Phóng sự - Ký sự

Hồi ức mùa Xuân vùng căn cứ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong ký ức của các bậc lão thành cách mạng, những người đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, dường như kỷ niệm về những ngày tháng gian khổ, nhưng đầy hào hùng mãi luôn vẹn nguyên. Và trong hành trình dài hơn hai thập kỷ ấy, những mùa Xuân ở khu căn cứ cũ luôn có dấu ấn đặc biệt, với nhiều tình cảm tha thiết, thiêng liêng.

Nhớ về một thời đói cơm, lạt muối thuở ấy, ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy không giấu được xúc động, bồi hồi. “Năm 1960 tôi được điều động lên Nam Tây Nguyên để tăng cường cho Đắk Lắk, làm Bí thư K61 (sau giải phóng chia tách thành 3 huyện: Cư M’gar, Ea Súp, Buôn Đôn). Lúc này căn cứ của ta ở cánh Bắc (Cư Jú - Diêya).


 

Ông Lê Chí Quyết xúc động khi nhớ lại những mùa Xuân tại khu căn cứ.
Ông Lê Chí Quyết xúc động khi nhớ lại những mùa Xuân tại khu căn cứ.


Đến giữa năm 1965, sau khi giải phóng một loạt dinh điền, khu dồn, ấp chiến lược ở phía Nam Quốc lộ 21 (nay là Quốc lộ 26), căn cứ kháng chiến của tỉnh được mở rộng thêm, hình thành một mảng căn cứ liên hoàn rộng lớn từ cánh Bắc (Cư Jú - Dliêya) vào cánh Nam - mật danh H9 (huyện Krông Bông ngày nay).

Những năm đầu ở khu căn cứ cánh Bắc, cơ sở của ta còn yếu, cán bộ hoạt động cải trang như đồng bào và hầu như không nghĩ đến chuyện ăn Tết. Khi ấy gửi từ trong vùng địch mua được hạt muối, pin, giấy, bút đã là khó khăn và quý lắm rồi. Đồng bào cũng đói, khổ lắm, phải mặc bằng vỏ cây, đốt tranh tre làm muối, ăn củ rừng…

Từ 1965 trở đi, khi cơ quan Tỉnh ủy cùng tất cả các cơ quan ban ngành và lực lượng vũ trang của tỉnh chuyển vào căn cứ cánh Nam thì mới có không khí đón Tết…”, ông Lê Chí Quyết kể lại.

 

Đồng chí Lê Chí Quyết (đứng thứ hai từ trái sang) tại cơ quan tiền phương của Tỉnh ủy Đắk Lắk tháng 2/1975. Ảnh tư liệu
Đồng chí Lê Chí Quyết (đứng thứ hai từ trái sang) tại cơ quan tiền phương của Tỉnh ủy Đắk Lắk tháng 2/1975. Ảnh tư liệu


Dường như niềm vui trong gian khổ luôn để lại trong ký ức những nếp nhớ hằn sâu. Dù đã ở vào “tuổi hạc, bóng tùng”, nhưng những sự kiện, những hình ảnh, con người gắn liền với quãng thời gian ấy vẫn hiện lên rõ nét qua câu chuyện của vị lão thành cách mạng. Khi ấy chủ yếu có hai nguồn lương thực, thực phẩm: từ tự cung cấp tại chỗ như trồng trọt lúa, bắp, hoa màu, chăn nuôi heo, gà, đánh bắt cá ở suối xung quanh căn cứ và nguồn thứ hai là nhờ các đội công tác bám ở vùng địch hoặc bám đường 21 mua giúp với các loại cá, thịt hộp, sữa, đường, bánh kẹo, thuốc lá… Từ các nguồn lương thực này, Tỉnh ủy phân bổ, tiếp tế cho các địa bàn, cho khu căn cứ.

