Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 5 năm (2010-2015), Sở Giao thông-Vận tải đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; xây dựng và triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông-vận tải tỉnh đến năm 2020.

Trong 5 năm qua, từ nguồn vốn của Bộ Giao thông-Vận tải và các nguồn xã hội hóa, trục dọc quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc nâng cấp; các quốc lộ 19, 25, 14C và đường Trường Sơn Đông cũng từng bước được đầu tư cải tạo, mở rộng; Cảng Hàng không Pleiku được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp 4C đảm bảo phục vụ các loại máy bay A321, Boeing 747 và tương đương. Ngành đã tiến hành cải tạo nâng cấp và làm mới hơn 1.600 km đường bộ, hơn 2.900 mét dài cầu và ngầm tràn qua suối, trong đó có một số công trình cầu lớn như cầu Phú Cần, cầu qua sông Ba..., với tổng kinh phí thực hiện hơn 2.000 tỷ đồng, góp phần làm cho đời sống vùng nông thôn thay đổi rõ nét.

 

Đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP. Pleiku đi Kon Tum.                                                          Ảnh: M.D
Đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP. Pleiku đi Kon Tum. Ảnh: M.D

Công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng; tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, bảo trì, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hệ thống đường tỉnh thuộc quản lý và quốc lộ được Bộ Giao thông-Vận tải ủy thác quản lý, hạn chế sự xuống cấp, kéo dài thời gian khai thác; triển khai đấu thầu quản lý, sửa chữa thường xuyên các quốc lộ bước đầu đem lại hiệu quả. Công tác tuần tra, thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và công trình giao thông được tăng cường. Ngành Giao thông-Vận tải đã chủ động vật tư dự phòng, đồng thời phối hợp với các địa phương chuẩn bị kế hoạch, phương án phòng-chống bão lũ và khắc phục kịp thời hư hỏng sau mưa lũ, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Lĩnh vực kinh doanh vận tải đã được xã hội hóa 100%, sản lượng vận tải có tốc độ phát triển cao, vượt 6,35% về tấn vận chuyển, 6,76% về hành khách vận chuyển so với chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 của tỉnh. Số lượng phương tiện vận tải tăng cao, chất lượng phương tiện và dịch vụ vận tải được nâng lên; hầu hết các tuyến vận tải có cự ly trên 300 km đều có xe giường nằm thế hệ mới phục vụ, phạm vi hoạt động vận tải mở rộng sang nước bạn Lào và Campuchia; vận tải taxi đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân các đô thị. Các dịch vụ vận tải đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu đa dạng của thị trường, người dân đi lại dễ dàng và thuận tiện với nhiều tuyến vận tải đường bộ đi khắp nơi, với nhiều loại ô tô hiện đại, phục vụ nhiều tiện nghi.

Công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe ngày càng chặt chẽ, đi vào nền nếp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học, sát hạch cấp giấy phép lái xe của nhân dân. Xây dựng mới nhiều cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh; cơ sở vật chất được đầu tư phát triển khá; đội ngũ giáo viên dạy lái xe thường xuyên được cập nhật kiến thức, bồi dưỡng về đạo đức, tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng. Đổi mới cách thức giải quyết công việc, triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ đổi giấy phép lái xe tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, tiết kiệm thời gian và chi phí, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.


Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, trật tự, an toàn giao thông đường bộ được chú trọng. Tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ; đưa vào hoạt động Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đạt được một số kết quả nhất định. Công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị, kiểm soát xe chạy “vòng vo”, xe “dù”, bến “cóc” được tăng cường. Tình hình tai nạn giao thông nhiều năm được kéo giảm; một số chủ trương, mô hình vận dụng sáng tạo, phù hợp với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được triển khai có hiệu quả.

Phát huy kết quả đạt được, trong 5 năm tới, ngành Giao thông-Vận tải chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất thu hút mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ đầu tư phát triển giao thông-vận tải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thúc đẩy các vùng kinh tế động lực, các hành lang và vành đai kinh tế của tỉnh, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Ảnh: M.D
Ảnh: M.D

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động của ngành Giao thông-Vận tải thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển các loại hình vận tải, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác dịch vụ trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, bến xe.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Rà soát, điều chỉnh và thực hiện có hiệu quả, hoàn thành đúng lộ trình quy hoạch phát triển giao thông-vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện công khai, minh bạch tất cả các khâu trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn đối với hệ thống đường bộ được giao quản lý. Hướng dẫn các địa phương hoàn thiện, kiên cố hóa các tuyến đường giao thông nông thôn theo nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời cải tạo điểm đen, điểm có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Tăng cường công tác quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo lái xe hạng A1 cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo lái xe mô tô hạng A1 tại các huyện, thị xã.

Phát triển mạnh mẽ các loại hình vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, gắn với tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải, đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu tích hợp từ thiết bị giám sát hành trình. Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phương tiện, mở rộng hoạt động khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, nhất là ở các vùng khó khăn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.


Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về tăng cường phòng-chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, tập trung xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 theo kế hoạch của UBND tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, nhất là trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính.

Tham mưu triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là địa bàn nông thôn. Tham mưu triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nguyễn Hữu Quế

Có thể bạn quan tâm