Đồng chè của Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh |
Trong cơn sốt lập đồn điền của tư sản Pháp những năm đầu thế kỷ XX, cao nguyên Gia Lai có 3 đồn điền được thành lập. Sở chè Bàu Cạn được hình thành sau đồn điền chè Kon Tum (vùng Đak Đoa ngày nay) và đồn điền chè Biển Hồ nhưng lại phát triển mạnh và làm ăn phát đạt hơn cả. Riêng đồn điền chè Đak Đoa thất bại nên ít được nhắc tên.
Hộp chè thời Pháp (ảnh Nguyễn Quang Hiền sưu tầm). |
Qua những hình ảnh, tư liệu mà ông Nguyễn Quang Hiền (03 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) sưu tầm được về sở chè Bàu Cạn nhiều năm qua, người Pháp có những chiến dịch quảng cáo rầm rộ để đưa chè Bàu Cạn ra thế giới, đặc biệt là tại chính quốc.
Xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo là hình vẽ một phụ nữ bản địa lưng đeo gùi, tay hái chè, một bên địu con, miệng ngậm tẩu. Trên đôi tay đang hái chè là bộ trang sức gồm nhiều chiếc vòng đồng đeo đến gần khuỷu tay. Ngoài ra, để giữ mùi hương và chống mốc khi đưa chè từ vùng nhiệt đới về xứ lạnh, các sản phẩm chè được đóng gói trong giấy bạc và đựng trong hộp thiếc. Trên thân hộp vẽ hình ảnh người đàn ông đóng khố, đeo gùi hái chè.
Dù thể hiện rõ bản chất thực dân, nhưng người Pháp vẫn dành sự tôn trọng văn hóa nước thuộc địa. Hình ảnh sử dụng để quảng cáo hay trên bao bì sản phẩm đều khái quát những đặc trưng văn hóa của người bản địa Tây Nguyên.
Ông Hiền cho biết thêm, cùng với chính sách miễn thuế, chè Bàu Cạn đã tấn công thị trường chính quốc và chiếm đến 99% thị trường chè trong những năm đầu thế kỷ XX. Hương chè Bàu Cạn còn lấn sân sang thị trường Anh quốc và được giới quý tộc rất yêu thích, nhất là loại chè đen.
Bản đồ quy hoạch sở chè Bàu Cạn có từ thời Pháp hiện vẫn được lưu giữ. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Bản đồ lưu giữ tại trụ sở Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn hiện nay cho thấy, dù đã hàng trăm năm nhưng nhìn cách phân khu quy hoạch của người Pháp vẫn rất khoa học, từ khu vực đồn điền, khu dân cư, trường học đến sân bay, hệ thống nước sinh hoạt, tưới tiêu…
Đáng nói là trước năm 1961 khi chưa có Sân bay Cù Hanh (Sân bay Pleiku ngày nay), máy bay muốn hạ cánh xuống Pleiku đều phải đáp nhờ xuống sân bay ở đồn điền chè này. Do đó, trong ngót 1 thế kỷ hình thành, từ đồn điền chè Bàu Cạn nhìn về sự phát triển của đô thị Pleiku (hình thành tháng 12-1929) có những tương quan thú vị.
Công nhân thu hoạch chè. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ông Nguyễn Ngọc Minh-Trưởng phòng Kế hoạch-Nông nghiệp (Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn) cho biết: Ngành du lịch tỉnh đã khảo sát khu vực trồng chè và cơ sở vật chất của nhà máy để tìm hướng phát triển ngành “công nghiệp không khói” và làm tăng giá trị cho cây chè.
“Mùa hái chè cao điểm là từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Mùa này thời tiết mát mẻ, cũng là mùa loài hoa a sia (hay còn gọi là hoa muồng vàng) nở rộ, điểm tô sắc vàng cho những ruộng chè xanh trải dài bát ngát. Bên cạnh đó, xung quanh khu vực trồng chè hiện có 5 hồ nước tạo nên cảnh quan thiên nhiên và điều hòa khí hậu lý tưởng.
Cây chè sau đó sẽ được cho ngủ đông, chỉ hái tạo tán và chăm sóc. Mùa khô là mùa cao điểm của du lịch nhưng lại nghịch với mùa hái chè. Do đó, để tạo tour du lịch chè thì cần tính toán làm sao để du khách có thể đến trải nghiệm việc thu hái, đưa vào nhà máy chế biến, tham quan các công đoạn cho đến khi ra thành phẩm, cuối cùng là thưởng thức các loại trà tại nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Công ty”-ông Minh nói.
Những cây hoa asia đồng loạt khoe sắc vào tháng 10, 11 hàng năm tạo cho vùng trồng chè cảnh sắc rực rỡ, thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Du lịch đồn điền là loại hình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới và đang trở thành xu hướng ở các quốc gia nông nghiệp phát triển.
“Ở Israel, nơi có các mô hình nông nghiệp trên sa mạc khô cằn, người ta khai thác du lịch dựa trên những gì sẵn có. Ở đây, ngành công nghiệp dịch vụ còn mang lại lợi nhuận cao hơn chính các sản phẩm nông nghiệp. Với các đồn điền chè xanh rộng hàng trăm héc ta, chúng ta có thể khai thác dịch vụ du lịch mang lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần công nghiệp chế biến nếu có mô hình phù hợp”-chị Trần Thị Thúy An (người Gia Lai, sinh viên năm cuối Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ sau 1,5 năm là thực tập sinh tại đất nước Israel.
Chị An cũng cho rằng, cần tạo thêm nhiều sản phẩm từ cây chè để du khách có nhiều lựa chọn bởi không phải ai cũng thích uống trà và là “tín đồ” của trà đạo.