(GLO)- Trong 2 ngày (14 và 15-7), HĐND huyện Chư Păh và Kbang (tỉnh Gia Lai) nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 6 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và đề ra giải pháp, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022.
6 tháng đầu năm, toàn huyện Chư Păh đã gieo trồng vụ Đông Xuân 2021-2022 được 2.142 ha, đạt 97% kế hoạch (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2021); tổng diện tích gieo trồng vụ mùa được 7.090 ha, đạt 103% kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 717 tỷ đồng, bằng 47,04% kế hoạch (tăng 16,82% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.209 tỷ đồng.
Trên địa bàn huyện xảy ra 6 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2021). Xem xét và cấp mới 69 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tổng thu ngân sách đến ngày 30-6 là 21,2 tỷ đồng, đạt 51,83% kế hoạch tỉnh giao. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; các chương trình an sinh xã hội, chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, đảm bảo quy định.
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 6 HĐND huyện Chư Păh khóa VI biểu quyết thông qua 7 nghị quyết quan trọng. Ảnh: Đinh Yến |
Hội đồng nhân dân huyện đã thực hiện tốt công tác giải quyết các kiến nghị của cử tri và kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND, các ban HĐND huyện được quan tâm, đảm bảo hoạt động giám sát thực sự phát huy hiệu quả. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm, đúng quy định đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp. Hoạt động của Thường trực HĐND huyện đã đổi mới về phương thức và nội dung, ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Công tác chuẩn bị, tổ chức các kỳ họp được thực hiện đúng quy trình.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận 9 vấn đề như: Việc thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai còn chậm so với thời gian quy định; tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện có chiều hướng gia tăng, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện còn thấp; công tác đính chính thông tin hồ sơ thay đổi do việc sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố và cấp căn cước công dân còn chậm; công tác thu ngân sách 6 tháng đầu năm; vấn đề mương thoát nước dọc tỉnh lộ 661 thuộc tổ dân phố 1 (thị trấn Ia Ly) và thôn 1, thôn 2 (xã Ia Nhin) thường ngập úng, nước tràn vào nhà dân, gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện đi lại; vấn đề di dời các trụ điện cao thế (sát nhà dân) tại tuyến đường Hùng Vương (thị trấn Phú Hòa).
Sau 2 ngày làm việc với tinh thần tập trung, nghiêm túc, kỳ họp đã thông qua 7 nghị quyết gồm: tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2022; chương trình giám sát của HĐND huyện năm 2023; việc phê chuẩn quyết toán ngân sách huyện năm 2021; phê chuẩn kinh phí bổ sung ngoài dự toán 6 tháng đầu năm 2022; thống nhất dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 và phê chuẩn điều chỉnh quyết toán ngân sách địa phương năm 2020.
* Cũng trong 2 ngày 14 và 15-7, HĐND huyện Kbang khóa VIII tổ chức thành công kỳ họp thứ 6. Kỳ họp đã tập trung đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện; nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.
Quang cảnh hội nghị kỳ họp thứ 6 HĐND huyện Kbang. Ảnh: Hồng Hạnh |
Theo đó, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện tăng 6% so với cùng kỳ; công tác phòng-chống dịch bệnh được triển khai quyết liệt, tổng thu ngân sách đạt hơn 91% so với dự toán HĐND huyện giao, tăng 37,4% so với cùng kỳ. Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Các nội dung về kêu gọi, phát triển du lịch được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa được phân bổ kinh phí thực hiện; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Tình trạng mua bán, chuyển nhượng, đầu cơ, thổi giá đất trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra. Thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều chế độ, chính sách; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 81,93%; công tác vận động người dân, nhất là trẻ từ 5-12 tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, 4 chưa đạt theo kế hoạch.
Tại kỳ họp, HĐND huyện cũng xem xét các báo cáo của UBND huyện về: công tác tài chính-ngân sách; đầu tư xây dựng cơ bản; công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư, phòng-chống tham nhũng, lãng phí và việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm.
Tại phiên thảo luận, kỳ họp đã ghi nhận 24 lượt ý kiến. Nhìn chung các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với các dự thảo báo cáo, nghị quyết được trình tại kỳ họp; đồng thời, tập trung phân tích, làm rõ hơn những tồn tại trong thời gian qua nhằm thực hiện đạt kết quả trong những tháng cuối năm; làm rõ những ý kiến, kiến nghị của cử tri được gửi đến kỳ họp. Trong đó, tập trung tháo gỡ những hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, tín dụng, thu-chi ngân sách, y tế, giáo dục, tạo việc làm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý trật tự đô thị...
Kỳ họp đã biểu quyết thông qua 9 nghị quyết do Thường trực HĐND và UBND huyện trình, gồm: phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2021; bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách huyện giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công năm 2023 từ nguồn vốn ngân sách huyện và nguồn vốn chi thường xuyên chuyển sang chi phát triển; phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp Đập thủy lợi Đak Hlim (xã Kon Pne); chương trình giám sát năm 2023 của HĐND huyện; kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4 và các kỳ họp trước của HĐND huyện khóa VIII chưa được giải quyết, giải quyết chưa dứt điểm...
ĐINH YẾN - HỒNG HẠNH