Phóng sự - Ký sự

Huyền thoại về loài cây cỏ máu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

A Loang trong tiếng Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là thần dược. Nó là dược liệu quý, dễ tìm thấy ở trong rừng. Bất cứ ai đau ốm khi uống nước A Loang đều chóng khỏe. Phụ nữ  miền núi sinh con, uống nước ấy vào 3 ngày đã lên nương làm việc. A Loang được xem là vị thần của không ít tộc người… Đó là những gì chúng tôi nghe được về loài cây này…

Phụ nữ Vân Kiều đi lấy A Loang (cỏ máu) ở Trường Sơn
Phụ nữ Vân Kiều đi lấy A Loang (cỏ máu) ở Trường Sơn



Truyền thuyết tái sinh sức khỏe

Người Vân Kiều ở vùng Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) sâu trong bản Dốc Mây có một truyền thuyết về A Loang. Xưa lắm, khi các bộ tộc còn chiến tranh liên miên, người Vân Kiều ở vùng đó bị vây chặt, thiếu ăn, bệnh tật vây khốn, vị tướng cầm quân đêm nằm lo lắng làm sao để binh lính giữ sức, dân bản có cái cầm cự tạo ra lương thực để chống chọi đối phương.

Một đêm, ông nằm mơ có vị thần chỉ dẫn, ven bản trong những cánh rừng bạt ngàn, có một loài cây giúp sức cho người bị thương, tạo lực cho người thiếu ăn, làm lương thực để chiến đấu. Trong giấc mơ, vị thần nói đó là loài cây A Loang. Thức dậy, nhớ về giấc mơ, vị tướng của anh em Vân Kiều đi tìm A Loang.

Theo chỉ dẫn, cây thân mềm, nhìn như cây gỗ nhưng nước rỉ màu đỏ như máu, nó là thân leo, chạy lan dưới mặt đất, có ở nhiều nơi trong rừng. Ông cho thử nghiệm, những người mất trí, sức khỏe ốm yếu, trị thương được ưu tiên dùng trước, quả nhiên 3 ngày sau, bắt đầu hồi phục một cách ngạc nhiên. Từ đó ông chia sẻ cho dân làng.

Cây thần ấy không chỉ tương truyền trong cộng đồng người Vân Kiều mà anh em Khùa, Mày, Rục, Mã Liềng, Ma Coong, A Rem cũng được truyền thụ để cùng nhau vững mạnh chống lại sự xâm lấn đất đai bờ cõi.

Ngày nay, các cộng đồng bản địa ở miền núi dùng A Loang với tất cả sự biết ơn về lòng hào hiệp của cây thần này.

Loài cây huyền bí này mỗi cộng đồng hay bất cứ bản làng nào sâu trong rặng Trường Sơn đều có những câu chuyện kể gốc tích khác nhau.

Ông Hồ Ba, Trưởng bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn, cho hay: “A Loang nó có nghĩa cỏ máu. Loài cây này như dây leo nhưng không hiểu sao nó được tổ tiên gọi bằng cỏ”. Nó có hiếm không? Hiếm với người miền xuôi, ở trên mình tìm không khó, nhưng công dụng của nó thật sự hiếm gặp. Nó giúp người ốm đau lấy lại sức lực, trẻ em biếng ăn, uống nước đó vào ăn uống tốt lắm. Ở đây vào mùa hè, dân bản thường lấy nó về cắt ra, phơi khô để dùng dần cả mùa đông. Miền núi cái ăn còn thiếu thốn, dinh dưỡng không phong phú, nhờ có nó mà việc nương, việc rẫy ai cũng khỏe cũng làm việc bền sức”, Hồ Ba giải đáp.

Người Ma Coong trên xã Thượng Trạch (Bố Trạch) lại có một câu chuyện khác về cách dùng A Loang. Đinh Xòn tại bản Ban kể: “Ở đây có lễ hội đập trống mỗi năm vào rằm tháng Giêng. Hội đó khi trống vỡ thì Giàng cho trai gái yêu nhau, đàn ông hay đàn bà có một đêm ngoài vợ, ngoài chồng. Để có được cái đêm đó, ai cũng phải ra sức đập vỡ mặt trống. Vừa đập mạnh, vừa hô: “Roa lữ Giàng ơi, roa lữ roa lữ Giàng ơi...”. Để có sức đập trống vỡ, 3 ngày liên tiếp cái ăn phải có nước A Loang. Nước của nó kho cá, nấu canh măng, nấu cơm, kho thịt để tăng sức, tăng lực mà vào hội đập trống. Không có nó, đàn ông, đàn bà Ma Coong chỉ đập được đầu hôm rồi mỏi tay, mỏi chân, yếu sức không đập vỡ tang trống. Có nó, ai cũng thêm sức, đập đến 3 giờ sáng, có năm đến 4 giờ sáng trống mới vỡ. Nhờ A Loang mới trường sức đến vậy đấy”.

Đi tìm A Loang

Trên thực tế, người A Rem hay Mã Liềng, Rục Khùa… còn xem cỏ máu là cây tái tạo sức lực. Nhiều người tin rằng, nó bổ khí, điều hòa âm dương rất tốt mới tồn tại ngay trong rừng thiêng nước độc. Đinh Rầu, người A Rem, nói: “Cỏ máu hay A Loang là một loài, đó là cây thiêng, cây thần linh. Trong bản ai sinh, uống nó 3 ngày đã đi làm rẫy. Mình ốm, uống nó 3 ngày đã lấy lại sức. Là cây quý của dân bản mình trong rừng sâu nước độc đấy. Ngày xưa mình đi săn, vào vùng không có nước, không có thức ăn, nhờ A Loang mà có nước, người đau ốm không đi tiếp, nhờ nước của nó mà sống sót trở lại để tiếp tục săn thú cho dân bản”.

Hồ Thị Lài ở bản Sắt (Trường Sơn) gùi trên mình bó A Loang nặng trĩu. Hai vợ chồng vào rừng cả tháng kiếm được 5 bó to. Lài khoe: “Cuối năm là giáp hạt nên vào rừng tìm A Loang. Dưới xuôi lên mua. Mỗi ký tươi 2000 đồng. Một bó khoảng 50-70kg là có tiền gạo chống đói”. Ở rừng, những người như vợ chồng Lài làm nghề kiếm cây cỏ máu khá nhiều, bởi theo như Hồ Đức: “Phá rừng thì không được, bị bắt rồi vô tù, còn cây A Loang thì được phép lao động. Nhưng ngày mỗi khó, vào rừng thật sâu chứ ở ngoài người ta thu hết rồi, chờ mọc lại thì lâu lắm. Vì cái ăn cả thôi”.

Trên cao nguyên Minh Hóa, A Loang không chỉ để bán mà còn cho con gái và trẻ nhỏ tắm. Vậy nên dù vất vả nhưng phụ nữ ở cao nguyên này nước da trắng hồng dù làm nương rẫy lấm lem. Hồ Thành ở vùng Lòm bảo: “Nhờ A Loang mà không ít phụ nữ ở Minh Hóa đẹp ra, đúng là cây thần dược. Nhưng nay vì cái ăn nên phải bán cho miền xuôi, không tìm bán thì mùa giáp hạt thường rất khó khăn”.

Tìm hiểu mới biết, mỗi ký cây cỏ máu ở miền núi tìm về, đợi thương lái cao lắm cũng không quá 3.000 đồng. Nhưng về miền xuôi, mỗi ký của nó lên đến 500.000 đồng, lúc hiếm lại có giá đến 700.000 đồng. Khi nhiều lái buôn cỏ máu ở miền xuôi giàu lên thì ruột rừng ngày mỗi vắng dần bóng dáng A Loang. Cho đến nay, nó chưa được ươm trồng, chỉ thu hoạch tự nhiên. Miền xuôi sử dụng nhiều lên miền núi kiếm tìm và đẩy chúng hiếm dần, trở thành đắt đỏ.

Minh Phong (sggp)

Có thể bạn quan tâm