(GLO)- Bao nhiêu năm tôi thuộc làu đường đi mà Trương Hán Siêu-từ thế kỷ XIV-đã chỉ dẫn trong Bạch Đằng Giang phú: “Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều/Đến sông Bạch Đằng thuyền bơi một chiều”. Nhưng đấy là đi đường thủy, còn tôi đến Bạch Đằng Giang bằng đường bộ.
Từ trung tâm TP. Hải Phòng đến đấy chỉ chừng 20 km, thuộc địa phận thôn Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên. Sông Bạch Đằng là ranh giới tự nhiên giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, dài khoảng 32 km nhưng rộng lớn mênh mông, sóng kình muôn dặm. Cách Hạ Long không xa nên cấu hình địa lý ở đây có những nét tương đồng. Dãy núi đá vôi Tràng Kênh tạo vẻ hùng vĩ cho khung cảnh, hẳn là hình ảnh “Ngạc chặt kình băm non lởm chởm” trong bài thơ Bạch Đằng hải khẩu của Nguyễn Trãi.
Trước di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: T.L.H |
Theo người địa phương, xa xưa sông có tên Vân Cừ nhưng dân gian vẫn gọi nó là Sông Rừng; vì bên bờ sông có nhiều cổ thụ và mặt sông thường có sóng bạc đầu nên còn có tên chữ là Bạch Đằng Giang. Bến phà khởi đầu sông Bạch Đằng vẫn còn tên gọi phà Rừng. Chỉ cần đừng quên vài bài học ngữ văn và lịch sử phổ thông cũng biết rằng đây là nơi ghi dấu những chiến công lẫy lừng thuở cha ông giữ nước:
Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.
(Bạch Đằng Giang phú-Trương Hán Siêu)
Thật ra trên sông Bạch Đằng đã diễn ra 3 trận thủy chiến. Lần thứ nhất năm 938, Ngô Quyền đánh tan 2 vạn quân Nam Hán do Hoằng Thao chỉ huy. Sau trận này, Ngô Quyền xưng vương, tái lập Nhà nước của người Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ sau ngàn năm Bắc thuộc. Lần thứ 2 năm 981, Lê Hoàn đánh tan quân Tống. Hầu Nhân Bảo-thống lĩnh đạo quân phương Bắc-đã bỏ mạng trong cuộc giao tranh trên sông nước Bạch Đằng. Chiến công này làm cho tên tuổi Hoàng đế Lê Đại Hành thêm lừng lẫy. Lần thứ 3 năm 1288, chiến thắng Bạch Đằng gắn với Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Sau cuộc đụng độ mất đến 400 chiếc thuyền, vỡ trận đạo quân 5 vạn lính, tướng Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ bị bắt, quân Mông Nguyên vĩnh viễn từ bỏ mộng xâm lăng Đại Việt.
Từ lâu ở đây đã có miếu thờ vong linh những người chiến đấu và hy sinh trên sông Bạch Đằng, được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử năm 1962. Gần đây, một doanh nghiệp đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm tôn tạo, nâng cấp thành một quần thể danh lam thắng cảnh lịch sử-tâm linh.
Hôm nay, đến với khu di tích Bạch Đằng Giang, ta có thể ngắm nhìn những chiếc cọc gỗ lim còn sót lại từ các trận đánh năm xưa trưng bày tại bảo tàng, được ngắm nhìn bãi cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn phục chế đủ giúp ta hình dung thế trận, ngắm nhìn một vùng sông bãi với “Bờ lau san sát bến lách đìu hiu”, nghe trong không gian như vẳng tiếng gươm giáo, tiếng quân reo. Tượng đồng tạc các bậc anh hùng Lê Đại Hành, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo cao 11 m sát ngay bờ sông bên bãi cọc, thần thái uy nghiêm mà khoan hòa. Đền thờ các vị cũng được đặt lần lượt từ cổng vào, cùng với đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo thành tứ linh từ của di tích. Là khu di tích lịch sử-tâm linh nên nơi đây còn có đền thờ Thánh Mẫu và ngôi chùa xây trên núi Tràng Kênh phỏng theo dáng vẻ chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh), tất cả các kiến trúc đều mang vẻ đẹp thuần Việt. Xen giữa các đền miếu là cây xanh tỏa bóng, có rất nhiều cây cảnh đẹp gắn bảng đề tên các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà sử học. Không gian không chỉ có mùi trầm thoang thoảng mà còn có mùi hoa hồng, hoa mộc hương vừa thanh cao sang trọng vừa giản dị lạ lùng.
Thăm Bạch Đằng Giang, du khách không phải mua vé vào cổng, không mất tiền giữ xe; trong và ngoài khu di tích không có rác thải và không quán hàng buôn bán, thậm chí còn có nước uống và người dọn dẹp khu vệ sinh miễn phí. Người địa phương tự quản khu di tích không nhận thù lao, coi như một cách làm công đức và họ rất tự hào về điều đó.
Hôm tôi đến, mưa phùn gió bấc và cái rét 12 độ xứ Bắc không phải là thời tiết lý tưởng cho một cuộc tham quan, nhưng vẫn có rất đông du khách. Nguyên một trường cấp III vừa thi học kỳ xong, thầy trò làm chuyến hành hương tìm về nguồn cội. Các em thành tâm thi lễ, lịch sự chụp ảnh lưu niệm trước các đền thờ và tượng đài, chăm chú xem bản đồ các trận đánh. Không biết có bao nhiêu em hiểu được câu của Thái học sinh (tương đương tiến sĩ) Phạm Sư Mạnh thời Trần ghi trên trụ đá ngay cổng bước vào: Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu (Khí thiêng sông núi thu lại ở Bạch Đằng), nhưng tôi nghĩ chắc các em cũng như tôi, một lần đến nơi này là một lần cảm nhận hồn đất nước và thấm thía sâu xa ân đức các bậc tiền nhân.
Trương Lệ Hằng