Phóng sự - Ký sự

Học người nhà quê đi chợ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đã có một thời, hầu hết các chợ quê đều dùng lá để gói rau quả, thức ăn... dùng lạt xâu thịt, cá để xách, người đi chợ mang rổ rá, bì cói... Thế rồi đến một thời lá, lạt bị túi ni lông đè bẹp.
 
Đồ ăn được gói bằng lá chuối. ẢNH: SHUTTERSTOCK
Giờ thì chuyện đó đã trở nên... hàng hiếm và bắt đầu sốt trở lại khi một siêu thị ở Thái Lan dùng lá chuối gói đồ.
Nhà quê “môi trường”
Ba cái chợ nằm dọc sông Kiến Giang chảy qua H.Lệ Thủy (Quảng Bình) đều có cái tên chỉ một từ. Kể từ thượng nguồn xuống là chợ Tréo, chợ Hôm và chợ Thùi. Ngày trước, chợ Thùi nhóm tầm 3 giờ sáng, chợ Hôm lại đông vào buổi trưa, còn chợ Tréo thì giữa buổi sớm.
Chợ Thùi nằm ở mũi viết (một phần đất tạo ra giữa sông Kiến Giang, và hói (kênh Phú Thọ có hình mũi viết), thuộc làng Phú Thọ. Không hiểu vì sao, trước đây lại cứ mặc định nó ở Kẻ Thẹc, tức làng Thạch Bàn.
Người dân Thạch Bàn, Phú Thọ, Lộc An của xã An Thủy và An Lạc, An Xá của xã Lộc Thủy đi chợ này là chính. Nói là chính vì lúc đó, tuyệt đại đa số làm nghề nông, trồng lúa, chỉ một số làm nghề đánh cá. Kinh tế hầu như tự sản tự tiêu.
Người đi đánh cá tấp vào chợ Thùi rất sớm. Họ có thể bán lấy tiền hoặc đổi gạo, đổi rau...
Người đi chợ bao giờ cũng mang theo một cái thúng hoặc cái rổ. Cái thúng là vì đôi khi mang cả gạo, còn cái rổ là đựng rau vườn nhà đi đổi thức ăn.
Người bán hàng dùng lá chuối, lá môn, lá sen để gói rau củ quả và cá, tép nhỏ. Những con cá lớn đều được dùng lạt xâu qua mang để xách; cua, rạm thì đựng bằng bẹ chuối gấp đôi lại thành như cái ống... Người mua bỏ vào thúng, vào rổ mang về.
Nhà nào cũng có một cái an nác (nác là nước), nơi đặt một cái chum đựng nước, một cái cọc móc gáo dừa, dưới có một tấm đá liếp (đá tự nhiên) làm chỗ rửa bát. Chỗ đó cũng có một cái hố để nước chảy vào. Những thứ lá gói đồ, lạt xâu thịt cá đều bỏ vào đó, kiểu như thùng rác. Đầy hố người ta mang chôn sau vườn làm phân, nó tiêu hủy rất nhanh.
Có thể nói, cha ông ta đã rất... “môi trường”, từ lâu lắm rồi.
Làn nhựa và túi ni lông
Không chính xác lắm nhưng nhớ rằng, sau ngày thống nhất đất nước, đồ nhựa đã thay thế hầu hết đồ tre. Lúc đó đi chợ người ta xách theo một cái làn nhựa hoặc bị cói, nhưng làn nhựa vẫn phổ biến hơn. Mấy cô đi làm cũng kẹp sau xe cái làn nhựa để trưa ghé chợ.
Thế rồi, đến một lúc, làn nhựa mất hút, đi chợ tay không, ra chợ đã có túi ni lông. Thượng vàng hạ cám đều có túi ni lông.
Hồi đó, ông Hồ Khắc Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đi Nhật Bản về kể một cách hào hứng, rằng bên đó không mang lè kè cái áo mưa như ta, mưa, họ mua cái áo mưa tiện lợi, mặc về nhà cho vào thùng rác. Nghe thế, ai nấy đều ngưỡng mộ mà chẳng nghĩ, mỗi người chỉ cần xả ra một cái áo mưa cũng “khốn nạn” rồi. Sau này Nhật bỏ thì ta học, quầy hàng nào ven đường cũng treo áo mưa tiện lợi.
Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch UBND H.A Lưới thời điểm năm 2004, người từng làm nên những chuyện “không thường ngày” ở huyện, sau về TP làm Phó ban Dân tộc - Miền núi tỉnh Thừa Thiên-Huế, kể: Có một lần, ông dự hội nghị đầu tư một tỉnh (ông không nhắc tên vì cho là... tế nhị), lãnh đạo tỉnh này đã rất tha thiết mong muốn có nhà đầu tư nào đó đầu tư cho tỉnh nhà máy sản xuất túi... ni lông. Ông cười: “Nghe xong ta bó tay luôn mi!”.
Người Cù Lao Chàm văn minh
Lần nào ra Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), tôi cũng nhất định dẫn bạn đến trước cổng chợ rồi bảo: “Thấy gì lạ không?”. Và mọi người rất thú vị khi phát hiện ra, người dân đi chợ này ai cũng xách theo cái làn. Nhiều người mua đồ đùm trong lá chuối, cách xâu cá, miếng thịt buộc lạt, hay cầm trên tay tờ giấy báo đựng thứ gì đó... mà không hề có túi ni lông.
 
