Hướng dẫn viên cộng đồng: Kết nối, hỗ trợ người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 4 năm qua, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng sâu bằng việc hình thành các nhóm cải thiện sinh kế. Trong sự thành công này phải kể đến vai trò gắn kết giữa hướng dẫn viên cộng đồng (CF) với người hưởng lợi.

Nhiệm vụ của cán bộ CF là hướng dẫn, giúp ý tưởng đề xuất của người hưởng lợi được thực hiện thành công. Nói thì dễ nhưng bắt tay thực hiện mới thấy khó. Nhờ có cán bộ CF gương mẫu đi đầu hướng dẫn người hưởng lợi thực hiện, sau 4 năm, dự án đã triển khai được 600 nhóm cải thiện sinh kế giúp hàng chục ngàn lượt người dân vùng sâu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả.

 

Cán bộ CF và người hưởng lợi bên vườn cây sa nhân tím 2 năm tuổi. Ảnh: Đ.Y
Cán bộ CF và người hưởng lợi bên vườn cây sa nhân tím 2 năm tuổi. Ảnh: Đ.Y

Mới đây, chúng tôi theo chân 2 cán bộ CF xã Đak Rong (huyện Kbang) là anh Hà Văn Phúc và Nguyễn Quốc Sử đi thực tế tại một số nhóm cải thiện sinh kế trồng lúa (làng Kon Lok 1, Kon Von 2 và Kon Lanh), trồng sa nhân tím (làng Hà Đừng 2), trồng bắp (làng Đak Rong), trồng đậu cô ve (làng Kon Lóc 2 và Đak Chua). Đi đến đâu người dân cũng niềm nở đón tiếp cán bộ CF như người trong nhà. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Nguyễn Quốc Sử giải thích: “Đó là kết quả của một quá trình gắn kết mới có được. Người Bahnar thường ngại tiếp xúc với người lạ. Nhưng nếu mình gần gũi, gắn bó giúp bà con, họ tin sẽ quý mình và làm việc gì cũng thuận lợi”.

Ông Đinh Văn Thứt-Trưởng nhóm trồng sa nhân tím làng Hà Đừng 2, cho biết: “Trong quá trình triển khai, nhóm được cán bộ CF giúp tìm hiểu giá cả vật tư đầu vào, hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực cho bà con. Khi bà con làm ra sản phẩm thì cán bộ CF hỗ trợ tìm nơi tiêu thụ. Mình tin tưởng cán bộ CF vì họ luôn gần gũi, gắn bó với người dân Hà Đừng 2 để triển khai dự án, tìm giống cây sa nhân tím trồng trên đất bạc màu mang lại hiệu quả. Đó là thành công mà những người nghèo nơi đây chắc chẳng bao giờ đạt được nếu không có sự hỗ trợ của cán bộ CF”.

Nói vừa dứt câu, ông Thứt chỉ tay vào những cây sa nhân tím 2 năm tuổi và cho biết, khoảng 1 năm nữa, chúng sẽ cho thu hoạch quả. Khi ấy, bà con nơi đây có thêm nguồn thu nhập đáng kể, tương lai chắc sẽ không còn nghèo như bây giờ. Hiện nay, trung bình 1 kg sa nhân tím được thương lái mua tại làng với giá 18.000-20.000 đồng. 1 ha năm đầu cho thu bói khoảng 1,5-2 tấn quả tươi; những năm tiếp theo, sa nhân tím cho năng suất cao hơn. Quả sa nhân tím dùng để làm dược liệu, vì thế, nhu cầu trên thị trường rất lớn. Theo đề xuất của bà con, từ năm 2016 đến nay, dự án đã hỗ trợ cho 67 thành viên là hộ nghèo ở làng Hà Đừng 2 thực hiện 4 nhóm cải thiện sinh kế trồng sa nhân tím với tổng số tiền hỗ trợ trên 80 triệu đồng. “Đến nay, vườn sa nhân tím phát triển rất tốt. Người dân nơi đây không nghĩ đất ven rừng bạc màu này lại hợp với cây sa nhân tím đến vậy”-ông Thứt vui vẻ kể.

Tương tự, bà con các làng: Hà Lâm, Hà Nừng, Srắt và thôn 3 (xã Sơn Lang, huyện Kbang) vui mừng khi được dự án hỗ trợ nuôi heo đen. Chị Tăng Tuyết Mai-cán bộ CF xã Sơn Lang, cho biết: “Giống heo đen mà bà con đề xuất dự án hỗ trợ khác với giống heo địa phương trước đây. Giống heo này có ưu điểm lớn nhanh, ít bị dịch bệnh. Khi trao heo giống cho bà con, họ còn bỡ ngỡ dù trước đó đã được tập huấn cách nuôi, chăm sóc, hỗ trợ vật liệu làm chuồng. Vì vậy, mỗi ngày tôi đều xuống làng để hướng dẫn bà con cách chăm sóc, nhiều khi là “cầm tay chỉ việc”cho đến khi thuần thục tôi mới yên tâm”.

Ông Nguyễn Hữu Thuật-Trưởng thôn, kiêm trưởng nhóm nuôi heo đen thôn 3, kể: “Từ đề xuất của 15 hộ nghèo thôn 3, giữa tháng 7-2017, dự án đã hỗ trợ cho mỗi hộ 5 con heo (2 heo đực, 3 heo cái) từ 12 kg trở lên, cùng với gạch, xi măng, tôn để làm chuồng và thức ăn ban đầu cho heo. Nếu không có sự nhiệt tình của cán bộ CF, Ban Phát triển xã, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Kbang thì bà con chưa nuôi được giống heo đen này. Sau 4 tháng, heo nái đã đẻ con. Đến thời điểm này, có hộ đã nhân lên gấp đôi số heo hỗ trợ ban đầu. Riêng hộ ông Nguyễn Hữu Nhiên phát triển được đàn heo lên 20 con, trong đó nhân được thêm 2 heo nái”.   

Có được kết quả trên là nhờ sự gắn kết chặt chẽ giữa cán bộ CF và các nhóm cải thiện sinh kế. Qua đó chứng minh hướng đi đúng đắn của Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai. Đến nay, dự án đã xây dựng đội ngũ cán bộ CF gồm 27 người, hoạt động ở 25 xã thuộc 5 huyện: Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Ia Pa và Mang Yang. Đây là những người vừa có kiến thức chuyên môn vừa tâm huyết, là cầu nối hiệu quả giữa dự án với người dân trong vùng hưởng lợi. “Sự gắn kết giữa cán bộ dự án CF với người nghèo góp phần xóa bỏ sự hạn chế về tập quán sản xuất, chăn nuôi trong đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, biết tính toán, nêu cao ý thức vươn lên thoát nghèo”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh.

Hoài Hương

Có thể bạn quan tâm