Phóng sự - Ký sự

Hồi sinh trầm hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dân Nha Trang ai cũng thuộc câu này: 'Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về'. Nhưng thương hiệu về trầm hương trên đất Khánh Hòa chỉ còn là tiếng vọng của quá khứ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Bảo tàng Trầm hương cuối năm 2020. ẢNH: TRẦN ĐĂNG
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Bảo tàng Trầm hương cuối năm 2020. ẢNH: TRẦN ĐĂNG
Hơn 15 năm qua, có một người đã lặng lẽ làm hồi sinh thương hiệu từng nức tiếng một thời ấy. Người đó là Nguyễn Văn Tưởng, 48 tuổi, quê Hưng Yên nhưng xem Khánh Hòa như vùng đất đã “khai sinh” ra anh lần nữa. Câu chuyện về trầm được bắt đầu từ một chuyến đi chơi tình cờ nhưng lại như một cơ duyên định trước.
Mơ ước thời trẻ của chàng trai này là làm sao để trở thành người của Đài tiếng nói Việt Nam, với mục đích đơn giản là xem thử ai “nấp” trong chiếc loa ở ngọn cây đầu làng mà sáng nào cũng nói, đêm nào cũng hát và chuyện gì “nó” cũng biết. Bố anh nói với đứa con hay tò mò ấy rằng, muốn biết ai trong cái loa đó thì phải trở thành kỹ sư. Thế là từ đó, hai tiếng “kỹ sư” như ám ảnh lấy cậu bé lên mười, dù cậu không biết nội hàm của danh xưng ấy là gì. Nhưng đã quyết là phải đi tìm cho bằng được cái người trong loa kia.
Tưởng nhắc lại câu chuyện “tìm người trong loa” thuở non dại ấy để nói với tôi rằng, ở đời, nhiều khi mơ một đường mà “gặp người trong mộng một nẻo”. Chuyện Nguyễn Văn Tưởng từ một kỹ sư chuyên làm quen với dây nhợ điện đài giờ thành “đại gia trầm” là một ví dụ.

Khung cảnh chuẩn bị cho một nghi thức “thưởng trầm”
Khung cảnh chuẩn bị cho một nghi thức “thưởng trầm”
Kỹ sư... trầm hương
Cứ ngỡ giấc mơ thành kỹ sư đã có thể chạm tay vào được thì Tưởng có giấy gọi nhập ngũ. Và anh lên đường. Ra lính, anh lại tiếp tục cụ thể hóa giấc mơ kia bằng việc nộp đơn thi vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ra trường, Tưởng xung phong đi Tây nguyên, làm đúng cái nơi mà anh từng mơ ước để tìm người trong loa. Đó là một ngày mùa khô của năm 1999, hành trang của chàng kỹ sư trẻ không gì khác ngoài chiếc ba lô bạc màu thời quân ngũ cùng những khát vọng vô bờ của tuổi trẻ.
Những chuyến ngược xuôi về với đại ngàn hay qua đêm tại các buôn làng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên chỉ có thể bồi đắp thêm chút vốn liếng về văn hóa, về cách ứng xử với rừng và với cộng đồng làng chứ không thể thỏa mãn sự tò mò muốn khám phá những điều mới lạ của chàng trai lắm hoài bão này.
Trong những lần về với buôn làng, được đi trong những cánh rừng trăm tuổi, những câu chuyện về “ngậm ngải tìm trầm” bắt đầu kích thích tính tò mò của Tưởng. Và rồi anh lại đi tìm. Cho đến một ngày, Tưởng cùng với mấy người bạn đặt chân lên đất Nha Trang, rồi ghé Tháp Bà Ponagar. Chính ngọn tháp nghìn tuổi cùng những câu chuyện đậm màu huyền tích liên quan đến trầm hương từ ngôi tháp cổ ấy đã chinh phục hoàn toàn quyết định “liều lĩnh” của Tưởng. Anh bỏ việc ở Đài tiếng nói VN và xuống Nha Trang - Khánh Hòa, chỉ để “khôi phục một thương hiệu đã mất”. Từ một kỹ sư chuyên làm quen với máy móc, giờ Tưởng bắt đầu công việc của một anh “ngậm ngải tìm trầm”.

Nguyễn Văn Tưởng trong cánh rừng dó bầu hàng trăm héc ta
Nguyễn Văn Tưởng trong cánh rừng dó bầu hàng trăm héc ta
Trầm hương - linh khí của đất trời
Tôi nói với Tưởng rằng hẳn người Khánh Hòa có cái lý của họ để câu ca dao về trầm hương sống mãi trong ký ức của mình? Anh xác nhận với tôi điều đó đúng, song cần phải hiểu ngọn nguồn về trầm hương thì mới lý giải một cách tường minh câu ca dao nọ. Theo Tưởng, trầm hương là một mặt hàng đặc biệt được giới quý tộc thời xưa dùng trong các nghi lễ tôn giáo nên phải xem đó là linh khí của đất trời.
Những chuyến hải hành vượt trùng dương của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha từ nhiều thế kỷ trước đã từng ghé vào các thương cảng sầm uất của người Chăm để trao đổi sản vật. Trầm hương là một mặt hàng không thể thiếu trong hành trang mà họ mang về. Dấu vết của trầm hương xuất hiện tại vùng Ả Rập có họ hàng với trầm hương vùng cực Nam Trung bộ đã nói lên điều đó.
Vì sao gọi trầm hương Khánh Hòa là “linh khí của đất trời”? Nhà nghiên cứu Quách Giao - con trai cả của thi sĩ Quách Tấn - tác giả cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ người Khánh Hòa Xứ trầm hương, phân tích: “Khánh Hòa là nơi đón hai dòng hải lưu giao thoa trên Biển Đông. Chính đặc thù ấy đã tác động đến khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất này, tạo nên sự khác biệt với những nơi khác. Nơi đây có nhiều loại sản vật nức tiếng, trong đó có trầm hương”. Ông Giao nói thêm: “Điều đó cắt nghĩa vì sao dọc dải đất miền Trung - nơi có rất nhiều cây dó bầu tạo ra trầm nhưng chỉ có Khánh Hòa mới xuất hiện trầm hương đậm đặc như thế. Đó không phải “linh khí của đất trời” là gì?”.
Nhưng để trầm hương trở thành một mặt hàng mang dấu ấn của đất Khánh Hòa là cả một kỳ công, trong đó Nguyễn Văn Tưởng đã có những đóng góp không nhỏ để khôi phục thương hiệu lừng danh này.
Xóa bỏ “hàng quốc cấm”
Những chuyến xuyên rừng của dân “đi điệu” đã khiến nhiều người bỏ xác nơi núi thẳm nhưng cũng làm đổi đời không ít số phận một khi họ phát hiện ra trầm hương hoặc kỳ nam. Đi tìm trầm thì công khai nhưng khi phát hiện ra trầm thì rất dễ bị tịch thu vì nó được liệt vào hàng quốc cấm. Những thương vụ giao dịch lên đến hàng trăm tỉ đồng luôn được tiến hành “trong bóng tối” là lý do này.
Trầm hương là một thứ hàng hóa đặc biệt, nó là “linh khí đất trời” nhưng sao không để cho mọi người cùng thưởng lãm một cách công khai? Câu hỏi ấy luôn lởn vởn trong đầu Nguyễn Văn Tưởng và anh phải “giải phóng” cho mặt hàng này ra khỏi hai chữ “quốc cấm”. Sau nhiều lần vận động ngành chức năng, kể cả các cơ quan quản lý ở T.Ư, một cuộc hội thảo về trầm hương trên đất Khánh Hòa được tiến hành vào năm 2004. Nhiều ý kiến phân tích thấu đáo về mặt hàng đặc biệt này. Cuộc hội thảo thành công ngoài mong đợi khi nó góp phần “tháo xích” cho trầm hương ra khỏi danh sách mặt hàng quốc cấm. Nguyễn Văn Tưởng như chim sổ lồng, anh lao vào xây dựng thương hiệu cho trầm hương Khánh Hòa và Công ty Trầm hương Khánh Hòa - ATC chính thức được thành lập vài năm sau đó.
Những ý tưởng của Tưởng
Tưởng đã vỡ lòng cho tôi thế nào được gọi là trầm hương và thế nào là kỳ nam. Là dân ngoại đạo, tôi cũng chỉ gật gù cho qua chuyện. Nhưng chứng kiến cảnh khách du lịch chen nhau đi xem rồi mua trầm hương ở Bảo tàng trầm hương tại xã Phước Đồng, ngoại ô Nha Trang thì tôi vô cùng ấn tượng. Để có nhà bảo tàng 5.000 m2 này, Tưởng đã đầu tư 200 tỉ đồng. Không chỉ là nơi trưng bày những khối trầm và kỳ nam khổng lồ được Tưởng sưu tầm khắp vùng rừng Khánh Hòa và Tây nguyên, Bảo tàng Trầm hương còn là câu chuyện về lịch sử của một vùng đất kể từ khi cha ông ta mở cõi về phương Nam.
Là doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng trầm hương, dĩ nhiên lợi nhuận phải được coi trọng, song điều quan trọng hơn là thông qua sản phẩm của mình, Nguyễn Văn Tưởng muốn giới thiệu với bạn bè năm châu về đất nước và con người Việt Nam cùng với sự kỳ diệu của nó mà trầm hương như một sứ giả.
Là doanh nghiệp tài trợ cho hàng loạt các sự kiện lớn diễn ra trên đất nước ta như Hội nghị APEC 2017, cuộc chạy marathon toàn quốc tại đảo Lý Sơn hồi năm 2020 và mới đây nhất là tại Pleiku, nhưng ý tưởng về một “Làng hòa bình sáng tạo” trên đèo Cù Hin bên bờ vịnh Nha Trang vẫn luôn thôi thúc Nguyễn Văn Tưởng. Anh như người “nhập đồng” khi nói về dự định này. Ngôi làng 2.200 ha ấy xuất hiện trên đèo Cù Hin sẽ là một câu chuyện khác nữa về trầm hương ở Khánh Hòa. “Một không gian huyền thoại sẽ kể câu chuyện về lịch sử nước nhà trong hương trầm mê hoặc; một bảo tàng sống về biển; những cánh rừng dó bầu sẽ được hình thành nơi này; hàng ngàn món ăn đặc sản từ các vùng miền sẽ tề tựu về đây… Tôi muốn ngôi làng này thành một địa chỉ tin cậy không thể bỏ qua của du khách khi đến Việt Nam”, Tưởng hy vọng.
Câu chuyện về trầm hương sẽ được con người hay mơ mộng này viết tiếp. Ý tưởng ấy của Tưởng rồi sẽ thành hiện thực. Tôi tin như thế.
Theo Trần Đăng (TNO)

Có thể bạn quan tâm