Hòn đảo mang tên một người anh hùng!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quần đảo Trường Sa có hơn 100 đảo nổi, đảo chìm và điểm đảo. Nhìn từ xa các đảo hiện ra chỉ là rẻo đất bé xíu bằng cái móng tay giữa mênh mông đại dương. Song khi đặt chân lên những điểm đảo ấy tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trên đảo đang ngày đêm bảo vệ mảnh đất thiêng liêng ấy rất đỗi tự hào. Câu chuyện huyền thoại về một người anh hùng để rồi tên tuổi ông được đặt tên một hòn đảo: Đảo Phan Vinh - một điểm sáng trên biển Đông.
 

Đảo Phan Vinh.
Đảo Phan Vinh.

Lướt qua tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa (tài liệu của Quân chủng Hải quân), tôi thật sự ấn tượng với đảo Phan Vinh. Qua nghiên cứu các tư liệu cho thấy; trong số hàng ngàn hòn đảo lớn, nhỏ của Việt Nam thì chỉ có duy nhất một hòn đảo mang tên họ của một con người - đảo Phan Vinh. Có lẽ đó phải là một con người rất đặc biệt, thật xuất sắc thì mới để lại dấu ấn sâu đậm như vậy? Và sự tích về người anh hùng Phan Vinh được ghi lại trong sổ vàng truyền thống của Đoàn Trường Sa gắn với tên tuổi người anh hùng Nguyễn Phan Vinh của 44 năm về trước.

Anh sinh năm 1933, quê ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam), quân hàm Trung úy - Thuyền trưởng con tàu C.235 (Lữ đoàn vận tải 125 anh hùng). Tên tuổi của Nguyễn Phan Vinh gắn với chiến tích của “Đoàn tàu không số” và đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đêm 29-2-1968, Nguyễn Phan Vinh chỉ huy con tàu C.235 chở 14 tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Khi tàu đang hành trình còn cách Nha Trang 10 hải lý thì bị tàu chiến Mỹ phát hiện và vây bắt tại vùng biển Hòn Hèo (Khánh Hòa), Thuyền trưởng Phan Vinh đã khẩn trương cho thả hàng xuống Ninh Phước để du kích ta mò vớt lên sau, sau đó cho tàu rời xa khu vực thả vũ khí khoảng 10 hải lý để địch không phát hiện vị trí bãi thả hàng của ta.

 

Tăng gia sản xuất trên đảo Phan Vinh. Ảnh: Trương Công Pháp
Tăng gia sản xuất trên đảo Phan Vinh. Ảnh: Trương Công Pháp

Bảy tàu chiến của địch bám đuổi, bao vây và trên đầu là máy bay địch, quần lượn, bắn phá nhằm bắt sống các thủy thủ của tàu. Dưới sự chỉ huy của anh, tàu của ta vừa vòng tránh vừa đánh trả và đã bắn cháy một tàu chiến của địch. Điên cuồng chúng bắn pháo lớn và trận đánh càng diễn ra khốc liệt, 5 chiến sĩ của ta hy sinh còn lại đều bị thương. Mặc dù bị thương nặng, Thuyền trưởng Phan Vinh vẫn động viên anh em tiếp tục chiến đấu. Biết không thể đương đầu trước thế địch quá mạnh, anh định đưa tàu lao thẳng vào đội hình tàu địch, phá vòng vây ra khơi nhưng không may lúc đó tàu đã chết máy.

 Thuyền trưởng Phan Vinh quyết định cho thương binh và liệt sĩ rời tàu, số người còn lại cài kíp nổ để hủy tàu; đích thân anh cùng với Máy trưởng Ngô Văn Thứ cũng đã bị thương nặng, chui vào khoang máy hẹn giờ nổ. Đến khoảng 2 giờ 30 phút, một tiếng nổ vang rền khắp vùng biển Hòn Hèo. Sức công phá của một tấn thuốc nổ đã làm con tàu xé làm đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa bay lên dính vào núi.

Ngay sau đó máy bay địch đến bắn phá, dọn đường cho bộ binh bao vây, lùng sục nhằm bắt sống các thủy thủ đoàn vừa rút lên bờ. Thuyền trưởng Phan Vinh và anh Thứ đã trụ lại kiên cường chống trả để đồng đội rút lui an toàn. Nhưng do đạn đã hết và bị thương quá nặng anh đã anh dũng hy sinh.

Chuyến tàu định mệnh này là chuyến tàu thứ 11 của Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, người con ưu tú của đất Quảng Nam, cầm súng đánh giặc từ năm mới lên 13 tuổi. Năm 1970, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

 

Trong dịp kỷ niệm 15 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1990), một hòn đảo được vinh dự mang tên người anh hùng - đảo Phan Vinh. Đảo Phan Vinh trước đây có tên là đảo Hòn Sập nằm ở phía Đông của quần đảo Trường Sa, là một trong những đảo xa nhất cách TP. HCM gần 500 hải lý. Đảo Phan Vinh có 2 điểm đảo A và B cách nhau 3,5 hải lý. Điểm A là đảo nổi, điểm B là đảo chìm. Mặc dù là đảo nhỏ, vị trí đóng quân độc lập xa đất liền, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đi lại khó khăn nhưng cán bộ chiến sĩ nơi đây luôn đoàn kết một lòng để rèn luyện, chiến đấu và trưởng thành về mọi mặt.

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước; đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ ở đảo đã được nâng lên rất nhiều. Đảo Phan Vinh hôm nay cây cối sum xuê và tràn đầy sức sống. Phát huy truyền thống của người Thuyền trưởng Phan Vinh anh hùng; cán bộ chiến sĩ đóng quân ở đảo đang ngày đêm vượt qua sóng gió, vững chắc tay súng bảo vệ sự bình yên của biển đảo nơi đây!

Trương Công Pháp
 

Có thể bạn quan tâm