Phóng sự - Ký sự

Hồn biển Lăng Cô - Kỳ 2: Chuyện Lăng Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nằm cạnh danh thắng Hải Vân, bãi biển Lăng Cô dài hơn 10 km, cát trắng, nước trong và được xếp hạng là một trong 30 bãi biển đẹp nhất thế giới.

Hoàng hôn vịnh Lăng Cô. Ảnh: TUỆ TÂM

Hoàng hôn vịnh Lăng Cô. Ảnh: TUỆ TÂM

Khởi nguồn của Lăng Cô

Nếu không có quốc lộ 1A chạy qua, Lăng Cô sẽ là bãi dọc, bán đảo. Nhìn từ đèo Hải Vân, biển Lăng Cô bên ngoài nước xanh thẫm, bên trong xanh nhạt. Mũi Con Rùa thuộc dãy Bạch Mã vươn chếch ra phía bắc, “đuôi” Lăng Cô kéo mạnh vào phía nam tạo vùng khép mở, chắn sóng.

Tên gọi nôm na ban đầu của Lăng Cô là làng cò. Mỗi một cái tên được đặt cho một vùng đất, thường chứa đựng một câu chuyện, một hàm ý gửi gắm. Lăng Cô - có mang theo mình điều đó không? Trên các trang mạng đã kịp kể câu chuyện rất giống nhau rằng, tên gọi Lăng Cô hôm nay do người Pháp đô hộ, do phát âm không rõ cái từ “làng cò” mà thành.

Xuất xứ tên gọi kiểu lu loa như vậy là xoàng cho Lăng Cô. Người đâu đó ghé chơi, người ta bình luận về Lăng Cô đẹp cũng đúng, buồn vắng cũng đúng, chẳng có gì phải ở lại đó cũng đúng luôn. Vì phía ngoài Lăng Cô đã có biển Thuận An, cũng có kiến tạo đầm phá, lại lợi đường đi vì ở gần thành phố Huế. Sau Lăng Cô đã có bờ biển Đà Nẵng trải dài, cát mịn, sóng xanh, núi trập trùng.

Lăng Cô chọn khách hay khách chọn Lăng Cô? Hẳn nhiên, đáp án là khách chọn. Khách đến đây vì một lý do riêng, rất riêng. Đến để buông mình theo biển vắng. Ở, để non nước mây trời khúc xạ nội tâm.

Năm 1993, tôi lên chuyến xe khách hành trình bắc vào nam. Xe ngày đó nhồi khách hết sức. Khi đến chân đèo Hải Vân, xe dừng lại cho nghỉ ngơi, ăn uống. Trong đêm, chỉ nghe vẳng lên hai tiếng Lăng Cô. Năm 2003, tốt nghiệp đại học, khi đó chưa có việc làm, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương gọi tôi vào làm phóng viên. Tôi vào đó thăm hỏi, được thư ký tòa soạn đến phóng viên đều khuyên tôi nên tìm một thành phố sôi động. Vậy là tôi tạm biệt tạp chí, tôi qua đèo Hải Vân rồi lại về Lăng Cô ở vài ngày. Khung cảnh đẹp thế này, ảo tưởng văn hay chữ tốt của mình sẽ “tán tỉnh” Lăng Cô theo cách “vô tiền khoáng hậu” (trước đó chưa ai viết hay, sau này cũng không ai viết hay hơn). Và đó sẽ là một bài báo cất cặp giúp tôi đi tìm việc.

Ấy nhưng, tôi chả viết được chữ nào.

Vịnh Lăng Cô bình yên.

Vịnh Lăng Cô bình yên.

Gỡ “lớp lang” Lăng Cô

Tôi xin viết đôi điều ngoài lề Lăng Cô, bởi ở đây có chữ “cô” khiến tôi lại nhớ chữ “bà”. Hành trình vào phía nam, chúng ta có địa danh núi Bà Rá (Bình Phước), núi Bà Đen (Tây Ninh), thành phố Bà Rịa (Bà Rịa- Vũng Tàu), chợ thì có chợ: Bà Điểm, Bà Hom, Bà Quẹo, Bà Chiểu (Thành phố Hồ Chí Minh), ngược ra có chợ Bà Lê (Hội An), lễ hội Bà Thu Bồn (Quảng Nam).

Người Quảng Nam hay dùng từ “bà” đệm trước, ví như bà chó, bà gà, bà nhà, bà sông… và trong cách nói chuyện, người đàn ông họ cũng gọi là bà. Theo tôi nghĩ, tên gọi Lăng Cô đánh dấu sự uyển chuyển, chuyển tiếp của một cách gọi nữ tính và qua đèo Hải Vân nó đã nghiêng về tính nữ nhiều hơn.

“Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội” - câu nói xưa, ý rằng, không có gì nhạt bằng xem hội bơi thuyền. Ở Lăng Cô có lễ hội đua thuyền, lễ hội cầu ngư mà nhiều tỉnh, thành duyên hải đều có. Xưa từ bắc vào Lăng Cô phải qua đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia với chặng đường 10 km. Nếu từ phía nam ra phải qua đèo Hải Vân. Lăng Cô bị vây hãm bởi dãy núi Bạch Mã.

Tiếp cận Lăng Cô một cách chậm rãi, người Lăng Cô có cách nói hơi nhanh hơn so với vùng biển khác, ví như vùng cửa biển Thuận An cùng tỉnh. Trước đây, trong chuyến tàu từ nam ra bắc, ông khách đi tàu, quê gốc Lăng Cô, cho hay: “Tui cũng nghe thôi, không được rõ ràng lắm, những người đầu tiên về đây lập làng là người ở hạ lưu sông Thu Bồn”.

“Cha ông tui kể rằng, họ đi theo nhóm, đi theo một người đàn ông. Đó là một người có tính cách mạnh mẽ, kiên định và luôn sẵn sàng đương đầu với khó khăn. Ông được mọi người kính trọng không chỉ vì tay nghề biết làm nhiều việc, nói điều chắc chắn. Ông có khả năng thu phục được nhiều người. Khi nghe tin về một vùng đất dọc theo bờ biển chưa được khai phá, mà không bị ngập lụt, ông quyết định dẫn dắt gia đình và một số người bạn thân cận lên đường”.

Với địa thế khuất nẻo, Lăng Cô xưa như một điểm di cư lánh nạn, dựng đời. Đầu thế kỷ 20, có một bộ phận giáo dân Hòa Vang (Đà Nẵng) di cư ra và ở lại. Năm 1954, có một bộ phận người dân di cư từ Quảng Trị vào.

Cả Lăng Cô chờ bạn

Lăng Cô không những là nơi có bãi biển đẹp mà còn là một trong ba vịnh đẹp của Việt Nam. Tháng 5/2009, tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ V của Câu lạc bộ vịnh biển thế giới (World-bays Club) tổ chức tại thành phố Setubal (Bồ Đào Nha), vịnh Lăng Cô đã trở thành thành viên thứ 30 của câu lạc bộ.

Trong sáu tháng đầu năm 2024, thị trấn Lăng Cô đã đón khoảng 10 nghìn lượt khách du lịch quốc tế. Đây là một dấu hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của du khách quốc tế đối với vẻ đẹp hoang sơ và tiềm năng du lịch của Lăng Cô.

Nhưng như đã nói ở kỳ 1, còn nhiều điều phàn nàn. Đầm Lập An như một bãi cọc của nhiều nhà hàng. Người Lăng Cô cũng cần phải học thêm về cách làm du lịch. Khách đến không chỉ tắm biển, ngắm cảnh, trải nghiệm du lịch cộng đồng. Khách cần phải ăn uống. Nhà hàng món Việt ở Lăng Cô có khá nhiều nhưng vẫn “lép” thương hiệu. Chị Đinh Thị Ngọc Diệp, một hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Nhà hàng ở đây chuyên đồ Á, đồ Việt, nhưng món tôm nướng xiên que hệt như chợ đêm. Mực trong món mì xào còn không được bóc vỏ”.

Những nhà hàng ẩm thực theo kiểu phương tây đặt tại Lăng Cô sẽ vấp phải vấn đề nguồn cung nguyên liệu không sẵn có như ở Đà Nẵng hay Hội An. “Cái đáng phê bình nhất vẫn là món Việt, hình như họ chưa vượt qua tính địa phương để phù hợp với du khách khắp nơi”, bà Nguyễn Thị Nhung, chủ nhà hàng cơm Đèn Dầu (Hội An, Quảng Nam), trong một lần đến Lăng Cô cho biết.

Có thể bạn quan tâm