Phóng sự - Ký sự

Hun hút giữa mây ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.
Căn phòng chật bưng, chỉ chừng 6m2 nhưng là chỗ ngủ chung cho các giáo viên ở điểm trường Ông Tuấn.

Trong các điểm trường trên non cao ở Nam Trà My, những cái tên như nóc Ông Tuấn, nóc Ông Bình mỗi lần được gọi lên đều khiến người khác cảm giác xa ngái. Không chỉ khó về đường đi, đây là những ngôi làng nằm biệt lập giữa núi rừng. Không internet, không điện thoại, không nước sạch.

Điểm trường giữa non ngàn

Khi lên thăm điểm trường nóc Ông Bình năm 2023 (Trường bán trú xã Trà Dơn), thầy Trương Công Một, lúc đó là hiệu trưởng Trường bán trú tiểu học Trà Dơn đứng chỉ tay lên một mỏm núi giữa lưng chừng mây trắng. Thầy bảo trên đó có một ngôi trường với 3 thầy cô giáo trẻ cùng gần 50 học sinh.

Quyết tâm tới bằng được điểm trường cao nhất Trà Dơn, chúng tôi hẹn thầy Một với ý nghĩ rất đơn giản: thầy cô đi được thì mình cũng đi được.

Mất hơn 2 tiếng đi bộ, chúng tôi mới có thể đặt chân tới điểm trường nóc Ông Tuấn - nơi lơ lửng trong mây trắng mà thầy Một đã nói. Đây là điểm xa nhất trong các điểm nằm rải rác thuộc Trường bán trú xã Trà Dơn.

Nóc ông Tuấn nhìn từ đỉnh núi đầu hướng vào.

Điểm trường chỉ vỏn vẹn chừng 50 học sinh, của 2 trường Mẫu giáo Phong Lan và Trường bán trú xã Trà Dơn. Ba thầy cô giáo ở đây đều rất trẻ, có người chưa lập gia đình, có người vừa mới làm đám cưới xong đã tạm biệt người thương rồi ôm ba lô đi về phía núi.

Cô Hồ Thị Lan (32 tuổi) cùng người đồng nghiệp mới 25 tuổi là Hồ Thị Thiện đứng phụ trách lớp mầm non. Điểm trường này có thầy giáo Hồ Văn Ngọc, 25 tuổi cũng hàng ngày có mặt ở trường để dạy chữ cho con trẻ.

Cô Lan và cô Thiện bảo rằng câu chuyện họ đứng lớp dạy chữ cho trẻ ở điểm trường xa bậc nhất như nóc ông Tuấn không vì đồng lương mà đó như “là duyên, là nghiệp”.

Chỉ có thể là yêu

Mười giờ trưa, tiếng hai cô giáo trẻ gõ thước lộc cộc vào bảng gỗ xen lẫn tiếng ê a đọc chữ của lũ trẻ vang khắp núi rừng. Nhìn những cô cậu học trò đầu tóc cháy nắng, mắt tròn xoe, chân tay được cô giáo chăm chút sạch sẽ ngồi khoanh tròn dưới nền gạch đọc chữ khiến người ở xa mềm lòng.

Cô Hồ Thị Lan cho biết, câu chuyện mình theo nghề dạy học và lên với lũ học trò ở nóc ông Tuấn như một sự sắp đặt. Cô Lan tốt nghiệp cao đẳng sư phạm nhiều năm trước. Giai đoạn đó học sư phạm ra nhiều người không tìm được việc. Cô Lan cũng theo bạn bè xuống TP. Đà Nẵng đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Cô Thiện và cô Lan với lũ học trò địa phương ở điểm trường giữa rừng già.

Cô bảo rằng từ nhỏ đã ao ước một lần trở thành cô giáo, được mặc áo dài cầm thước gõ lộc cộc trên tấm bảng để dạy chữ dưới những ánh mắt to tròn, đen láy. Nhưng ước mơ đó gặp trắc trở bởi tấm bằng cao đẳng không thể đủ để thi biên chế giáo viên.

“Phải đi làm công nhân thấy mình thật sự bế tắc, buồn và thương nghề dạy học đeo đuổi ước mơ mấy năm trời. Năm 2022, mình đang ở Đà Nẵng thì có đồng nghiệp ở Nam Trà My, là bạn của thầy hiệu trưởng gọi điện bảo có lên “Nam” (Nam Trà My) đi dạy không. Lúc đó chẳng kịp nghĩ gì nhiều, mình gật đầu ngay rồi tức tốc dọn đồ về quê nhà ở Bắc Trà My, hôm sau đón xe chạy thẳng lên trường” - cô Lan nói.

