Phóng sự - Ký sự

Hồi ức "hạt giống đỏ" trên đất Bắc-Kỳ 1: Lời của Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn chia sẻ những kỷ niệm khó quên khi được là “hạt giống đỏ” theo học tại Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam ở đất Bắc, đồng chí Ksor Phước-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã viết cuốn hồi ký “Những năm tháng học trò trên đất Bắc yêu thương”. Báo Gia Lai điện tử xin trích đăng, giới thiệu đến bạn đọc một vài câu chuyện đầy ắp kỷ niệm một thuở học trò hồn nhiên, trong sáng của đồng chí trong cuốn hồi ký này.

 

Những ngày theo học tại Trường Dân tộc Trung ương (tiền thân của Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam), những con em đồng bào, cán bộ miền Nam được Bác Hồ thường xuyên đến thăm. Người ân cần, quan tâm đến điều kiện sinh hoạt của học sinh. Bác nói: “Các cháu sẽ trở về phục vụ quê hương mình. Các cháu là những “hạt giống đỏ” của đồng bào miền Nam”.

Các cựu giáo viên, học sinh trường Dân tộc Miền Nam trước bia di tích của Trường tại xóm Chùa, xã Phúc Trìu, Tp Thái Nguyên 30-4-2016
Các cựu giáo viên, học sinh Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam trước bia di tích tại xóm Chùa, xã Phúc Trìu, TP. tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Ksor Phước


Tháng 3-1955, tôi theo ba xuống Quy Nhơn lên tàu thủy Ba Lan Kilinski tập kết ra miền Bắc. Sau mấy ngày đi biển, ba tôi bị cảm nên lên bờ và nghỉ tại Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) khoảng 1 tháng. Sau đó, hai cha con ra Hà Nội, lúc đầu ở tại Trường Cán bộ miền Nam tập kết khu vực ấp Thái Hà gần gò Đống Đa, sau chuyển về Khu Cán bộ dân tộc miền Nam (đóng tại Ngọc Thụy, Gia lâm), bác Y Ngông Niê Kdăm là Giám đốc. Ở đây, ba đổi cả họ và tên tôi là Ksor Phước.


Từ cuối năm 1958 đến hè năm 1961, tôi được ba gửi vào học nội trú tại Trại Nhi đồng miền Nam (học mẫu giáo và vỡ lòng). Đây là lần đầu tiên tôi sống trong môi trường tập thể. Trường đóng gần kề ấp Thái Hà, phía sau Gò Đống Đa (Hà Nội). Tôi còn nhớ cô Hiệu trưởng mà chúng tôi hay gọi là má Năm, các cô nuôi, dạy trẻ (cô bảo mẫu) toàn là người miền Nam như cô Tần, cô Ba, cô Trình. Hàng ngày, các cô cho chúng tôi ăn, chơi, học hát, học múa. Các cô chăm lo cho chúng tôi tất cả mọi thứ tắm, giặt quần áo… như con trong nhà. Sáng thứ năm hàng tuần, các cô dẫn chúng tôi ra Gò Đống Đa chơi.
 

Kilinski - con tàu mà những người miền Nam tập kết thường hay nhắc đến. Ảnh tư liệu Đỗ Thái Bình
Kilinski-con tàu mà những người miền Nam tập kết thường hay nhắc đến. Ảnh tư liệu Đỗ Thái Bình


Khoảng tháng 5-1961, tôi học xong Vỡ lòng ở Trường Nhi đồng miền Nam rồi về Trường Dân tộc Trung ương ở Mễ Trì (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do ba tôi làm Hiệu trưởng. Thời gian đó, có hai lần Bác Hồ đến thăm trường. Một lần Bác đến vào buổi đầu giờ chiều thứ năm (bấy giờ là ngày nghỉ) và vào thẳng phòng hai cha con tôi. Lần khác ghé thăm, Bác lại đến kiểm tra khu vệ sinh, rồi nhà bếp trước. Một số bạn học vô tình nhìn thấy Bác liền chạy vào lớp hô to: “Bác Hồ đến...”. Thế là tất cả chạy ùa ra đón Bác ngay tại sân trường.

Ảnh tác giả chụp sau Têt năm 1972 tại Thịnh Đán – Bắc Thái. Mặc áo dân tộc Thái ba được tỉnh Sơn La tặng. Mà trong 3 anh em trai chỉ có tôi mặc áo này vừa nhất.
Ảnh tác giả chụp sau Tết năm 1972 tại Thịnh Đán-Bắc Thái. Ảnh: Ksor Phước

Tôi vẫn nhớ như in lần Bác trò chuyện với học sinh dân tộc miền Nam. Bác hỏi: “Các cháu ăn có no không?”.

Nhóm người lớn nói ăn no, nhưng nhóm cấp I thì nói không no. Nghe vậy, Bác cười và nói: “Không no là phải. Vì Bác và các cháu ăn hạt gạo do đồng bào miền Bắc làm ra. Hạt gạo miền Bắc phải cắn ra làm ba phần, một phần cho miền Bắc trong đó có Bác cháu ta ăn, một phần cho cán bộ chiến sĩ đang chiến đấu ở miền Nam và một phần giúp đỡ cách mạng Lào. Vì vậy Bác cháu ta chưa thể ăn no được”.

Có một số anh lớn nói muốn được vào Nam trực tiếp chiến đấu. Bác nói: “Cha mẹ các cháu hiện đang cùng đồng bào miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, đã gởi các cháu ra cho đồng bào miền Bắc nuôi dạy để sau này lớn khôn thành cán bộ. Các cháu sẽ trở về phục vụ quê hương mình. Các cháu là những “hạt giống đỏ” của đồng bào miền Nam”.

… Năm 1969, khoảng 6 giờ 30 phút sáng 2-9, Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin Bác Hồ ốm nặng. Nhưng vào sáng hôm sau Đài lại đưa tin Bác Hồ mất vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 3-9-1969. Tôi nhớ khi ăn sáng, rồi lên lớp, mọi người ai cũng mang nặng nỗi buồn thương Bác vô cùng. Khoảng 1 tuần sau chúng tôi được biết đến bài thơ “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu, tôi vẫn nhớ nhiều khổ thơ tuyệt hay thấm đẫm vào tâm hồn chúng tôi đến tận bây giờ:


 

“Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!    
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời    
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội    
Rước Bác vào thǎm, thấy Bác cười!

…Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà    
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha    
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến    
Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa.

…Bác để tình thương cho chúng con    
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son    
Mong manh áo vải hồn muôn trượng    
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…”.



 

Một số bạn đội thiếu niên hệ cấp II chụp ảnh với thầy Nguyễn Trọng Bí Hệ trưởng ở Bản Đồng Liều, xã Chi Lăng cuối năm 1966.
Một số bạn đội thiếu niên hệ cấp II chụp ảnh với thầy Nguyễn Trọng Bí-Hiệu trưởng ở bản Đồng Liều, xã Chi Lăng cuối năm 1966. Ảnh: Ksor Phước

Bác là thiên tài, là lãnh tụ vĩ đại, là nhà văn hóa lớn, là Anh hùng giải phóng dân tộc nhưng vô cùng bình dị, khiêm tốn, gần gũi. Bác không có gì riêng cho mình, Bác đã hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân... Và tôi vẫn rất nhớ một câu tuyệt hay trong bài “Điếu văn” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III do đồng chí Lê Duẩn-Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ngày 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình: “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch-Người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Chúng con yêu, thương, kính trọng Bác vô cùng Bác Hồ ơi...

Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, với tầm nhìn chiến lược và sự sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, tháng 5-1955, Chính phủ đã quyết định thành lập Trường Dân tộc Trung ương.


Đến năm 1960, để đáp ứng tình hình mới, Trường Dân tộc Trung ương được chia tách thành Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam và Trường Dân tộc Trung ương. Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam đóng tại Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình), do Ban Dân tộc Trung ương (nay là Ủy ban Dân tộc) quản lý; Trường Dân tộc Trung ương trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Trong giai đoạn 1954-1975, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức đưa hơn 32.000 con em đồng bào miền Nam ra miền Bắc để học tập văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có hơn 2.000 con em các dân tộc miền Nam tập kết ra Bắc. Hầu hết trong số này đều đến từ vùng sâu, vùng xa, miền núi vô cùng khó khăn từ vỹ tuyến 17 (sông Bến Hải, Quảng Trị) trở vào, học ở Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam, trực thuộc Ban Dân tộc Trung ương, nay là Ủy ban Dân tộc. Nhà trường đã đứng chân ở nhiều địa bàn khác nhau, như: Hà Nội, Hoà Bình, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên), Lạng Sơn...

(Báo Đảng Cộng sản Việt Nam)

--------------------------
Kỳ cuối: Hạnh phúc là học trò miền Nam trên đất Bắc


 

KSOR PHƯỚC

Có thể bạn quan tâm