Phóng sự - Ký sự

Hồi ức "hạt giống đỏ" trên đất Bắc-Kỳ 5: Về lại quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khoảng giữa năm 1972 thầy Bí thay thầy Thê làm Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 3. Năm học này, tôi rất thích đọc sách và báo. Tôi bắt đầu có ý thức tự lập tủ sách cho riêng mình.
Do đọc rất nhiều loại sách, văn học, khoa học thường thức, trinh thám, kiếm hiệp, dã sử... nên tôi cũng tự nhìn và đánh giá chính mình. Tôi thấy thiên hạ rất nhiều người đức, tài, tự thấy mình quá tầm thường, nhỏ bé. Năm học này, dù mới lớp 9, nhưng tôi đã tự học và giải được nhiều bài toán lớp 10...
Từ hè năm 1972 tôi thường đến Khoa Lý-Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc ở TP. Thái Nguyên để chơi với Đinh Dương Trí (dân tộc Hrê, tỉnh Quảng Ngãi), đến nỗi nhiều người trong trường cứ tưởng tôi là sinh viên Khoa Lý… Tôi cũng thường cùng Trí sang chơi với anh U Ran Phe ở Trường Đại học Nông nghiệp gần đó… Chính trong những năm 1972, 1973 hay đi chơi ở Thái Nguyên như vậy, tôi đã hình thành ý nghĩ sau này mình tốt nghiệp lớp 10 không nên học tại các trường ở Thái Nguyên, vì bạn bè đông quá, sẽ biếng học và chơi nhiều hơn. Thời gian này, Vi Na Niê Kdăm từ Ba Lan về nước, vào học Trường Đại học Cơ khí Bắc Thái. Chúng tôi nhanh chóng nhập cuộc với nhau suốt từ đó đến mãi sau này.
Năm học 1972-1973, tôi học lớp 10 do thầy Đinh Uông dạy Vật lý (người dân tộc Hrê) chủ nhiệm. Sự kiện không thể quên giai đoạn này là Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc. Tôi vẫn nhớ không ít lần khi xuống Hà Nội phải chứng kiến cảnh báo động có máy bay Mỹ đến (vừa có còi báo động hụ rất to và dài, vừa có tiếng phát thanh viên nói trên đài công cộng khắp thành phố thông báo tình hình máy bay Mỹ đã hoặc đang đến gần Hà Nội...). Hai bên các con đường lớn của Hà Nội có rất nhiều hầm trú ẩn cá nhân làm bằng bê tông có nắp (đó như là những đoạn cống bê tông đúc sẵn có đường kính khoảng 75 cm, cao khoảng 1,3 m). Lúc đó, tôi tranh thủ vừa đi vừa quan sát bầu trời. Tôi đã hơn chục lần nhìn thấy máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời miền Bắc trong thời gian từ năm 1965, 1971, 1972 và khủng khiếp nhất là cuối năm 1972, đầu năm 1973.
Khánh thành Bia kỷ niệm Trường học sinh miền Nam số 3 tại xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Nguồn Báo Thái Nguyên
Khánh thành Bia kỷ niệm Trường học sinh miền Nam số 3 tại xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Nguồn Báo Thái Nguyên
Có nhiều tối ở Bắc Thái, khi trời trong, trăng sáng, chúng tôi đã nhìn thấy máy bay F111 bay rất thấp, cực nhanh vèo qua ngay trên đầu chúng tôi. Tôi cũng đã tận mắt chứng kiến máy bay Mỹ khi bay qua vùng Đông Hỷ, rất gần trường sơ tán, đã thả thùng xăng phụ xuống. Rất nhiều người tưởng là quả bom, nên vội nhảy xuống hầm trú ẩn.
Cũng có vài lần chúng tôi đã chứng kiến cảnh quân ta bắn máy bay Mỹ. Lần đầu vào tháng sáu năm 1965 ở Hà Nội. Chúng tôi mới từ Chi Nê trở về Trường Dân tộc Trung ương ở Hà Nội, pháo ta ở dưới bắn "lùa" một tốp máy bay Mỹ tụ chúng vào một điểm. Nhìn thấy đạn pháo cao xạ nổ bung xung quanh tốp máy bay Mỹ, nhưng không trúng chiếc nào cả, vài phút sau chúng bay đi mất hút. Mấy trận còn lại chủ yếu ở Bắc Thái, trong đó có trận đánh trong thời gian Noel cuối năm 1972 rất khốc liệt. Đây là lần đầu tiên và duy nhất trong đời tôi biết một phần cực nhỏ thế nào là máy bay B52 Mỹ rải bom. Khoảng 20 giờ, chúng tôi đang ở khu sơ tán thì nghe tiếng ì ì to dần... Rồi tiếp đến là hàng tràng tiếng nổ to liên tiếp nối nhau như dây pháo nổ rất đanh, đinh tai, mặt đất rung lên, nhìn về hướng tiếng nổ trong đêm tối thấy cả một vùng trời rực sáng màu vàng nhạt kéo dài. Tiếng máy bay cường kích (F4, F111) rầm rầm và rít điên loạn trên bầu trời. Sau đó là hàng loạt tiếng đạn pháo cao xạ của quân ta bắn lên cũng rất dữ dội. Sáng hôm sau chúng tôi đến vùng gần Ga Lưu Sá (rất gần Thịnh Đán) nhìn thấy cảnh tang hoang và chi chít các hố bom (sâu hơn 3 m và rộng với bán kính chừng 4-6 m) chạy theo vệt dài do máy bay Mỹ thả xuống. Chính nơi đây, mới cách đây mấy hôm chúng tôi đã đến thăm và chia tay với 10 người của trường tình nguyện đi bộ đội để vào Nam chiến đấu. Trong số này có anh Ksor Chư, anh Ksor Đô, anh T’Rưng, anh Đia... Chúng tôi được tin đơn vị quân đội huấn luyện vừa mới chuyển đi được vài hôm, nên tránh được trận oanh tạc này của Mỹ. Tuy nhiên, tại đây có một Đại đội nữ Thanh niên xung phong đóng quân, đơn vị này đã bị thưong vong rất nhiều.
Ngày 9-5-1973 tôi được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Cùng học lớp chúng tôi có hai chị em Tâm, Cường là cháu cô Ngọc-vợ thầy Thê. Năm học này tôi có hai người bạn gái mới là: Lê Thị Hiệp (người Kinh, quê ở Thừa Thiên-Huế), Cao Thanh Trà (người Kinh, SN 1956) là con gái thầy Cao Đình Phụng dạy Địa lý của trường. Trà viết chữ đẹp nên tôi thường đưa vở của mình cho Trà ghi các bài học. Trà có giọng hát hay và biết nhiều bài hát về quan họ Bắc Ninh. Tôi đã không ít lần được nghe Trà hát, có lẽ vì vậy trong các làn điệu dân ca của miền Bắc, tôi thích nhất các làn điệu quan họ Bắc Ninh. Hiệp là con cô Thanh (người Huế) cán bộ lâu năm của trường.. Năm lớp 10, tôi cũng gặp lại một số bạn học cũ với tôi từ thời lớp 1Đ cô Tần Chủ nhiệm.
Tôi và các bạn học đến nay vẫn luôn nhớ và biết ơn các thầy cô giáo dạy cấp III: Thầy Thê-Hiệu trưởng; tiếp sau là thầy Bí-Hiệu trưởng; thầy Lôi-Hiệu phó (vừa dạy Lý); dạy toán có các thầy Toại-Hiệu phó, thầy Huỳnh, thầy Y và cô Vân; dạy Văn có các thầy Cầu, cô Điều, dạy Lý có thầy Bích, thầy Uông, dạy Sử có thầy Siu Pet; dạy Hóa có thầy Thất; dạy Địa có thầy Châu, thầy Phụng, dạy Sinh có thầy Tiến thầy Sơn... Cũng như bao bạn học cùng thời, tất cả chúng tôi khi gặp nhau hàn huyên câu chuyện thời học trò, cũng luôn nhớ đến các thầy, cô giáo đã từng dạy dỗ chúng tôi những năm tháng dưới mái Trường Dân tộc Trung ương ở miền Bắc thân yêu.
KSOR PHƯỚC

Có thể bạn quan tâm