Anh bảo, đi nhiều, gặp nhiều để hiểu và tìm sinh kế cho người dân ở những nơi mình đến. Hành trình vì cộng đồng này anh đã bền bỉ thực hiện suốt 25 năm.
Chia sẻ niềm hạnh phúc đã trở thành một mục đích sống của anh Danh. |
Người khởi xướng
Cuộc đời thiện nguyện của Danh bắt đầu năm 1998, bằng hoạt động thường niên của học sinh Trường trung học Chuyên ban Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội) khi ấy là trồng cây, vệ sinh môi trường và vẽ các bức tường quanh nơi sống.
Vào thời điểm ấy, Danh chưa bao giờ nghĩ tới việc trồng những mầm cây, vẽ lên mảng mầu tươi sáng này đã đặt anh vào hành trình vì cộng đồng không bao giờ kết thúc.
Vào đại học và xa nhà, khác với bạn bè là tập trung học hoặc chơi, thì Danh lao mình vào các hoạt động thiện nguyện ở khắp TP Hồ Chí Minh. Những năm 2000, anh mở lớp dạy chữ cho trẻ em nghèo ở khu vực Thủ Đức và cùng khởi xướng “Cơm 2K” dành cho những bệnh nhân khó khăn ở Nơ Trang Long, Bình Thạnh.
Ngày tháng rong ruổi tìm xin gạo, rau cho bếp cơm tình thương, Danh lại trăn trở nghĩ “phải làm nhiều hoạt động phát triển bền vững hơn nữa”. Năm 2001, Hội thiện nguyện Chung tay vì cộng đồng với anh là thành viên chủ chốt ra đời. Danh sách tìm kiếm nhà hảo tâm, thiết kế các suất học bổng nuôi các em nhỏ khó khăn, đưa chúng đến trường và tạo điều kiện phát triển tài năng.
Bền bỉ đến nay, sau 3 mùa (mỗi mùa 7 năm) đã có 1.050 em được chắp cánh từ chương trình này. Nhưng Danh bảo mình và cộng sự sẽ không dừng lại. Hiện Hội thiện nguyện Chung tay vì cộng đồng tiếp tục hỗ trợ tổng thể cho gia đình các em trong dự án bằng việc cung cấp cây, con giống để sản xuất. Dành học bổng “Em nuôi” từ lớp 6 đến hết lớp 12, xây dựng đầy đủ từ kiến thức đến kinh nghiệm sống và trải nghiệm thực tế. Và thắp sáng làng quê bằng nguồn năng lượng mặt trời.
Bên trong đầu Danh còn ấp ủ nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Anh thấy mình phải sửa sang, làm mới những ngôi trường và giúp cho trẻ em thuận tiện đến trường trên những cây cầu vững chãi.
Nghĩ là làm, đều đặn mỗi cuối tuần thậm chí cả những ngày nghỉ lễ, Tết cứ có thời gian là anh cùng đại diện các quỹ và chính quyền địa phương khảo sát từng cây cầu ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Di chuyển nhiều nhưng anh tâm sự “bao mệt mỏi tan biến” khi thấy 350 cây cầu hoàn thành vượt tiến độ, nguồn kinh phí đối ứng vận động vượt chỉ tiêu, huy động được sự đóng góp công sức của nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, chăm chút cho cây cầu và hơn hết chính là nụ cười của chính bà con khi khánh thành cầu.
Công thức của Mr Happy
Mỗi một hoạt động Danh đều có một công thức để nó triển khai thành công. Điều đó áp dụng cho cả việc anh đặt tên cho tổ chức. “Từ lúc khởi phát Hội thiện nguyện Chung tay vì cộng đồng, chúng tôi đã định danh tổ chức này phải lớn hơn câu lạc bộ, hướng đến cộng đồng trong và ngoài nước. Tiếp theo các thành viên cam kết đóng góp, không sử dụng nguồn tiền ủng hộ để tổ chức chương trình hay đi lại nhằm phát triển bền vững”, anh nói.
Việc xây cầu anh cũng tự mình đóng gói cách làm riêng. Một cây cầu được anh xây từ 3 nguồn kinh phí: 50% từ quỹ thiện nguyện trong khi 50% còn lại từ địa phương và vận động từ cộng đồng. Anh hiểu rằng, để một cây cầu thành hình, phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí: nơi đó thật sự cần, cầu phải đủ rộng (tối thiểu 3,5 m) để đáp ứng cho nhu cầu phát triển sau này, và phải có cam kết đối ứng 50% của địa phương.
“Chúng tôi làm vì mục tiêu chung của địa phương và cam kết chất lượng chứ không phải chi các khoản khác ngoài thực tế nên nhân dân rất ủng hộ, đồng hành”, anh Danh chia sẻ.
Cách làm thì nhiều nhưng đúc kết lại, Danh bảo công thức duy nhất để mình làm được nhiều chương trình, nhiều việc là chân thành và trung thực. “Đó là then chốt của không chỉ trong hoạt động cộng đồng mà bất kể việc gì trong cuộc sống. Minh bạch tài chính để chúng tôi có nhiều thời gian làm việc khác hơn thay vì phải dành thời gian để nghĩ câu trả lời cho việc làm sai”, anh cho hay.
Chính với tinh thần đó, Danh đã nhận được sự chung tay của các quỹ, công ty, tổ chức và các nhà hảo tâm. Gần đây nhất, trong giai đoạn Covid, anh đã được mấy tấn tép, đóng gói thành hàng nghìn túi nhỏ của các má ở Bạc Liêu gửi lên, ủng hộ chương trình ATM gạo mà anh tham gia.
Khi nói về công thức của riêng mình, để duy trì sức bền suốt hơn 25 năm qua cho thiện nguyện, Mr Hạnh phúc bảo: “Ăn xanh và thể thao. Thực hành đều đặn các bạn sẽ thấy được năng lượng tích cực từ bản thân mình và của cộng đồng chung quanh”.
Anh chọn những km dài ở các tuyến đường hay các buổi chạy dài cùng Superman Night Run để tạo thêm sức bền trong sứ mệnh thiện nguyện của đời mình. Và sứ mệnh này vẫn đang tiếp tục, chưa hề có dấu hiệu dừng lại.
Anh kể, hết dịch Covid-19, đã xuống Bạc Liêu để cảm ơn tấm lòng của người dân nơi đây và “khởi tâm xây dựng cầu Hy Vọng, như một cách cảm ơn đời đã cho tôi gặp những người thương yêu mình”. Và anh đã xây được gần 50 cây cầu tại Bạc Liêu trong 2 năm qua.
Theo Bài và ảnh: TRIỆU MẪN (NDĐT)