Huyện Chư Prông: Đường vào xã Ia Lâu bị tê liệt từ lâu!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau khi nhận được thông tin của một số người dân ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông phản ánh về tình trạng đường giao thông lầy lội, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, ngay trong sáng 27-8 phóng viên Gia Lai online đã có cuộc tìm hiểu thực tế con đường này.  

Chúng tôi đến Ia Lâu vào một ngày nắng, nhưng đoạn đường từ ngã ba Ia Lâu vào đến trung tâm xã khoảng chừng 20 km, thì đã hơn nửa chặng đường vẫn là những vũng sình lầy lớn. Ngay ở ngã ba Ia Lâu, gần chục xe tải đang nằm chờ xe máy cày chở bắp từ trong xã ra để chuyển đi nơi khác khiến không khí nơi đây như một cái chợ nông sản. Bên cạnh đó, có một số xe là “nạn nhân” của con đường vừa được máy kéo giải thoát cũng đang tu sửa để tiếp tục hành trình về xuôi.

 

Chiếc xe tải vừa được “giải cứu” của anh Trần Phi Hải đang phải sửa chữa. Ảnh: Văn Ngọc
Chiếc xe tải vừa được “giải cứu” của anh Trần Phi Hải đang phải sửa chữa. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Trần Phi Hổ, chủ xe 51E-003.92 than thở: “Xe tôi loại chuyên cứu hộ các xe khác, nhưng lần này vào để kéo một xe bị hư trong đó ra rồi chính mình cũng bị kẹt. Tôi phải thuê chiếc máy xúc kéo ra được tới đây, tuy phải mất cả chục triệu đồng cho 10 km nhưng vẫn thấy nhẹ cả người. “Cày” ở trong đó, xe rã cả rồi, giờ phải tu sửa lại mới dám đi tiếp được”.
 

Chỉ cần vài cơn mưa to con đường đã biến thành những ao bùn gây khó khăn cho người dân đi lại. Ảnh: Văn Ngọc
Chỉ cần vài cơn mưa to con đường đã biến thành những ao bùn gây khó khăn cho người dân đi lại. Ảnh: Văn Ngọc

Nghe theo lời khuyên của một số người có kinh nghiệm, chúng tôi đành gửi xe máy ở ngã ba rồi quá giang xe máy cày để mục sở thị con đường. Con đường lầy lội này khiến mọi sinh hoạt và sản xuất của người dân gần như tê liệt, giao thông đình trệ, học sinh đi lại khó khăn. Anh Trần Văn Lương, người làm nghề lái xe luân chuyển hàng hóa từ xã ra ngã ba Ia Lâu cho hay: “Mùa khô nắng ráo còn đỡ, dù rất bụi bặm nhưng vẫn còn đi được, đến  mùa mưa thì vô cùng khổ ải. Chỉ có máy kéo dùng tời mới thoát được, đi xe máy chỉ dở khóc dở cười thôi”.

Theo ghi nhận của PV, sau mỗi cơn mưa, nước không có lối thoát, mặt đường trở thành bãi bùn lầy nhão nhoét, trơn trượt và ngập đầu gối, có những nơi ngập tới ngang hông. Người đi bộ phải bì bõm lội đường, còn những người đi xe máy phải lần mò tìm đường đi rừng để tránh vũng lầy.

 

Hàng loạt xe chở nông sản thay nhau sa vũng lầy. Ảnh: Văn Ngọc
Hàng loạt xe chở nông sản thay nhau sa vũng lầy. Ảnh: Văn Ngọc

Cứ chốc chốc, đến một vài đoạn là lại có xe Honda bị ngã vào vũng sình hoặc xe chở hàng (xe chở hàng ở đây chủ yếu là loại xe máy cày) cũng chung số phận nằm dưới vũng lầy. Anh Ngân Văn Bằng, một chủ lái xe máy cày nói: “Hai người đi một chuyến đi chở trăm bao bắp thì kiếm được chừng một triệu đồng, nhưng tiền dầu đã năm, sáu trăm ngàn đồng chưa kể việc xe hư hỏng hao mòn thì chẳng ai tính. Ngày nào suôn sẻ thì được một chuyến. Như xe tôi vừa bị lầy lại lủng lốp nằm đây đã hai ngày rồi, giờ đợi sang xe bắp rồi kéo xe ra sửa thôi. Công cán chẳng kiếm được bao nhiêu, nhưng không đi thì bắp bà con trong xã không bán được cũng khổ nên đành gắng thôi”.

Đang vào cao điểm của vụ bắp, nên hàng ngày có trên dưới 100 lượt xe qua lại trên tuyến đường này. Chủ yếu là những chiếc máy cày hoặc công nông độ chế chở từ 5-10 tấn bắp được trang bị dây cáp và tời để kéo xe lúc sa lầy mới có thể lưu thông. Các loại phương tiện khác như xe ô tô khách, xe tải đều ngán ngẩm quay lại, hoặc nếu gan góc đi tiếp thì chắc chắn bị say lầy phải thuê xe kéo.

 

Tuyến đường luôn là nỗi ác mộng cho những người dân đi xe máy khi lọt vào vũng lầy. Ảnh: Văn Ngọc
Tuyến đường luôn là nỗi ác mộng cho những người dân đi xe máy khi lọt vào vũng lầy. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Nguyễn Văn Tâm, chủ xe tải BKS 77H-8060 đang phải thuê xe kéo trợ giúp nói: “Xe của tôi chở dụng cụ và vật tư trồng dưa hấu lên đây nhưng bị mắc kẹt ở đây hai ngày nay rồi. Lần đầu tiên đi nên không biết, chứ nếu biết trước nó nghiệt ngã thế này thì chắc không dám vào đâu. Hai hôm nay chỉ ăn mỳ tôm sống và uống nước suối xin của người qua đường, khổ quá nhưng cũng đâu biết làm sao. Giờ thuê chiếc máy kéo kéo lên chỉ chừng 15 m, phải trả dăm ba triệu đồng cũng xót lắm, nhưng chỉ mong sớm thoát được khỏi chỗ này…”.

Theo những người dân nơi đây cho biết, chỉ cần vài cơn mưa to là con đường đã trở nên lầy lội. Đặc biệt khi vào vụ mùa lưu lượng xe qua lại dày hơn nên con đường đã bị cày nát như hiện tại. Mỗi ngày các lái xe lại phải tự tìm một đoạn đường tránh mới an toàn vì đoạn đường hôm trước đã nhanh chóng biến thành từng cái ao nhỏ. Con đường bùn này đã thành nỗi thống khổ, ám ảnh của người dân trong và ngoài xã mỗi khi có dịp phải đi qua đây. Rất nhiều đoạn đường lầy lội và trơn trượt bị xới nát bởi dấu vết bánh xe trông như một đám ruộng bị cày xới tung lên đến mức ô tô phải dùng xích quấn quanh bánh xe cũng khó lòng đi qua.

 

Gia đình anh Hồ Văn Lợi, người dân thôn Cao Lạng, xã Ia Lâu cho biết: “Nhà tôi có xe máy nhưng cứ đến mùa này thì không dám đi. Các anh muốn đi vào xã thì chịu khó đi bộ rồi quá giang các xe máy cày chở hàng để đi, vì nhiều người đi không quen bị té gãy tay, gãy chân, xe hư hỏng là chuyện cơm bữa”.

Đường vào xã Ia Lâu bắt đầu khởi công từ năm 2008 với nguồn vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng không hiểu vì sao đến bây giờ đường vẫn khó đi, người dân đi lại rất khó khăn, hầu như bị “cô lập” với bên ngoài. Mùa mưa năm trước, Báo Gia Lai cũng đã phản ánh về nỗi khổ của người dân Ia Lâu với con đường này nhưng sau một năm, tình trạng không khá hơn thậm chí còn tệ đi.

Giao thông đi lại khó khăn không chỉ khiến sinh hoạt người dân bị đảo lộn mà việc vận chuyển hàng hóa, thực phẩm bị ảnh hưởng cũng kéo theo giá các mặt hàng leo thang. Không biết đến bao giờ người dân xã Ia Lâu mới thoát khỏi “con đường đau khổ” này?!

Tự Nhân - Văn Ngọc
 

Có thể bạn quan tâm