Cô Lan bảo rằng khi được nhà trường phân về dạy ở nóc Ông Tuấn, cô không nghĩ nơi mình “hiện thực ước mơ” nghề giáo lại buồn đến thế. Là người ở núi, quê nhà ở Bắc Trà My, nhưng khi ôm ba lô đi ngược con đường vát dốc dựng đứng 45 độ, mất 2 tiếng để tới nóc Ông Tuấn, đứng nhìn một điểm trường đơn sơ như kho lúa đặt giữa nương rẫy thường thấy của bà con địa phương, cô Lan nói tự dưng thấy bàn chân mình tụt xuống. Chưng hửng.

Quãng thời gian 2 tháng đầu với một người giáo viên lần đầu đứng lớp như cô Lan là điều không dễ dàng. Ở nơi không có sóng điện thoại, không điện lưới, học sinh lầm lụi từ rừng đi ra khiến cô chăm bẵm mệt nhoài từ sáng tới tối. Nhưng điều làm cô khổ tâm nhất là việc ngăn trở từ chồng. Cô Lan cho biết, cô và chồng đều ở Bắc Trà My, cả hai đang có con nhỏ nên khi nghe cô vào núi dạy học, cũng vì lo cho vợ nên người chồng cô tìm cách ngăn cản.

Để chồng thấu hiểu nơi vợ mình đứng lớp, cô Lan có lần rủ được chồng vào điểm trường. Khi đi sau lưng vợ để vào nóc Ông Tuấn, thấy mọi thứ quá khó khăn thì chồng cô Lan bỗng bật khóc. “Từ đó trở đi ổng không bao giờ trách cứ vì sao gọi điện thoại cho vợ cả tuần không được, con đau con ốm bực dọc phải một mình cáng đáng công việc mà không người vợ đỡ đần” - cô Lan kể.

Ở nơi khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng chúng tôi chùng lòng khi nghe đồng lương mà các thầy cô giáo ở đây được trả. Vì chưa đủ chuẩn để dự thi viên chức giáo dục nên họ phải mang thân phận là giáo viên hợp đồng, công việc trách nhiệm không khác những người trong biên chế nhưng lương mỗi tháng chỉ 4-6 triệu đồng. Để bám trụ với nghề dạy học, các thầy cô giáo phải lên thực đơn hàng tuần với “món chính” là cá khô, nước mắm, thịt kho rim mặn và rau xanh được bà con địa phương hái đem cho.

“Cả ba chị em ở trường góp lại mỗi tháng người 700 nghìn đồng để mua thức ăn. Đầu tuần xuống núi thì tranh thủ mua bỏ vào túi cõng lên. Do trên núi thời tiết lạnh quanh năm nên đồ ăn giữ được lâu. Cứ ăn uống tạm bợ, qua ngày như vậy thì mới đủ xoay xở với lương” – thầy Hồ Văn Ngọc, nói.

Tin ở ngày mai

Theo thống kê của Phòng Giáo dục huyện Nam Trà My, hiện toàn huyện có hàng trăm điểm trường lẻ nằm rải rác ở các xã. Nhiều nhất là Trà Dơn, Trà Vinh, Trà Tập… Một trong những vấn đề đau đầu nhất là dù có nhu cầu nhưng không thể tuyển đủ biên chế giáo viên. Trong khi đó hàng trăm giáo viên, phần lớn là người trẻ vẫn phải đứng lớp ở những nơi tách biệt, khó khăn với suất dạy học hợp đồng.

Các thầy cô giáo chăm lo cho học sinh vùng cao.

Thầy giáo Hồ Văn Ngọc, đứng lớp ở điểm trường nóc Ông Tuấn nói rằng thầy tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Quảng Nam. Dù có nhiều đợt thi biên chế nhưng do chưa có bằng đại học nên thầy vẫn phải đứng lớp với đồng lương loanh quanh 5 triệu đồng. Thầy Ngọc nói, nếu không có tình yêu với nghề dạy học, những niềm hy vọng cho tương lai thì không ai đủ kiên nhẫn để làm thầy cô giáo ở những nơi heo hút, tách biệt.

“Giờ lương 5 triệu đồng thì không cần đi dạy học mà ở thành phố cũng đủ thứ việc để làm, thu nhập lại gấp 2-3 lần. Nhưng đây là nghề tôi đã chọn, tôi dành mỗi tháng 2 triệu đồng để đóng học phí, cuối tuần lại xuống núi để chạy xe về TP. Tam Kỳ học đại học. Khi có bằng thì sẽ thi biên chế, lúc đó mọi thứ sẽ rõ ràng hơn” - thầy Ngọc nói.

Cô Hồ Thị Thiện, giáo viên ở điểm trường Ông Tuấn cũng nói rằng dù khó khăn, gian nan đủ đường nhưng vẫn luôn tin vào một ngày mình sẽ trở thành giáo viên trong biên chế của ngành giáo dục. Ngoài thời gian “mất tích”, không thể liên lạc được với gia đình khi vào núi dạy học, cuối tuần cô lại trở ra và dành thời gian để theo học lớp đại học, phấn đấu đủ chuẩn để thi biên chế.

Ghi chép NGUYỄN TRÍ THÀNH (baoquangnam.vn)

Có thể bạn quan tâm