Huyện Phú Thiện: Hàng trăm hộ dân điêu đứng vì vỡ hụi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mất ăn, mất ngủ là cảm giác chung của hàng trăm hộ dân từ những tiểu thương đến nông dân chân lấm tay bùn… tại  thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện đang từng ngày trải qua. Chỉ vì nghe theo lời dụ dỗ góp tiền chơi hụi, để rồi bỗng chốc trắng tay khi chủ hụi không còn khả năng chi trả…

Quê nghèo “dậy sóng”

Đã hơn 8 tháng qua, kể từ ngày chủ hụi Vũ Thị Liễu, ở thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện ôm tiền “án binh bất động”, hàng trăm hộ dân nghèo bỏ ăn, bỏ cả việc làm ngóng trông những lá đơn gửi lên Tòa án Nhân dân huyện có lời phúc đáp.

Trong cái nắng gắt của buổi trưa tháng 2 cao nguyên, chúng tôi tìm về tổ dân phố 2, thị trấn Phú Thiện. Nghe có nhà báo về, hơn 20 hộ dân đã kéo đến tranh nhau trình bày sự việc, trong đó có những cụ già đã ngoài 70 tuổi. Anh Đinh Văn Hà buồn rầu: “Thế là hết, tất cả vốn liếng của gia đình đổ vào đó, bây giờ không biết có lấy lại được không…”.

Căn nhà của bà Liễu đã bị phong tỏa. Ảnh: Lê Anh
Căn nhà của bà Liễu đã bị phong tỏa. Ảnh: Lê Anh

Theo những người dân ở đây, sự việc bắt đầu từ 3 năm trước, khi bà Liễu đứng lên làm chủ hụi. Với mong muốn có thêm ít lãi để có vốn làm ăn, dù chưa biết gì về cách chơi, nhưng hàng trăm hộ dân nghèo cũng tập tành tham gia vào các chân hụi. Ban đầu chỉ là những chân hụi nhỏ, bà Liễu lại làm ăn uy tín, ai hốt hụi đều được giao tiền đầy đủ. Nhưng cuộc đời ai học được chữ ngờ, khi các chân hụi cứ lớn dần cũng là lúc bà Liễu bắt đầu thể hiện những mánh khóe của mình.

Theo luật chơi, các chân hụi bà Liễu làm chủ có từ 12 đến 14 người, từ hụi ngày, hụi tháng, hụi quý… nhưng chủ hụi không hề cho biết có những ai cùng tham gia. Trong số những người chơi hụi ở thị trấn Phú Thiện, người thấp nhất thì một chân, người nhiều tham gia đến 3 chân. Nếu chân hụi mà một người góp 50.000 đồng/ngày, cuối tháng hốt hụi bà Liễu sẽ nhận hoa hồng 300.000 đồng, nếu 100.000 đồng/ngày, hoa hồng của bà sẽ tăng lên 600.000 đồng, cứ thế tăng dần… Nhưng kể từ tháng 5-2011, người chơi không thể nào được hốt hụi, vì khi đến ngày hốt hụi, bà Liễu thông báo đã có người bỏ giá cao hơn. Thậm chí có người khi đã thông báo được hốt hụi, bà Liễu cũng tìm mọi cách không giao tiền. Dù nghi ngờ, nhưng không ai dám bỏ chân hụi vì theo “luật” cuộc chơi, ai bỏ sẽ bị mất trắng. Chị Nguyễn Thị Diệp cho biết: “Thực chất làm gì có ai hốt hụi, bà Liễu nói vậy để cố tình không cho ai hốt cả. Ngay cả tôi, dù chưa được hốt nhưng bà Liễu nói tôi đã hốt rồi…”.

Đến thời điểm này, khi sự việc vỡ lở, chủ hụi mất khả năng chi trả, hàng trăm hộ dân hoảng loạn tìm mọi cách từ năn nỉ, đến ăn dầm ở dề đòi tiền nhưng không thành. Cuối cùng họ gửi đơn kiện đến Tòa án Nhân dân huyện Phú Thiện và từng ngày mỏi mòn chờ đợi.       

Nguy cơ trắng tay

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số những người tham gia các chân hụi của bà Liễu, người thấp nhất đã đóng vài triệu đồng, người cao nhất lên đến hơn 100 triệu đồng. Trong số gần 100 người chơi, số tiền tổng hợp đã lên đến gần 2 tỷ đồng. Con số này chắc chắn chưa dừng lại, vì hiện nay vẫn còn một số hộ dân đang nghe ngóng tình hình trước khi khởi kiện, số khác là công chức nhà nước nên đang còn e ngại…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn- Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Phú Thiện cho biết: “Từ giữa năm 2011, chúng tôi liên tục nhận được đơn kiện của các hộ dân về việc bà Vũ Thị Liễu chủ hụi không trả tiền cho dân, đến thời điểm này đã có gần 100 đơn. Chúng tôi đã thụ lý 21 đơn kiện với tổng số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng và xử lý xong 1 đơn, số còn lại chúng tôi đã hướng dẫn người dân tập hợp, hoàn thiện chứng cứ. Trong quá trình làm việc, bà Liễu đã có thái độ bất hợp tác với Tòa án, chính vì vậy để xét xử một vụ án vắng mặt cần có thời gian. Người dân chưa hiểu nên tỏ ra bức xúc và lo lắng, nhưng luật pháp thì không thể làm trái quy định, vì đó là quyền lợi hợp pháp của mỗi công dân. Để tránh những trường hợp xấu xảy ra, chúng tôi đã phong tỏa tài sản của bà Liễu để phục vụ cho công tác xử  lý vụ việc…”.     

Hy vọng đòi lại được tài sản của gần 100 hộ dân tham gia góp hụi cùng bà Liễu cũng khá mong manh. Dù bà Liễu vẫn đang sống tại địa phương, nhưng theo một số hộ dân, khi họ đến đòi tiền bà Liễu tìm cách tránh mặt, hoặc hứa suông, thậm chí đã bị người nhà bà Liễu đe dọa. Bên cạnh đó, tài sản giá trị nhất của bà Liễu chỉ là căn nhà, nhưng cũng đã cầm cố 200 triệu đồng tại ngân hàng, nếu phát mại bán đấu giá tài sản khi các hộ dân thắng kiện, số tiền thu lại cũng không đáng bao nhiêu.

Thay lời kết

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ vỡ hụi. Mặc dù cơ quan chức năng, cơ quan ngôn luận cảnh báo, nhưng người dân vẫn chưa nhận thức được về sự nguy hiểm khi tham gia các hình thức “tín dụng đen”, đến khi sự việc vỡ lở mới nhận ra thì tất cả đã trở nên quá muộn. Nhiều gia đình khuynh gia bại sản chỉ vì chút lòng tham và mất cảnh giác trước lời dụ dỗ ngon ngọt của những “siêu lừa”. Đã đến lúc, chính quyền huyện Phú Thiện vào cuộc để điều tra làm rõ, bảo vệ quyền lợi cho người dân và giữ gìn an ninh-trật tự trên địa bàn.

Lê Anh - Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm