Hội thảo xây dựng mô hình trường học bán trú huyện Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 22-3, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai phối hợp với UBND huyện Phú Thiện tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình trường bán trú theo đặc thù của huyện”. Các ông: Huỳnh Minh Thuận-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Đỗ Ngọc Thành-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Thiện; Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện đồng chủ trì Hội thảo.
 

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đ.P
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đ.P

Dự Hội thảo có bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các Phòng GD và ĐT; hiệu trưởng một số trường tiểu học và mầm non trong tỉnh.

Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, năm học 2017-2018, huyện Phú Thiện bắt đầu triển khai “Kế hoạch thực hiện mô hình bán trú 2 buổi/ngày theo đặc thù huyện, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, có 11 trường (8 trường tiểu học, 3 trường THCS) thực hiện mô hình với 4.876 học sinh (947 học sinh dân tộc thiểu số) được ăn trưa, ở bán trú tại trường. Chương trình giảng dạy tăng hơn 2 buổi/tuần đối với bậc tiểu học và THCS (đảm bảo 7 buổi/tuần với bậc tiểu học và 8 buổi/tuần đối với bậc THCS). Học sinh được ăn 2 buổi trưa/tuần; đảm bảo chế dộ dinh dưỡng tương ứng 6.000 đồng/bữa ăn/học sinh tiểu học và 8.000 đồng/bữa ăn/học sinh THCS. Giáo viên dạy bán trú được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước.

UBND huyện lo kinh phí xây dựng cơ sở vật chất bếp ăn bán trú. Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, chính quyền địa phương phối hợp với nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động xã hội hóa phục vụ lớp bán trú. Các trường tự trồng vườn rau xanh phục vụ bếp ăn. Hội Phụ nữ phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức nấu cơm, phục vụ học sinh.

Các đại biểu dự Hội thảo đánh giá, bước đầu chất lượng dạy học ở 11 trường bán trú ở Phú Thiện có chuyển biến tích cực, nhất là các môn Toán, tiếng Việt, Ngữ văn đã được nâng lên đáng kể; giảm được chênh lệch giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn. Việc duy trì sĩ số học sinh được đảm bảo, so với cùng kỳ năm học 2016-2017, giảm 20 học sinh bỏ học theo mùa vụ. Nhiều ý kiến tham luận đồng tình ủng hộ cách làm của huyện Phú Thiện, nhất là khía cạnh “níu giữ” học sinh dân tộc thiểu số ở lại trường.

Cùng với đó, một số ý kiến các đại biểu băn khoăn về tính bền vững của mô hình vì số lượng học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đông, đời sống người dân khó khăn, việc vận động xã hội hóa để duy trì bếp ăn tập thể là điều khó khăn. Cùng với đó, việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cắt giảm hợp đồng giáo viên, nhân viên ở các trường công lập đang tạo sức ép lên các đơn vị trường học vì thiếu giáo viên để tổ chức dạy 2 buổi/ngày…

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở GD và ĐT Huỳnh Minh Thuận đánh giá cao khía cạnh tích cực của mô hình góp phần duy trì sĩ số học sinh, hạn chế học sinh bỏ học và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng dạy học, nhất là với học sinh dân tộc thiểu số. “Trong đó, đặc biệt ưu tiên tăng cường dạy, phụ đạo thêm tiếng Việt, Ngữ văn cho học sinh dân tộc thiểu số vì đây là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc; tăng cường phụ đạo môn Toán và tổ chức các buổi ngoại khóa phù hợp với đối tượng, tâm lý, lúa tuổi của các em”-Giám đốc Sở GD và ĐT Huỳnh Minh Thuận.

Giám đốc Sở GD và ĐT Huỳnh Minh Thuận cũng mong muốn sau Hội thảo này, các địa phương trong tỉnh sẽ có nghiên cứu kỹ hơn, vận dụng mô hình vào điều kiện thực tế của địa phương để mở rộng triển khai mô hình bán trú trong các năm học tiếp theo.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm