Hướng đến mức lương tối thiểu chung cho cả xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 17-5, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Chính sách tiền lương: Thực trạng và các giải pháp cải cách".

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra chủ trương cải cách chính sách tiền lương. Một trong những quan điểm quan trọng được nêu ra là: Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Mục tiêu của cải cách tiền lương là phải tiến tới đảm bảo cho người lao động sống được bằng tiền lương và tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình.

 

 

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ: nhìn lại chính sách tiền lương cho thấy nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước cũng như nhu cầu của người lao động. Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 3 sắp tới sẽ thể chế hóa quan điểm của Đảng về tiền lương là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Theo bà Trương Thị Mai, chính sách tiền lương hiện hành cho thấy có sự bất cập khi chúng ta thực hiện hai loại lương tối thiểu khác nhau ở khu vực Nhà nước và khu vực doanh nghiệp, tạo ra sự phân chia nhu cầu sống tối thiểu của người lao động khác với cán bộ, công chức Nhà nước. Điều này chưa phù hợp với các nguyên tắc xây dựng tiền lương tối thiểu.

Vì vậy, trong các các giải pháp cải cách tiền lương phải hướng đến một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố hoặc chỉ có lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp làm cơ sở để người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương. Đối với khu vực Nhà nước, xây dựng mức tiền lương cơ bản tương ứng mức lương trung bình khá trong xã hội để trả cho cán bộ công chức-loại lao động công vụ, lao động đặc thù thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.

Để cập tới chính sách tiền lương đối với người lao động trong các doanh nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hoàng Minh Hào đánh giá rằng thang lương, bảng lương đối với doanh nghiệp Nhà nước chưa trở thành thước đo để trả lương mà chủ yếu dùng để đóng hưởng bảo hiểm xã hội.

Nêu quan điểm tiếp tục coi tiền lương là giá cả sức lao động, được xác định theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương Hoàng Minh Hào nhấn mạnh xuất phát từ chức năng của tiền lương tối thiểu là bảo vệ người lao động, chống bóc lột sức lao động thì mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Theo đó, phương pháp xác định phải dựa vào nhu cầu tối thiểu của người lao động (có nuôi con) là chủ đạo và có tham chiếu đến các điều kiện khả năng của nền kinh tế, khả năng chi trả của doanh nghiệp, mức tiền công trên thị trường, việc làm, thất nghiệp. Ngoài mức lương tối thiểu theo từng tháng (chia theo vùng, ngành), cần quy định mức lương tối thiểu theo giờ để điều chỉnh đối với trường hợp người lao động làm việc trọng thời gian theo tháng.

Theo Vụ trưởng Vụ tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường mức lương tối thiểu (thấp nhất) của cán bộ, công chức cần và phải không thấp hơn mức lương tối thiểu của người lao động trong doanh nghiệp trên cùng địa bàn. Việc xác định mức lượng tối thiểu (thấp nhất) làm căn cứ xác định các mức lương trong hệ thống ngạch, bậc lương của cán bộ, công chức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến việc bảo đảm tiền lương (gồm cả phụ cấp) của cán bộ, công chức.

Ông Sangheon LEE, Văn phòng Lao động Quốc tế, Geneva, cho rằng tiền lương tối thiểu là hình thức can thiệp trực tiếp nhất, chủ yếu giải quyết trường hợp dễ bị tổn thương nhất. Việc xác định tiền lương tối thiểu hiệu quả đòi hỏi quyết định dựa trên bằng chứng (số liệu và phân tích); cơ chế ba bên; điều chỉnh thường xuyên/định kỳ; thực thi và giám sát.

Ông nhấn mạnh rằng có thể đáp ứng những yêu cầu này thông qua thành lập hội đồng tiền lương ba bên. Cải cách chính sách tiền lương là một trong những thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển, ngân sách dành cho quỹ lương còn hạn chế.

Các ý kiến tại Hội thảo sẽ cung cấp thông tin và bước đầu đề xuất xây dựng các giải pháp cho Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012-2020.

Theo TTXVN
 

Có thể bạn quan tâm