Kinh tế

Nông nghiệp

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong: Hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con nông dân triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C. Không những giúp các vườn cà phê ổn định năng suất, nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích, HTX còn liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Thu hút nhiều nông dân tham gia
Chị Đào Thị Nguyệt (thôn 3, xã Đak Krong) cho hay: Gia đình chị có 1,2 ha cà phê, mỗi năm thu hoạch khoảng 3 tấn cà phê nhân. Do đất đai bạc màu lại không nắm vững kỹ thuật chăm sóc và thiếu phân bón nên vườn cà phê phát triển không đồng đều, năng suất thấp.
Từ khi tham gia mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, chị được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư chăm sóc, cải tạo đất. Nhờ đó, vườn cà phê phát triển tốt. Dự kiến, trong niên vụ cà phê năm nay, sản lượng đạt 5 tấn cà phê nhân/ha. Được đảm bảo đầu ra sau thu hoạch, giá thu mua cao hơn so với trước kia khoảng 2 triệu đồng/tấn nên chị yên tâm canh tác.
Niên vụ cà phê 2020-2021, anh A Nưk (làng Đak Mong) đưa 6 ha cà phê vào sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn, anh Nưk dự tính, mỗi ha sẽ thu được 5 tấn cà phê nhân. Theo anh Nưk, trước đây, anh thường mua thuốc diệt cỏ về phun theo lịch trình 3-4 tháng/lần. Nhưng khi tham gia mô hình sản xuất cà phê sạch, anh không sử dụng thuốc diệt cỏ nữa, mà mỗi tháng, phát cỏ 2 lần. Nhờ nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, vườn cây phát triển ổn định hơn, năng suất theo đó cũng tăng lên. Thấy vậy, các hộ trong làng cũng học theo cách làm này.  
Anh A Nưk bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Hà Phương
Theo ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc HTX: Hoạt động chủ yếu của HTX là mua bán, ký gửi và chế biến cà phê nhân cho người dân. Thành lập tháng 9-2018 với 13 thành viên nhưng đến nay HTX đã thu hút được 185 thành viên (trong đó có 64 hộ đồng bào dân tộc thiểu số), với diện tích vùng nguyên liệu hơn 320 ha. “Nếu ký gửi cà phê ở các đại lý khác, người dân chốt giá bán thì hơn 1 tuần hoặc lâu hơn mới lấy được tiền. Tuy nhiên, với HTX thì chỉ cần 1 ngày, thậm chí chúng tôi còn đến tận nhà trao tiền cho người dân”-ông Dương nói.
Thay đổi tư duy sản xuất
Giám đốc HTX Trịnh Khắc Dương cho hay: Để tránh bị thương lái ép giá, HTX đã đầu tư hơn 400 triệu đồng mua máy chế biến cà phê nhân; thu mua cà phê của người dân tại vườn và hỗ trợ vận chuyển. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX đã thu mua trên 1.000 tấn cà phê tươi.
Năm 2020, đơn vị ký hợp đồng với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tiêu thụ 500 tấn cà phê nhân. Đồng thời, HTX phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hướng dẫn bà con nông dân áp dụng quy trình sản xuất cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn 4C, nhằm hướng đến sản xuất bền vững. Qua đó, cây cà phê được nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Điều này càng làm cho người trồng cà phê tại địa phương thêm tin tưởng vào hiệu quả hoạt động của HTX, nhiều hộ tự nguyện đăng ký tham gia.
Ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) bên mô hình vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. Ảnh: Hà Phương
“Mô hình này đã làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, tập trung, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến xuất khẩu. Thông qua HTX, người dân có thể chủ động nâng cao chất lượng cà phê, chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm”-ông Dương cho biết.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-nhận định: Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong huy động được nhiều thành viên tham gia, gắn kết phát triển với mục tiêu tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho những thị trường khó tính. Đồng thời, tạo thói quen cho người dân áp dụng khoa học vào sản xuất, chăm sóc phát triển cà phê theo hướng bền vững.
“Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ HTX phát triển đa ngành nghề với mục tiêu tạo ra những sản phẩm chất lượng, đầu ra ổn định đem lại thu nhập cao cho người dân. Trong đó, chú trọng chế biến sâu tạo ra sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của địa phương, vừa bán vừa hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm đạt chất lượng OCOP, vươn ra thị trường thế giới. Từng bước liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả, phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm; nuôi cá lồng. Đồng thời, định hướng HTX tham gia dự án phát triển du lịch cà phê cảnh quan, quy hoạch làng Đak Mong hướng đến du lịch cộng đồng”-ông Nguyễn Kim Anh thông tin.
MINH NGUYỄN-HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm