Thời sự - Sự kiện

Hungary bị Tòa công lý châu Âu phạt 200 triệu euro vì vi phạm luật tỵ nạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tòa Công lý châu Âu ngày 13/6 đã phạt Hungary 200 triệu euro vì không thực thi luật tị nạn của EU. Budapest ngay lập tức chỉ trích thông báo trên là "không thể chấp nhận được".
Ông Viktor Orban (phải) hội đàm với Tổng thư ký NATO Stoltenberg ngày 12/6. Ảnh: AP

Ông Viktor Orban (phải) hội đàm với Tổng thư ký NATO Stoltenberg ngày 12/6. Ảnh: AP

Theo Tòa Công lý châu Âu (ECJ) Hungary "đang cố tình trốn tránh" tuân thủ luật pháp Liên minh châu Âu (EU), không thực hiện phán quyết của tòa năm 2020. ECJ yêu cầu Budapest đảm bảo quyền của người xin tị nạn theo quy định của khối cũng như quốc tế.

"Việc không tuân thủ nghĩa vụ này cấu thành hành vi vi phạm luật pháp EU nghiêm trọng chưa từng thấy, do đó, tòa yêu cầu Hungary nộp 200 triệu euro (216 triệu USD) và phạt thêm một triệu euro cho mỗi ngày chậm thực hiện", theo thông báo từ ECJ.

"ECJ phạt Hungary 200 triệu euro cộng thêm một triệu euro mỗi ngày vì bảo vệ biên giới EU là thái quá và không thể chấp nhận được", Thủ tướng Hungary Viktor Orban bày tỏ sự giận dữ trên X. "Dường như các quan chức ở Brussels coi người nhập cư trái phép quan trọng hơn công dân của họ".

Luật pháp EU và quốc tế cho phép người xin tị nạn có thể ở lại Hungary trong thời gian chờ kết quả kháng cáo quyết định từ chối chấp nhận tị nạn của nước sở tại nhưng chính quyền ông Orban phản đối điều này.

ECJ tháng 12/2020 yêu cầu Hungary phải tuân thủ luật pháp EU và quốc tế, nhưng Budapest phớt lờ. Ủy ban châu Âu sau đó đệ đơn kiện, đề nghị ECJ phạt Hungary vì "làm xói mòn nghiêm trọng nguyên tắc đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm công bằng giữa các thành viên liên minh".

Giống như Ba Lan và Cộng hòa Czech, Hungary còn bị các tòa án ở EU chỉ trích do không chấp nhận hạn ngạch người tị nạn được phân bổ theo chương trình triển khai năm 2015 của liên minh.

27 thành viên EU đang có hạn chót là tháng 12 để trình kế hoạch của từng nước liên quan việc thực thi quy định mới với người xin tị nạn, dự kiến áp dụng từ năm 2026.

Theo quy định mới, việc sàng lọc người xin tị nạn được siết chặt, nhanh chóng trục xuất người không đủ điều kiện, lập trung tâm dành cho họ ở biên giới trong thời gian chờ giới chức duyệt đơn. Các thành viên EU phải tiếp nhận hàng nghìn người xin tị nạn ở những nước như Italy, Hy Lạp hoặc hỗ trợ tài chính, nguồn lực cho họ.

Có thể bạn quan tâm