Kinh tế

Hướng làm giàu mới ở Ia Phang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong những người tiên phong trong việc nuôi chim trĩ (tên đầy đủ là chim trĩ đỏ khoang cổ trắng), ông Nguyễn Văn Châu (55 tuổi, ở thôn Hòa Thành, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) đã nuôi thành công và vươn lên thoát nghèo từ mô hình này. Đây là mô hình mới mà nông dân địa phương có thể tham khảo để phát triển kinh tế gia đình.
 

 Ông Nguyễn Văn Châu. Ảnh: Phan Lài
Ông Nguyễn Văn Châu. Ảnh: Phan Lài

Vốn là người yêu thích chăn nuôi, cuối năm 2012, được một người bạn giới thiệu về cơ sở chăn nuôi chim trĩ có tiếng ở tỉnh Hà Nam, ông Châu đã tìm đến mua 2 bộ chim trĩ (mỗi bộ gồm 1 chim trĩ trống và 3 chim mái) về nuôi. Là mô hình khá mới ở huyện Chư Pưh nên ông Châu phải tự mày mò tìm kiếm tài liệu về kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim trĩ trên internet. Nhờ sự kiên trì học hỏi và niềm đam mê chăn nuôi nên hiện nay, số lượng chim trĩ của ông có đến hàng trăm con.

Việc làm chuồng trại khá đơn giản. Chuồng trại được chia thành từng ô nhỏ, mỗi ô chỉ cần rộng khoảng 3 mét, cao 4 mét; dưới nền chuồng nuôi nên trải một lớp cát khô hoặc trấu, mỗi ô đều có cửa riêng để tiện cho việc chăm sóc và vệ sinh chuồng trại và phải cẩn thận nếu không chim sẽ bay mất. Mỗi ô nên nhốt riêng 1 con trống, 3 con mái để đảm bảo cho việc sinh sản đạt chất lượng tốt. Chim trĩ sinh sản theo mùa, từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch; một con chim trĩ mái mỗi năm đẻ khoảng 80-100 quả trứng. Sau đó, trứng sẽ được đưa vào lò ấp, sau khi nở chim non được đưa vào khu chuồng có bóng điện để đảm bảo nhiệt độ tốt nhất. Thức ăn chủ yếu của chim non giai đoạn 1 tháng tuổi là cám dinh dưỡng. Chim trĩ trưởng thành thì cho ăn thóc, cám bắp và bổ sung khẩu phần ăn khi bắt đầu sinh sản. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim trĩ, ông Châu nói: “Chim trĩ vốn là loài chim hoang dã nên có sức đề kháng tốt. Tuy là loài ít dịch bệnh nhưng trong điều kiện nuôi nhốt cũng cần phải tiêm đủ vắc xin phòng bệnh cho chim khi còn nhỏ. Như vậy, chim sẽ dễ nuôi hơn”.

 

Mỗi chuồng chỉ nên nhốt 1 con trống, 3 con mái để chim sinh sản tốt nhất. Ảnh: Phan Lài
Mỗi chuồng chỉ nên nhốt 1 con trống, 3 con mái để chim sinh sản tốt nhất. Ảnh: Phan Lài

Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại chăn nuôi, ông Châu cho biết thêm: “Trong y học cổ truyền, thịt và trứng chim trĩ có hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao, được sử dụng như một vị thuốc nên thị trường tiêu thụ khá thuận lợi. Với giá bán 30.000-60.000 đồng/trứng chim trĩ; chim non mới nở đến 1 tháng tuổi được bán với giá 100.000 đồng. Mỗi con trống đến khi bán nặng khoảng 1,5-2 kg, con mái khoảng 1,2-1,5 kg, có giá bán từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Cách chăm sóc khá đơn giản, chi phí thức ăn không cao nhưng giá bán trứng, thịt và con giống rất ổn định, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm tôi thu lợi được cả trăm triệu đồng”.

Hiện nay, nuôi chim trĩ ở Ia Phang đang là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã có nhiều người dân trong huyện tới nhà ông Châu học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, trên địa bàn xã Ia Phang đã có hơn 10 gia đình tham gia nuôi chim trĩ với quy mô nhỏ từ 10 đến 15 con giống/hộ. Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông Châu cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích chăn nuôi và tìm thêm thị trường tiêu thụ ở ngoài tỉnh; đồng thời, bà con muốn tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tôi sẽ hướng dẫn và cung cấp tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi nhằm nhân rộng mô hình này cho bà con thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương”.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm