Hồi ức Điện Biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đã gần 60 năm trôi qua kể từ ngày chiến dịch Điện Biên toàn thắng, đối với những người từng là chiến sĩ Điện Biên năm xưa, ký ức hào sảng về một thời hoa lửa vẫn còn đọng mãi.
 

Ông Đoàn Văn Trang.
Ông Đoàn Văn Trang.

56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm…

Ông Bùi Văn Tín (sinh năm 1936, hiện ở tổ dân phố 7, phường Trà Bá, TP. Pleiku) rạng rỡ cười khi biết ý định của tôi. Ông Tín đưa cho tôi 1 bộ sách 3 tập cầm khá chắc tay, đó là cuốn “Điện Biên Phủ qua những trang hồi ức” do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành. Ông cười: “Tôi cũng vừa đọc lại vài trang trong đó, đọc để nhớ đồng chí, đồng đội mình”. Rồi, không cần tôi đặt thêm một câu hỏi nào khác, ông Tín lắng mình trong những câu chuyện về một thời cam go, ác liệt nhưng cũng đầy hào hùng của cách mạng Việt Nam, trong bời bời xúc cảm.

Nhập ngũ ngày 25-2-1954, được biên chế về Trung đoàn 77 huấn luyện (Phú Thọ), chỉ sau mấy ngày huấn luyện tập bắn đạn thật, tập đào hào, hầm và công sự, ông Tín và đồng đội nhận được lệnh hành quân trong khí thế sục sôi và tràn đầy tinh thần chiến đấu. Khi biết mình được bổ sung vào Tiểu đội trung liên (hỏa lực) của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316-đơn vị đang trực tiếp chiến đấu tại Điện Biên Phủ, 2 lần tiến công đồi A1, chàng trai 18 tuổi Bùi Văn Tín khi ấy không chỉ rất vui, rất háo hức mà còn rất tự hào: “Khi tôi có mặt tại Điện Biên Phủ là lúc đơn vị đang chuẩn bị cho đợt tổng công kích lần thứ 3 với quyết tâm đuổi quân Pháp ra khỏi lòng chảo Điện Biên.

 

 

Nhiệm vụ chủ yếu của những chiến sĩ mới chúng tôi là đào hầm, đào chiến hào, đào càng sâu vào tập đoàn cứ điểm của địch càng tốt-ông Tín nhớ lại. Hầm đào càng sâu, càng cứng, khó đào và đất đá moi ra càng nhiều. Để đảm bảo bí mật, đơn vị đề nghị cấp trên may túi dù gửi xuống để đựng đất đổ ra ngoài, nhờ đó bờ công sự được đắp dày hơn, việc chuyển đất đi xa cũng dễ dàng hơn. Cứ thêm một mét hầm là chúng tôi sống nhiều hơn trong bóng tối ngột ngạt”.

Nhấp thêm một ngụm trà xanh, ông Tín kể tiếp: “Nói thì đơn giản nhưng thêm mỗi mét hầm là thêm rất nhiều mồ hôi, thậm chí là máu của anh em nhưng ai ai cũng một lòng vì thắng lợi chung”.

Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

Có mặt ở Điện Biên Phủ từ những ngày cuối tháng 1-1954, cùng đồng đội đón một cái Tết giữa núi rừng, ông  Đoàn Văn Trang (sinh năm 1930, hiện ở tổ dân phố 2, phường Trà Bá, TP. Pleiku) dành nhiều thời gian kể lại cho chúng tôi nghe chuyện ông cùng đồng đội thuộc đơn vị Công binh HT 31246 (Thái Nguyên), Đại đoàn 316 tham gia mở đường, làm cầu, chống lầy, san lấp hố bom, rà phá bom mìn, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhắc lại những địa danh như phà Tạ Khoa, ngã ba Cò Nòi, Hát Lót, Nà Sản, đèo Pha Đin, Tuần Giáo…, giọng ông Trang chan chứa niềm tự hào: “Tôi vẫn còn nhớ như in cái lần làm đường ngầm cho xe đi qua cầu Yên Châu bị giặc phá.

Gian khó, vất vả là thế nhưng anh em không lúc nào thiếu vắng tiếng cười. Lần mở đường tắt từ Tuần Giáo đi Mường Phăng cũng thế. Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định mở con đường tắt, dài 15 km này là để thay thế cho con đường chính (đường 41) dài tới 83 km, nếu đi con đường chính này sẽ tốn nhiều thời gian, công sức. Trong khoảng 1 tháng, với sự tham gia của nhiều đơn vị, con đường được hoàn thành.

Đặc biệt kể từ sau khi nhận thư của Bác Hồ gửi cho tất cả chiến sĩ, chúng tôi ai nấy đều rất vui, rất tự hào và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi vẫn nhớ như in lời Bác, trong bức thư đề ngày 11-3-1954, ngày mở màn chiến dịch: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn khó khăn nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp đến. Chúc các chú thắng to”.

Ông Trang mở tủ lấy một cuốn sổ đã cũ màu, trong đó có ghi lại những suy nghĩ của ông về chiến dịch Điện Biên Phủ và danh sách những người từng tham gia chiến dịch hiện đang sống ở Pleiku. Ông Trang nói: “Theo danh sách tôi ghi được từ hồi năm 2004-khi chúng tôi gặp mặt kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, thì trên địa bàn TP. Pleiku, đồng đội tôi-những chiến sĩ Điện Biên năm xưa là 14 người. Chúng tôi dự tính, đến ngày 7-5-2014, kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên, anh em sẽ tổ chức gặp mặt để ôn lại quá khứ hào hùng và động viên nhau trong cuộc sống”.

Thu Huế

Có thể bạn quan tâm