Ông Lê Chí Quyết hồi tưởng lại: “Có những năm chúng tôi tổ chức ăn Tết sớm, hoặc đúng ngày, ăn tết muộn hơn tùy tình hình hoạt động lúc bấy giờ. Nhưng không khí rất vui vẻ, đầm ấm. Tất cả đều quây quần cùng nhau trong đêm giao thừa, ca hát tập thể. Không có nhạc cụ thì mang xoong nồi ra gõ, vỗ tay thay đàn sáo, pháo nổ. Mùng Một ăn Tết tại cơ quan, từ mùng Hai trở đi chúng tôi tỏa xuống từng buôn làng chúc Tết đồng bào khu căn cứ, mang theo quà, bánh cho trẻ con, thuốc lá cho các cụ già. Từ tuyến trước đến tuyến sau đều được ăn Tết, đảm bảo ngày Tết đến với tất cả mọi người, đến với tất cả lực lượng, nơi có san sẻ cho nơi khó khăn hơn…”.

Một kỷ niệm đau buồn làm ông nhớ mãi, đó là sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch phản công quyết liệt; vào đầu năm 1969, địch thả bom B52 xuống cơ quan Tỉnh ủy đóng tại buôn Đắk Tuôr. Lúc đó, mọi người đang nấu bánh tét để ăn Tết và gửi ra tiền phương cho các đội công tác. Khu nhà bếp bị trúng bom làm 6 đồng chí hy sinh. Đó là một cái Tết tang thương, mất mát và đầy tàn khốc trong thời chiến…

 

Ông Nguyễn Văn Đễ kể lại một số trận đánh của Đội du kích xã Khuê Ngọc Điền.
Ông Nguyễn Văn Đễ kể lại một số trận đánh của Đội du kích xã Khuê Ngọc Điền.


Đối với ông Nguyễn Văn Đễ (Để), nguyên là Đội trưởng Đội du kích, Xã đội Trưởng xã Khuê Ngọc Điền, Tết ở khu căn cứ là những ngày vui tươi sau một năm chiến đấu, lao động đầy hy sinh, gian khổ. Mặc dù còn nhiều thiếu thốn, có những tháng trong năm phải ăn củ rừng, nhưng vẫn cố gắng tiết kiệm, để dành lương thực, thực phẩm cho những ngày Tết được đủ đầy. Ông Nguyễn Văn Đễ nhớ lại: “Khoai, sắn trồng trênnương rẫy những tháng cuối năm chưa vội thu hoạch ngay mà để dành trong đất; thóc lúa cất kho; gà, heo nuôi sẵn… chỉ chờ đến ngày Tết được đem ra chế biến. Có năm, để cải thiện thêm, anh em trong đội du kích còn săn bắn thú rừng về chia cho mọi người. Nhưng cũng có năm, địch bắn phá, càn quét ác liệt; chúng dội bom, thả chất độc làm hại hoa màu, vật nuôi, nhà cửa bị đốt cháy, hầu như không còn gì cả. Những năm như thế coi như là không có Tết, chúng tôi phải chia nhau từng nắm lá rừng, từng củ khoai để cầm hơi… Trước và trong những ngày Tết, các lực lượng bộ đội, công an, tự vệ, du kích được phân công, cắt cử đi tuần tra, đảm bảo an toàn. Vui nhất là lúc sinh hoạt tập trung, diễn văn nghệ, ca hát; quân - dân một lòng, đoàn kết, san sẻ với nhau…”.

 

Đường vào buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Ảnh: Thế Hùng
Đường vào buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Ảnh: Thế Hùng


Chẳng cần phải cố gắng lục lọi kiếm tìm trong ký ức vì kỷ niệm được cất giữ trong tiềm thức cứ ùa về qua từng câu chuyện kể của những nhân chứng lịch sử. Trên chiếc đồng hồ lớn của thời gian, mỗi cái Tết là một cột mốc đánh dấu sự kết thúc của năm cũ và mở ra một khởi đầu cho năm mới - một cuộc chuyển giao với bao hân hoan, hy vọng. Và có lẽ, đối với những người đã trải qua cuộc chiến tranh gian khổ thì kỷ niệm về mỗi dịp đón năm mới nơi vùng căn cứ cũ lại càng khắc ghi, thành nếp nhớ sâu hơn bởi trong những thời khắc ấy, họ trao cho nhau niềm tin về ngày toàn thắng, về hòa bình, về ngày mai, về tương lai của một đất nước thống nhất…



https://baodaklak.vn/chinh-tri/202201/hoi-uc-mua-xuan-vung-can-cu-789485e/

Theo LAN ANH (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm