(GLO)- Sáng 8-6, tại Trung tâm Chính trị thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Học viên Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tham vấn về biến động đất đai và phương pháp phòng-chống xói mòn".
Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Phương Mai-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia Học viện Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo UBND, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện: Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Vũ Chi |
Theo đó, ở Việt Nam, xói mòn đất là một vấn đề nghiêm trọng thường xảy ra ở vùng đồi núi. Số liệu thống kê cho thấy tổng diện tích đất có nguy cơ xói mòn là 13 triệu ha, chiếm 40% tổng diện tích tự nhiên. Gia Lai là tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, địa hình chủ yếu là đồi núi, xói mòn đất ở khu vực này ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp của người dân.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu đề tài “Ứng dụng mô hình SWAT để đánh giá, dự báo và cảnh báo tình trạng xói mòn trên đất dốc canh tác vùng đồi núi tại tỉnh Gia Lai”. Đề tài thực hiện từ tháng 7-2020 đến tháng 7-2022 do Tiến sĩ Ngô Thanh Sơn làm chủ nhiệm. Đề tài đã chọn các địa phương có diện tích đất dốc lớn trong tỉnh gồm huyện Mang Yang, Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa để nghiên cứu. 116 hộ nông dân được chọn ngẫu nhiên để đánh giá hiện trạng sản xuất nông nghiệp và nhận thức về vấn đề xói mòn đất. Theo người dân, các nguyên nhân chính gây ra xói mòn đất là việc gia tăng cường độ và tần suất mưa; phá rừng; thâm canh cây trồng và độc canh. Xói mòn làm giảm năng suất cây trồng, giảm độ màu mỡ của đất, chi phí đầu tư vào đất nhiều hơn và người dân buộc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Để hạn chế, nông dân đã thực hiện một số biện pháp như trồng xen cây họ đậu, làm bờ bao quanh ruộng, tạo dòng chảy dẫn nước để tránh việc rửa trôi đất.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng bản đồ nguy cơ xói mòn đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai trên cơ sở biến đổi khí hậu và thủy văn; xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố gây xói mòn trên đất dốc và từ đó có thể làm cơ sở đề xuất biện pháp giảm thiểu xói mòn liên quan đến những thay đổi về khí hậu và sử dụng đất, thoái hóa trên đất canh tác; xây dựng website cảnh báo nguy cơ xói mòn đất, từ đó có thể biết được những khu vực có nguy cơ xói mòn cao.
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo các địa phương đánh giá cao sự cần thiết của đề tài trong bối cảnh biến đổi khi hậu hiện nay. Đề tài hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc quản lý đất đai và phòng tránh thiên tai. Tuy nhiên, các đại biểu đề xuất đề tài cần cập nhật số liệu thường xuyên, đảm bảo tính chính xác. Các biện pháp chống xói mòn cũng phải phù hợp với tập quán, điều kiện canh tác của từng địa phương để nâng cao hiệu quả. Các phần mềm được đưa vào sử dụng phải có giao diện gần gũi, dễ dàng thao tác; đồng thời, phải tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm để chuyển giao cho các địa phương.
VŨ CHI