Kinh tế

Nông nghiệp

Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến: Đầu tư phát triển sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên cơ sở nguồn nguyên liệu sẵn có, Hợp tác xã (HTX) Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến (xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai) đã đầu tư chế biến thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Những sản phẩm này đã được thị trường đón nhận tích cực, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên HTX và người dân trên địa bàn.

Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến th­ường xuyên tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại. Ảnh: N.D



Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến được thành lập năm 1998, chuyên cung cấp các dịch vụ nông-lâm nghiệp, tiêu thụ sản phẩm thô cho thành viên và người dân trên địa bàn các xã: Ayun, Đak Jơ Ta. Từ năm 2016, HTX chính thức chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 để mở rộng hoạt động dịch vụ nông-lâm nghiệp, xây dựng, khai thác khoáng sản… Khi huyện Mang Yang triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX đã lựa chọn nguồn nguyên liệu măng le của địa phương để chế biến thành sản phẩm đặc trưng. Bởi lẽ, nơi đây có nguồn nguyên liệu măng le dồi dào được đồng bào Bahnar khai thác vào mùa mưa. Để có nguồn nguyên liệu chế biến ổn định, hàng ngày, các thành viên HTX chia thành các tổ, nhóm liên kết với người dân tại 3 làng: Plei Bông, Đê Kjiêng (xã Ayun) và Bông Bim (xã Đak Jơ Ta) tổ chức thu mua đem về luộc, bóc tách, ép, sấy khô… Sau đó, HTX tiến hành đóng gói thành phẩm có nhãn mác, bao bì, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo chất lượng trước khi cung cấp ra thị trường. Điều đáng mừng là năm 2019, sản phẩm măng le sấy khô của HTX được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chứng nhận đạt 3 sao. Đây là tiền đề quan trọng để HTX tiếp tục đầu tư chế biến, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm này.

Bà Phan Thị Lệ Hương-thành viên HTX-cho biết: “Trước đây, vào mùa mưa, bà con đi làm rẫy kết hợp hái măng le về bán thô nên giá trị kinh tế không cao. Năm 2019, HTX đã tổ chức thu mua cho bà con theo giá thị trường để về chế biến thành sản phẩm đặc trưng. Cách làm này vừa giúp người dân có nguồn thu nhập, còn HTX có nguồn nguyên liệu ổn định để chế biến”.

Hiện nay, HTX Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến đang tiếp tục lựa chọn sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Theo đó, HTX đăng ký 2 sản phẩm mới gồm: tinh dầu màng tang nguyên chất và muối sả. Hiện HTX đang xây dựng vùng nguyên liệu cũng như đầu tư trang-thiết bị, máy móc đáp ứng nhu cầu chế biến trong thời gian tới. Việc chiết xuất tinh dầu màng tang nguyên chất nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Trường Đại học Nông Lâm Huế. Năm 2019, HTX đã đưa ra thị trường 750 lọ tinh dầu màng tang với giá 50 ngàn đồng/lọ, thu về trên 37 triệu đồng. Việc chiết xuất tinh dầu là một trong những giải pháp nâng cao giá trị của loại cây dược liệu được trồng trên địa bàn.

Ông Võ Hồng Thái (thôn 3, xã Đak Jơ Ta) cho biết: “Gia đình tôi trồng 2 sào sả để cung cấp nguyên liệu cho HTX chế biến muối sả. Bên cạnh đó, tôi cũng đã đăng ký với HTX để được hỗ trợ giống cây màng tang trồng thêm trong thời gian tới. Hiện tại, gia đình đang chờ thời tiết thuận lợi để xuống giống”.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Ngọc Thúc-Giám đốc HTX Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến-cho hay: “Sau khi sản phẩm măng le sấy khô đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, HTX tiếp tục đầu tư nâng cấp xây lò sấy bằng công nghệ mới để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu sả 8 ha ở 2 xã Ayun và Đak Jơ Ta, trồng mới khoảng 2 ha cây màng tang để chế biến sản phẩm tinh dầu màng tang nguyên chất tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Trước mắt, nguồn nguyên liệu còn ít, HTX thu mua về chế biến với hình thức thủ công nhỏ để người dân học tập. Sau khi vùng nguyên liệu ổn định, HTX sẽ hướng dẫn người dân chế biến thô bằng các máy chiết xuất tinh dầu mi ni rồi bán cho HTX tinh chế, đóng chai tiêu thụ… giúp người dân và các hộ thành viên tăng thu nhập từ cây dược liệu màng tang”.

 

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm