(GLO)- Sáng 24-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ảnh: Thanh Nhật |
Hội nghị đã thông qua Dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đến nay, cùng với công tác tuyên truyền về nội dung dự thảo, các cấp các ngành đã tập hợp phong phú đa dạng ý kiến góp ý của HĐND, UBND, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cùng các tầng lớp nhân dân của 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Đã có 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của tổ chức và cá nhân về các nội dung dự thảo. Trong đó, tập trung nhấn mạnh về mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, công tác quản lý nhà nước đối với đất đai. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chính sách pháp luật đất đai đối với khu công nghiệp theo hướng mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình và cá nhân, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Quy định về chế độ sử dụng đất trồng lúa nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn…
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tấn Đức-Phó Giám đốc Sở Tài chính đã thay mặt đầu cầu Gia Lai góp ý vào dự thảo luật liên quan về những trường hợp phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất qua đấu giá và không qua đấu giá, vấn đề cho thuê đất, vấn đề giao đất có thu tiền sử dụng đất… Bên cạnh đó, ý kiến góp ý trên đầu cầu trực tuyến tại các tỉnh thành phố khác đã đề cập vấn đề quy định giao đất, cho thuê đất, trưng dụng và trưng mua, giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai, định giá bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Chính sách đất bồi thường tái định cư phải có giá trị tương đương và vị trí phù hợp với đất đã bị thu hồi, đồng thời gắn với công tác hỗ trợ sinh kế khi Nhà nước thu hồi đất-nhất là gia đình hộ nghèo và khó khăn về đời sống kinh tế, nhằm hạn chế thiệt thòi cho người có đất bị thu hồi. Làm rõ hơn khái niệm xác định quyền sở hữu đất đai. Tiếp tục duy trì quy hoạch sử dụng đất ở cấp xã, đảm bảo tính kế thừa những quy hoạch đã được phê duyệt và triển khai thực hiện, tránh tình trạng lập quy hoạch lại nhiều lần, chồng chéo, gây lãng phí, khó khăn cho công tác phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Gắn với quy định rõ hơn việc sử dụng và chuyển mục đích từ đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác, cần ấn định diện tích đất phù hợp phân cấp cho chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi. Công tác phân loại đất liên quan về cảng hàng không, đặc khu kinh tế, đất phục vụ lợi ích công cộng, đất quốc phòng-an ninh và đất tôn giáo. Quan tâm đảm bảo quyền sử dụng đất cho đối tượng là phụ nữ, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như phòng-chống lãng phí và tiêu cực trong quản lý đất đai.
Thanh Nhật