Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Huyện Đức Cơ: Người dân vẫn hàng ngày đu dây qua sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã hơn một năm nay, hàng trăm hộ nông dân ở đội 15, 17, 18 thuộc Công ty 72, Binh đoàn 15 và người dân ở làng Mook Trang, Mook Trê (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) phải đu dây qua sông mỗi ngày. Gặp chúng tôi, anh Trần Văn Lành, ở đội 15 cho biết: Mùa lũ năm 2013, tại bến này, 1 học sinh lớp 10 ở dốc Chư Bồ và 1 thanh niên ở đội 15 đã bị dòng nước cuốn trôi khi lội qua suối.

Mùa lũ năm 2014, dòng nước dâng cao kéo dài, hàng chục người dân đi làm rẫy bên kia sông phải nhịn đói vì không thể qua lại được. Trước tình hình đó, giữa năm 2014, mọi người dân ở đây đã góp tiền xây dựng cây cầu đu dây này dài hơn 50 mét.

 

Ảnh: Kiều Ngân

Ia Dom là một xã vùng biên giới. Do thiếu đất sản xuất, người dân đành phải vượt Suối Đôi sang quả đồi bên kia để canh tác với khoảng gần 100 ha cao su, điều và cây ngắn ngày. Vào mùa khô, tại bến cầu đu dây này, dòng nước cạn chỉ tới đầu gối, người dân có thể qua lại dễ dàng. Nhưng đến mùa mưa lũ, dòng nước dâng cao đến vài mét nên không một ai có thể qua lại được. Ông Nguyễn Minh Tâm-một nông dân ở đội 15 cho biết: “Từ nhiều năm nay, do cách trở bởi dòng suối, khoảng 300 hộ dân có đất sản xuất ở đồi bên kia phải dựng chòi để ở lại tại rẫy. Vào mùa mưa lũ, người dân phải đưa thức ăn, thậm chí là cả con nhỏ lên rẫy ở lại cả tuần mới về. Đến vụ thu hoạch, nông sản đều phải để lại tại rẫy, đợi khi nước rút mới đưa về nhà. Từ ngày có cây cầu đu dây này, người dân qua lại được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, cầu đu dây chỉ đưa được người qua sông mặc dù là rất nguy hiểm, còn phương tiện đi lại và nông sản thì cũng đành chịu”.

Cây cầu đu dây được lắp đặt bằng 1 sợi cáp dài chừng 50 mét buộc vào 2 gốc cây ở hai bên bờ sông. Một cái khung sắt có chiều dài 1,2 mét, rộng 60 cm được treo vào 2 chiếc ròng rọc lăn trên dây cáp. Chiếc khung sắt không có tay vịn chỉ đủ chỗ cho 3 người ngồi. Mỗi lần qua sông cần có 1 người đứng ở bờ bên kia cầm sợi dây thừng kéo. Hiểm nguy luôn rình rập mỗi khi hai chiếc ròng rọc lăn trên sợi cáp. Chỉ cần một sơ suất nhỏ đủ làm cho khung sắt lắc lư thì người qua sông có thể rơi xuống dòng nước. Tuy nhiên, với người dân nơi đây thì coi việc có được cầu dây này cũng là may mắn lắm rồi. Hàng ngày, người già và trẻ em đều được treo lơ lửng trên khung sắt để qua sông. Nguy hiểm nhất là vào những ngày không đến trường, những em học sinh trong vùng trốn bố mẹ để ra bến đùa nghịch đu dây qua lại bến sông.

Già làng Ksor Loan (làng Mook Trê) phàn nàn: “Rất nhiều người dân ở làng Mook Trang và làng Mook Trê đi làm rẫy bên kia Suối Đôi. Khi chưa có cây cầu đu dây, người dân khổ lắm. Mùa lũ về, mình sợ dân làng bị nước cuốn đi. Bây giờ có cầu dây rồi, dân làng có phần yên tâm hơn. Khổ nhất là con đường đất sình lầy đi qua các đội sản xuất của Công ty 72. Chỉ còn hơn 1 cây số đường đất, nhưng mùa mưa xe máy không đi được. Học sinh ở các đội 15, 16, 17 đến trường khó khăn lắm. Mong rằng Nhà nước làm được con đường này cho dân”!

Kiều Ngân

Có thể bạn quan tâm