Phóng sự - Ký sự

Hồi ức tự hào của nữ cựu tù chính trị yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đã lùi xa gần nửa thế kỷ song những ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm bà Nguyễn Thị Kim Cúc (tổ dân phố 7, phường An Phú, thị xã An Khê, Gia Lai), một cựu tù chính trị yêu nước. Để rồi, mỗi khi nhắc nhớ, bà lại bồi hồi xúc động như thể “thước phim” ấy chỉ vừa mới diễn ra hôm qua…
Chuyện hoạt động cách mạng giờ đây không phải là bí mật cần giấu kín như thời chiến nhưng bà Cúc vẫn ít mở lòng chia sẻ với nhiều người. Bởi lẽ, bà quan niệm rằng, làm vậy chẳng khác gì bản thân đang tự kể lể hoặc ngợi ca công lao của chính mình. Vậy nhưng khi nghe tôi ngỏ lời, bà lại rất vui vẻ trải lòng. Dường như bà muốn những người trẻ như tôi hiểu thêm về những gì cha anh mình đã một thời trải qua trong chiến tranh, để rồi biết trân quý hơn giá trị của hòa bình.
Nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình
Bà Cúc sinh năm 1955 trong một gia đình giàu truyền thống đấu tranh cách mạng ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ngày bà chào đời, cha bà đang tập kết ở miền Bắc, gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai người mẹ. Hai mẹ con đi đâu, làm gì cũng có nhau, từ lao động sản xuất hàng ngày đến tham gia hoạt động cách mạng. Lớn lên trong vùng địch, những đứa con Cộng sản như bà Cúc không được phép đi học trong các trường của chính quyền Ngô Đình Diệm. Mãi đến năm 1964, khi xã Mỹ Châu được giải phóng, bà Cúc mới được đến trường học văn hóa để bồi đắp thêm kiến thức phục vụ cách mạng.
Giữa khí thế cả nước sục sôi chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bà Cúc được cử tham gia lớp địch vận. Với nhiệm vụ này, bà đã đóng góp sức trẻ của mình cùng quân và dân ta làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Qua đó, quân và dân ta đã phá tan chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc kẻ thù phải xuống thang, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc và chấp nhận đàm phán Hội nghị 4 bên tại Paris. Thế nhưng, niềm phấn khởi chưa được bao lâu thì 1 năm sau, địch quay trở lại tiếp tục lấn chiếm, bình định nông thôn, đẩy mạnh bắt bớ những người Cộng sản yêu nước. Tháng 6-1969, mẹ bà không may rơi vào tay địch. Nén đau thương, bà Cúc tiếp tục giữ vững tinh thần đấu tranh và được tổ chức đưa về địa phương hoạt động hợp pháp. Tham gia trong đội công tác tại xã Mỹ Châu, bà cùng các đồng chí, đồng đội của mình bí mật thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn, giao liên.
Vợ chồng bà Cúc chụp ảnh lưu niệm trước căn phòng nơi bà từng bị giam giữ tại Côn Đảo (Ảnh nhân vật cung cấp).
Vợ chồng bà Cúc chụp ảnh lưu niệm trước căn phòng nơi bà từng bị giam giữ tại Côn Đảo (Ảnh nhân vật cung cấp).
Giữ vững tinh thần “thép”
“Mãi đến tận bây giờ, có lẽ chuyện bị bắt tù đày là ký ức sâu sắc nhất với bản thân tôi. Một buổi sáng tháng 6-1970, tôi cùng một đồng chí nữa đang tập trung tại thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu để chuẩn bị cho lễ kết nạp Đoàn thì bất ngờ bị địch tấn công, bắt giữ. Từ Nhà lao Phù Mỹ, chúng đưa tôi qua Ty Cảnh sát Bình Định, Nhà lao Quy Nhơn rồi chuyển tới Nhà lao Phú Yên”-bà Cúc nhớ lại.
Vì biết bà Cúc là “Cộng sản nòi” nên dù bà còn nhỏ tuổi, địch vẫn cố tìm mọi cách để khai thác thông tin. Chuỗi ngày trong lao tù là khoảng thời gian bà phải liên tục chịu sự tra tấn dã man của kẻ thù. Có những ngày, 10 đầu ngón tay của bà bị châm điện cho tê cứng; cơ thể tím bầm, rỉ máu bởi nhiều vết dùi cui, roi điện quật thẳng vào người. Thậm chí, địch còn treo ngược bà lên, dùng gậy đánh vào hai bên hông hoặc đào hố để mỗi lần tra khảo không xong thì đạp đầu xuống đất rồi lại giật tóc kéo ngược lên. Những tưởng với các cực hình tra tấn ấy, chẳng bao lâu, người nữ Cộng sản mới tròn 15 tuổi ấy sẽ bớt cứng đầu, song kẻ thù đã lầm. Chúng càng hung hãn đánh đập, khảo tra, bà Cúc càng tỏ rõ khí tiết cùng một tinh thần thép bất diệt của người chiến sĩ cách mạng. Bà bộc bạch: “Ngay từ đầu, mình đã xác định làm cách mạng thì ắt sẽ bị tù đày. Bản thân cũng thuộc nằm lòng mục đích “không có thì đánh cho có, có thì đánh cho chừa” của địch nên dù bị đòn roi, gian khổ thế nào cũng cố gắng chịu đựng chứ không bao giờ đầu hàng hay khai báo nửa lời làm hại đến cơ sở cách mạng và đồng chí, đồng đội của mình”.
Tháng 12-1971, khi phong trào cách mạng của ta phát triển mạnh mẽ trên khắp các chiến trường, địch quyết định đưa bà Cúc ra Côn Đảo cùng với khoảng 200 tù chính trị yêu nước khác ở các nhà lao Bình Định, Phú Yên và Quảng Nam. Lúc địch đưa đi, bà không hề biết mình bị đày ra Côn Đảo cho tới khi đặt chân đến nơi và nhìn thấy dòng chữ “Phi trường Côn Sơn” trước mặt. Tại đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy đảo, bà cùng với những đồng chí trong phòng giam số 6, Trại 2 (Trại Phú Hải) và các phòng giam khác tiếp tục tham gia đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi tắm nắng, đòi tăng cơm, đòi có thuốc khi đau ốm. Hồi đó, vì nhỏ tuổi nên bà Cúc được bố trí ở đội xung kích, làm nhiệm vụ hô khẩu hiệu để những người trong phòng hưởng ứng. Tinh thần đấu tranh khi đó lan tỏa ra cả đảo, cứ một phòng hô thì cả đảo đồng loạt hô hào.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tại Điều 8 của Nghị định thư có đề cập đến việc 2 bên trao trả tù binh hoạt động chính trị song địch lại cố tình biến tù chính trị của ta thành tù quân phạm, thường phạm để không phải trao trả. “Để chống lại hành động lăn tay, chụp hình của địch, anh em chúng tôi lấy nhọ nồi thoa lên mặt hay dùng mỡ bôi lên tay. Cơm ăn hàng ngày thì để dành lại một ít, phơi trên nền xi măng của phòng giam cho khô rồi cất đi, phòng khi đấu tranh tuyệt thực thì lại lấy ra ăn mà có sức chiến đấu. Nói chung, dù bị địch cầm cố nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tranh đấu bằng mọi cách có thể”-bà Cúc khẳng khái nói.
Trọn nghĩa với quê hương
Trước sức ép của ta, ngày 23-7-1973, địch phải tiến hành trao trả tù chính trị Việt Nam tại Sân bay Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), trong đó có bà Cúc. Mẹ bà thì mãi đến tận sau ngày 30-4-1975 mới được trở về. Sau ngày ấy, bà nhận công tác tại cơ quan hậu cần Đoàn đón tiếp Lộc Ninh, đón các đồng chí được trao trả về sau. Đầu năm 1974, bà chuyển về Khu 5 tại Kon Tum. Nhưng vì trên đường đi, sức khỏe sa sút, bà được đưa ra miền Bắc điều dưỡng.
Bà Cúc dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Chi bộ Lê Hồng Phong tại Trại 1-Côn Đảo vào tháng 5-2018. Ảnh: nhân vật cung cấp
Bà Cúc dự lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Chi bộ Lê Hồng Phong tại Trại 1-Côn Đảo vào tháng 5-2018. Ảnh: nhân vật cung cấp
Vượt qua lửa đạn, tù đày trong chiến tranh, sau ngày giải phóng, bà Cúc trở về công tác tại huyện An Khê (cũ), đảm nhận nhiều công việc quan trọng ở Văn phòng Huyện ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy. Năm 2005, bà được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thị ủy An Khê. Tròn một nhiệm kỳ trên cương vị này, bà nghỉ hưu.
Giờ đây, mỗi lần cùng chồng mình-ông Trần Minh Sơn, cũng là một cựu tù chính trị yêu nước-có dịp về thăm lại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, bà Cúc vẫn không kìm nén được xúc động. “Hồi bị đày ra đảo, kẻ thù nhốt một chỗ nên không biết gì khác ngoài nơi mình bị giam giữ. Khi trở lại, chứng kiến những hình ảnh mô phỏng nào là hầm đá, xà lim, chuồng cọp…, dù là người trong cuộc, tôi vẫn cảm thấy vô cùng xót xa và khâm phục các cô chú, anh chị từng bị địch giam cầm ở đây. Côn Đảo quả thật là lò tôi luyện những chiến sĩ cách mạng kiên trung nhất thời ấy”-bà Cúc tâm sự.
Ôn lại những tháng ngày tham gia hoạt động cách mạng, dù rằng bà Cúc vẫn hay bảo những việc bản thân trải qua chỉ là “hạt cát nhỏ nơi sa mạc mênh mông” so với các đồng chí, đồng đội khác của mình, nhưng một điều mà chắc chắn ai trong chúng ta cũng nhận thấy ở bà, đó là sự trọn vẹn nghĩa tình với quê hương, đất nước…
Hồng Thi
-----------------------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm