(GLO)- Chiều 25-11, UBND tỉnh phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo Tư vấn chính sách nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến tỉnh Gia Lai.
Tham gia hội thảo tại điểm cầu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có ThS Đỗ Thanh Huyền-chuyên gia cao cấp đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành, PGS-TS Lê Văn Chiến-Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) chủ trì hội thảo tại điểm cầu Gia Lai. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. Hội thảo được kết nối với điểm cầu 17 huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phan Lài |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành đề nghị các đại biểu thảo luận dân chủ, đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện cơ chế một cửa điện tử, một cửa liên thông điện tử trong giải quyết thủ tục dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong thời gian qua, nhất là các DVCTT liên quan trực tiếp đến người dân. Trên cơ sở đó, giúp các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các địa phương nhận thức rõ hơn hiệu quả mà dịch vụ công mang lại; khắc phục những hạn chế, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả trong những tháng cuối năm 2021 và các năm tiếp theo. Đảm bảo đến năm 2025 đạt mục tiêu: 100% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính (trước đó); tỷ lệ người dân thực hiện các DVCTT và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt trên 80% trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công; mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phan Lài |
Phó Giáo sư-TS Lê Văn Chiến đánh giá: Trong những năm qua, cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm, song tỉnh vẫn chỉ đứng trong nhóm có chỉ số PAPI trung bình thấp. Kết quả điều tra PAPI năm 2020 cho thấy, mặc dù đã có nhiều tiến bộ so với năm 2019, với 4 trục nội dung tăng điểm, 2 nội dung giảm điểm, nhưng ngoài nội dung Cung ứng dịch vụ công đạt nhóm cao nhất thì các nội dung khác chưa đạt kết quả cao. Về tổng thể, tỉnh Gia Lai đạt 42,21/80 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp của cả nước. Trong đó, ngoài nội dung cung ứng dịch vụ công (y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng căn bản, an ninh trật tự) thuộc nhóm cao nhất; 3 nội dung thuộc nhóm trung bình cao là: trách nhiệm giải trình với người dân, quản trị môi trường và quản trị điện tử, nội dung dự tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt nhóm trung bình thấp; 2 nội dung: kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và thủ tục hành chính công vẫn ở nhóm thấp nhất của cả nước.
Tại hội thảo, ThS Đỗ Thanh Huyền đã báo cáo hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh năm 2020 (PAPI) của Gia Lai. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tham luận các vấn đề: giải pháp khắc phục, cải thiện và nâng cao việc cung cấp DVCTT liên quan đến các thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; cung cấp DVCTT; giải pháp khắc phục, cải thiện và nâng cao cung cấp DVCTT phục vụ người dân thuộc địa bàn quản lý…
Các đại biểu tham gia hội thảo đã trao đổi, làm rõ những vướng mắc, nguyên nhân khiến người dân chưa tiếp cận với thủ tục hành chính công trực tuyến; tìm kiếm các giải pháp, tháo gỡ rào cản để phù hợp với tình hình địa phương, cải thiện mức độ tiếp cận của người dân đối với các loại DVCTT.
PHAN LÀI