Mua đồ đựng trong giấy, cầm trên tay
Lần đó tôi đi cùng cô Tiết vào chợ. Cả chợ chộn rộn hẳn lên, “Ôi con Tiếc, con Tiếc nì. Con Tiếc có chồng đẹp trai dữ hi”. Tiết bảo tôi mua cho mấy cái kẹo dồi, bà bán hàng gói cho chục cái trong lá chuối khô, nói cho mi đó, cho mi ăn để hát cho hay. Tiết cười, đùa lại đặc giọng Quảng Nam: “Hát hay rứa được rồi chơ hay thêm chi nữa trời. Mà bữa ni môi trường dữ há!”. Chị em trong chợ re rua: “Ca sĩ cũng phải môi trường đó nghen!”.
 
Người dân Cù Lao Chàm xách làn đi chợ. ẢNH: NGUYỄN THẾ THỊNH
Trần Thị Tiết là tên ghi trong chứng minh thư của Trần Thị Tiếc, tức ca sĩ Ánh Tuyết. Còn “anh chồng đẹp trai dữ” đó là tôi. Lần đó đâu như năm 2008 thì phải, tức cách đây cũng đã 11 năm rồi.
Xã Tân Hiệp của Cù Lao Chàm trước đó được báo động là núi rác thải bao ni lông. Để giữ hòn đảo tuyệt đẹp này (sau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới), chính quyền đã có đề án và được hầu hết người dân hưởng ứng.
Giờ thì vào chợ, du khách cứ soi đi, đố mà tìm được cái bao ni lông.
Siêu thị ở Chiangmai học theo cù lao chàm?
Mấy hôm rồi, trên mạng lan truyền hình ảnh một siêu thị ở Chiangmai (Thái Lan) gói rau, củ, quả bằng lá chuối làm cộng đồng mạng, không chỉ VN mà nhiều nước ca ngợi hết lời. Hình ảnh lan truyền đến chóng mặt.
"Tôi nghĩ mà sợ, rằng, sẽ đến lúc “bếp không đỏ lửa”, các gia đình đến bữa sẽ nhấc điện thoại lên... Và mỗi người một hộp cơm, bịch canh, mấy cái túi ni lông... thì chẳng mấy hồi mà núi rác khó tiêu cao ngất ngưởng"
TS Nguyễn Thành Vinh

Nguyễn Tùng, một người làm quản lý du lịch lâu năm, trong cuộc trò chuyện cũng khen nức nở. Anh cho biết, có cửa hàng ở Hà Nội, TP.HCM cũng đã học theo, gói đồ bằng lá chuối, rất tuyệt.

Tôi trầm ngâm một hồi rồi hỏi: “Tùng này, em đã ra Cù Lao Chàm chưa?”. Tùng gật: “Rồi!”. “Vậy em phải biết người dân Cù Lao Chàm gói đồ bằng lá chuối hơn chục năm nay rồi. Báo chí cũng đã nói rất nhiều, sao mãi cho đến giờ, khi thấy Thái Lan làm mới thành... thời sự và mới học theo? Có khi nào CEO siêu thị này đi du lịch Cù Lao Chàm rồi học theo không?”.

Tùng cười: “Dạ anh, đôi khi bụt chùa nhà không thiêng!”.
Vấn đề là ở chỗ đó. Ông cha ta đã làm từ lâu, người dân quê nhiều nơi vẫn còn giữ được, người dân Cù Lao Chàm của TP.Hội An đang làm... vậy sao ta không học rồi quay sang ca ngợi nước ngoài?
 
Rau gói bằng lá chuối tại một siêu thị. ẢNH: NGUYÊN NGA
***
TS Nguyễn Thành Vinh, người có nhiều năm làm công tác môi trường chia sẻ: “Sự thuận tiện trong tiêu dùng đã rất nhanh chóng giết chết những gì thuộc về truyền thống, dù truyền thống đó tốt đẹp đến đâu. Sản xuất công nghiệp làm cho sản phẩm rẻ tiền cũng góp phần không nhỏ. Vì thế mới phải dùng các thứ “ăn liền”. Tôi nghĩ mà sợ, rằng, sẽ đến lúc “bếp không đỏ lửa”, các gia đình đến bữa sẽ nhấc điện thoại lên... Và mỗi người một hộp cơm, bịch canh, mấy cái túi ni lông... thì chẳng mấy hồi mà núi rác khó tiêu cao ngất ngưởng”.
Tôi cũng băn khoăn về điều này nên nói với Tùng, cái gì cũng bắt đầu từ ý thức con người, trước hết là ý thức của người quản lý. Phát động không thành thì phải dùng biện pháp hành chính, giống thời bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng um sùm cả lên, giờ không đội thấy chướng liền. Môi trường cũng thế. Không chỉ “phát động” làm màu mà phải có mệnh lệnh hành chính và quản lý nó, tạo nên thói quen, thế mới lâu dài.
Chỉ trong vấn đề này, lá chuối gắn với ký ức của bao nhiêu người, ở một khía cạnh nào đó, nó như “cái vé về tuổi thơ”, đó là một thuận lợi, sao không làm?
Nguyễn Thế Thịnh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm