Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Hồi ức không phai của người lính Điện Biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiến thắng Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi trong thế kỷ XX mà còn là chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Dù đã trải qua 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7.5.1954-7.5.2020) nhưng những ký ức về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” ấy có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người lính Điện Biên năm xưa - ông Đỗ Ca Sơn, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, trực tiếp tham gia vào trận đánh giữ từng tấc đất trên đồi A1.
 

Bà Trịnh Thanh Đoan - con gái của đồng chí Lê Liêm (Chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ) - ôn lại những hình ảnh tư liệu, câu chuyện thời kháng chiến với ông Đỗ Ca Sơn. Ảnh: Lan Nhi




Ký ức 66 năm Điện Biên Phủ

Cẩn thận lau vết bụi trên khung của bức ảnh đen trắng, ông Đỗ Ca Sơn (88 tuổi, quê ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) - nguyên Trung đội trưởng Trung đội 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, trực tiếp tham gia vào trận đánh giữ từng tấc đất trên đồi A1 - cho biết: Đây là bức hình chụp lại khoảnh khắc khi ông đoàn tụ cùng với gia đình sau khi trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ cách đây hơn 66 năm - 1954. Nay, mỗi lần có ai nhắc về mảnh đất chiến trường xưa, ông Sơn không thể giấu nổi niềm xúc động và tự hào, đặc biệt là những ngày ác liệt khi đánh chiếm đồi A1.

Trải qua hàng chục ngày đêm khoét núi, đào hào cùng với đồng đội, đối với ông Sơn, đó là những ký ức không thể nào quên. Qua lời kể của ông Sơn, những câu chuyện lịch sử mà chúng tôi được nghe lại có một sức hút rất riêng. Đó là những mẩu chuyện mắt thấy, tai nghe của người lính trực tiếp nếm trải.

Ông Sơn nhớ lại: “Đêm 24.1.1954, tức là chỉ còn vài giờ nữa là sang ngày Tết ông Công ông Táo. Sau cuộc họp ở đại bản doanh Mường Phăng do Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp triệu tập, thảo luận về phương án tác chiến mới, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Trung đoàn 174 của tôi được giao nhiệm vụ trước mắt là làm đường, đào trục hào xuyên rừng. Khởi đầu từ Khe Chít, hướng ra cánh đồng, rồi áp sát vào tập đoàn cứ điểm ngoại vi dưới chân đồi A1 có chiều dài khoảng 1.000m”.

Mỗi ngày, ông Sơn cùng đồng đội vừa đào hào, vừa xây dựng trận địa. Đầu tiên là đào hầm cá nhân để tránh pháo của địch, sau đó là đào hầm nối hầm cá nhân này với hầm cá nhân khác để tạo thành hình những chữ Z nối dài. Đêm 30.3.1954 cũng là đêm diễn ra trận đánh đầu tiên trên đồi A1. Từ ngày 31.3 trở đi, quân ta chiếm một nửa quả đồi, địch một nửa quả đồi, nhưng khoảng cách gần nhau. Địch phòng thủ còn bộ đội ta quyết tâm chiếm toàn bộ quả đồi, quyết tâm giành chiến thắng. Cứ như vậy, ông Sơn cùng đồng đội kề vai, sát cánh để chiến đấu trong suốt 38 ngày đêm.

Kiên cường dũng sĩ đồi xanh

66 năm đã trôi qua, thế nhưng ông Sơn vẫn luôn day dứt một điều rằng, nhiều đồng đội của ông vẫn còn nằm đâu đó dưới tầng đất, trong khe suối, yên nghỉ mãi mãi cùng với màu xanh trùng điệp của núi rừng Điện Biên. Những khoảng lặng hiếm có trong cuộc chiến, tình đồng chí giữa “mưa bom bão đạn” giúp ông cùng đồng đội trân trọng hơn giá trị của cuộc sống hòa bình.

Với ông Sơn, những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu trên đồi A1 là những giây phút mà ông không thể nào quên được. Ông Sơn tâm sự: “Khi chiến dịch kết thúc, ai nấy đều rất phấn chấn. Khi lá cờ vừa tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, cả đơn vị tôi thở phào nhẹ nhõm sau 40 tiếng căng mắt không ngủ, đấu tranh một sống một còn cùng với kẻ thù. 66 năm chiến thắng đã lùi xa, thế nhưng phút giây ấy vẫn khắc khoải trong tâm trí tôi. Tất cả như mới vừa xảy ra”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, do thông thạo tiếng Pháp nên ông Sơn được giao trọng trách dẫn giải 500 tù binh từ Điện Biên về tới Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Sau này khi hòa bình lập lại, đã có nhiều đoàn cựu binh Pháp trở về Điện Biên thăm lại chiến trường xưa. Họ nhận ra và đi tới cầm tay, ôm chầm lấy ông Sơn. Tuy nhiên, điều ông Sơn cảm thấy vui nhất trong các cuộc gặp gỡ đó chính là sau bao cuộc chiến ác liệt như thế, giữa họ không hề tồn tại lòng hận thù, cao hơn hết là sự thấu hiểu, sẻ chia.

Khi hòa bình lập lại, ông Sơn về công tác, làm giảng viên Khoa tiếng Nga, Trường Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Là một nhà giáo, đồng thời cũng là một cựu chiến binh, ông Sơn vẫn trăn trở một điều rằng, qua thời gian, những chiến sĩ Điện Biên như ông có thể tiếp tục “truyền lửa” cho thế hệ sau bằng những câu chuyện hiện thực, chân thật nhất. Ngày nay, thế hệ trẻ cần có lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống dân tộc mà không sách vở nào thay thế được. Để đất nước ta có được ngày hôm nay, mọi người cần thấy được công lao của Đảng, Nhà nước, thấy được sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ. Lịch sử là một dòng chảy và nó rất cần những người biết trân trọng, biết kết nối để tạo thành mạch ngầm xuyên suốt qua nhiều thế hệ.

Tiếp lời ông Sơn, bà Trịnh Thanh Đoan (sinh năm 1944, con gái của đồng chí Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) chia sẻ: Mặc dù chiến thắng đã lùi xa, thế nhưng cha tôi và những người lính Điện Biên Phủ năm xưa như ông Sơn vẫn luôn tâm huyết, trăn trở với việc giáo dục lịch sử truyền thống để thế hệ trẻ nhìn nhận một cách khách quan, hình dung rõ hơn về trận chiến, cũng như cảm thấy trân quý những khoảnh khắc được sống trong thời bình.

 

https://laodong.vn/thoi-su/ky-niem-66-nam-chien-thang-dien-bien-phu-751954-752020-hoi-uc-khong-phai-cua-nguoi-linh-dien-bien-803519.ldo

Theo Phạm Đông - Lan Nhi (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm