi được nhiều vấn đề để truyền đạt môn học này ngày càng hấp dẫn. Hơn nữa, nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “môn Lịch sử đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc” nên chúng tôi càng ý thức cao và không ngừng nỗ lực để học trò ngày càng yêu thích lịch sử hơn”.
 Cô trò Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: N.B
Cô trò Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: N.B
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh nhiều năm qua cũng rất chú trọng đến hoạt động đưa học sinh đến học tập tại các bảo tàng, nhà truyền thống trên địa bàn thành phố. Thầy Chẩm Ngọc Đào-Bí thư Đoàn trường-cho biết: “Nhà trường ký kết phối hợp với Bảo tàng tỉnh để đưa học sinh tới tham quan, học tập. Kết thúc mỗi buổi tham quan, chúng tôi cho học sinh viết bài thu hoạch, khuyến khích các em thể hiện cảm nhận và kiến thức có được sau khi được thuyết minh viên giới thiệu về cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các hiện vật, câu chuyện sinh động. Sau đó, chúng tôi chọn ra bài viết hay nhất để đọc vào giờ chào cờ sáng thứ hai hàng tuần. Đoàn trường cũng có phần thưởng mang tính chất động viên, khích lệ những bài viết hay của các em”.
Theo thầy Đào, nhà trường có kế hoạch đưa học sinh tham quan thêm các bảo tàng và nhà truyền thống khác để giúp các em củng cố kiến thức về lịch sử. Nếu các số liệu, sự kiện trong sách giáo khoa khiến các em khó ghi nhớ thì những hình ảnh, hiện vật, mô hình trực quan tại bảo tàng cùng những câu chuyện liên quan lại hấp dẫn các em hơn rất nhiều.
Phong phú hiện vật về lịch sử địa phương

Năm học 2018-2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quân đoàn 3, Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tổ chức đưa học sinh của 47 trường học trên địa bàn thành phố tham quan, học tập ngoại khóa tại các bảo tàng, quảng trường, nhà truyền thống vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, người dành nhiều tâm huyết cho các phòng trưng bày hiện vật liên quan đến văn hóa, lịch sử địa phương-cho biết: Bảo tàng tỉnh là một trong những nơi có số lượng hiện vật phong phú và đa dạng nhất khu vực, mỗi năm đón hàng ngàn học sinh các cấp đến tham quan, học tập. Bảo tàng chính là địa chỉ giúp các em khắc sâu lịch sử địa phương và có được sự thực tập, trải nghiệm đáng giá. Cô Doan cũng chia sẻ: “Mỗi học sinh đều có thể trở thành một kênh quảng bá cho văn hóa, lịch sử địa phương. Từ Bảo tàng bước ra, các em hiểu rằng Biển Hồ là Di tích cấp quốc gia, Gia Lai là một trong 5 tỉnh nằm trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… Sau mỗi chuyến đi như vậy, tôi thấy học trò thường chụp ảnh về những thắng cảnh, các ngôi làng, vật dụng sinh hoạt, lao động của người dân bản địa đăng lên trang Facebook cá nhân để giới thiệu với bạn bè một cách đầy tự hào”.
Chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh-cho hay: Bảo tàng luôn chuẩn bị nội dung, phương pháp thuyết minh phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học. Để tăng thêm sự hứng khởi cho học sinh khi tham quan, thuyết minh viên còn đặt ra những câu hỏi liên quan để động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em. Học sinh rất hứng thú khi tìm hiểu những nhân vật lịch sử của Gia Lai, bởi hiện vật đi kèm khá phong phú. Ví dụ như phần giới thiệu về Anh hùng Núp, tại Bảo tàng không chỉ có trang phục của ông, chiếc tẩu thuốc ông thường dùng, những vũ khí thô sơ để đánh giặc Pháp… mà còn có mô hình Làng kháng chiến Stơr rất sinh động. Phần giới thiệu về Anh hùng Wừu lại có những hiện vật liên quan đến cuộc đời ông là đôi khuyên tai, liềm, mác ông sử dụng. Hay như Nhà giáo Ưu tú Nay Der-người sáng lập bộ chữ viết đầu tiên của dân tộc Jrai-thì hiện vật là những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành cho ông, hay chiếc cặp da, chiếc gậy ông thường dùng… đã tạo ấn tượng sâu sắc đối với học sinh. “Cùng với hiện vật, chúng tôi còn sưu tầm những mẩu chuyện, chiến công của từng người để các em dễ hình dung nhất. Chúng tôi tin rằng, cách học trực quan này sẽ khiến các em “dễ thấm” môn Lịch sử hơn rất nhiều”-chị An khẳng định. 
 NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm