Văn hóa

Huyền tích Miếu Xà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Miếu Xà (thôn Thượng An 2, xã Song An, thị xã An Khê) thuộc Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Trải qua bao biến thiên lịch sử, ngôi miếu với nhiều truyền thuyết ly kỳ vẫn được người dân gìn giữ. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, người dân trong vùng tổ chức cúng tế cầu thần linh phù hộ cho cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc.

Nhiều truyền thuyết ly kỳ

Giữa khoảnh đất rộng, Miếu Xà nằm nép mình dưới tàng cây cổ thụ. Bên trái ngôi miếu có tấm bia ghi: Miếu Xà thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn (1771-1773); đây là nơi Nguyễn Nhạc đã chém rắn lấy máu tế cờ khi xuất quân xuống đồng bằng. Hơn 250 năm qua, người dân vùng Tây Sơn Thượng vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ liên quan đến Miếu Xà, rắn thần.

Tương truyền, sau một thời gian chuẩn bị binh hùng, tướng mạnh ở Tây Sơn Thượng, năm Quý Tỵ (1773), 3 anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) xuất quân tiến xuống đồng bằng. Đoàn quân đi đến đầu đèo Mang (đèo An Khê) thì có con rắn rất to lao từ cây ké xuống chắn ngang đường. Trong số tướng sĩ có người cho rằng đây là điềm xấu, đề nghị thu quân. Nguyễn Nhạc nhất quyết không lui mà tiến lên phía trước, rút gươm chém đầu rắn, lấy máu tế cờ. Xuống đồng bằng, nghĩa quân bao vây, đánh hạ thành Quy Nhơn. Sau chiến thắng này, Nguyễn Nhạc cho quân lính lập miếu thờ rắn thần ở đầu đèo Mang.

Trái với giai thoại chém rắn, trong dân gian còn lưu truyền rằng, năm 1773, Nguyễn Huệ chỉ huy đoàn quân từ Thượng đạo xuống Hạ đạo. Đến đầu đèo An Khê thì gặp cặp rắn mun nằm chặn giữa đường. Thấy vậy, Nguyễn Huệ liền xuống ngựa, chắp tay khấn. Lời khấn của ông vừa dứt, 2 con rắn ngóc đầu, trườn về phía trước. Đi được một đoạn, 1 con rắn bò vào bụi cây ven đường, lúc quay ra miệng ngậm 1 thanh long đao trao cho Nguyễn Huệ. Mỗi khi ra trận, Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ thường dùng long đao đánh giặc, giành được nhiều chiến thắng lẫy lừng như Rạch Gầm-Xoài Mút, Ngọc Hồi-Đống Đa. Tưởng nhớ công ơn của rắn thần, nhà vua sai người xây dựng miếu thờ ở đầu đèo Mang.

Các thành viên trong Ban Quản lý Miếu Xà duy trì cúng tế thần linh theo nghi thức truyền thống, cầu cho muôn dân, xã tắc bình an, ấm no, hạnh phúc. Ảnh: An Phát

Ông Võ Cơ-Trưởng ban Quản lý Miếu Xà-cho biết: Trong dân gian luôn song hành 2 giai thoại về sự xuất hiện của rắn thần trong lễ khởi binh của 3 anh em nhà Tây Sơn từ vùng núi Tây Sơn Thượng đạo xuống đồng bằng. Điểm chung của 2 câu chuyện là nhờ sự phù trợ của thần rắn, nghĩa quân Tây Sơn đánh trận nào thắng trận đó, giành nhiều chiến công lẫy lừng. Sau đó, cả 2 ông Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đều sai người xây miếu thờ xà thần ở đầu đèo An Khê.

Theo ông Cơ, mấy trăm năm qua, việc duy trì, chăm sóc miếu thiêng đã cảm động thần linh, các đấng bề trên luôn phù hộ cho Nhân dân địa phương và người buôn bán đường xa được yên ổn, hanh thông mọi bề. Đồng thời, trừng trị những người có hành động bất kính, phá hoại miếu thờ. “Sau năm 1975, người dân thỉnh thoảng bắt gặp cặp rắn lui về miếu nằm phơi nắng. Gần miếu, có một người đàn ông ở nơi khác mới chuyển đến sinh sống. Một hôm, thấy cặp rắn bò vào miếu, người này đã bắn chết 1 con. Hôm sau, ông đột ngột bị sốt cao. Gia đình đã mua lễ vật đem đến miếu cầu xin rắn thần tha thứ. Thật trùng hợp, sau đó, ông này hết ốm. Tuy nhiên, không tin có thần thánh nên ông tiếp tục thả heo, nhốt gà trong miếu, làm vấy bẩn chốn linh thiêng. Ít lâu sau, ông ấy ốm nặng rồi qua đời”-ông Cơ trầm ngâm kể.

Từ nhỏ, bà Trần Thị Diệu (thôn Thượng An 3, xã Song An) đã được ông bà kể nhiều chuyện về nghĩa quân Tây Sơn, núi Ông Bình, Ông Nhạc, đèo Mang, Miếu Xà... Gần 90 tuổi nhưng bà Diệu còn rất minh mẫn. Khi nhắc đến Miếu Xà linh ứng, bà dẫn chứng ngay chuyện bà Sáu Khương. “Cách đây hơn 60 năm, dân trong vùng thường thấy bà Sáu Khương ở dưới Bình Định lên An Khê mua củi về bán cho các lò gạch. Mỗi lần đi qua Miếu Xà, bà Sáu Khương đều xuống xe, thành kính thắp hương cầu khấn. Từ đó, công việc làm ăn của bà gặp nhiều thuận lợi. Sau khi giàu có, bà Sáu Khương quay lại góp tiền bạc, tu sửa ngôi miếu. Tiếng lành đồn xa, những người buôn bán hễ đi ngang qua Miếu Xà đều dừng lại, đặt lễ, cầu bình an, may mắn”-bà Diệu thủ thỉ kể.

Bảo tồn và phát huy di tích

Cùng chúng tôi xuôi đèo An Khê, đến khu đất đối diện Trạm Kiểm dịch động vật Song An, ông Cơ bảo: Xưa kia, Miếu Xà dựng tại đây. Khi đó, miếu được làm bằng tranh tre nứa lá, xung quanh là rừng già. Năm 1957, người dân làm lễ xin xà thần cho phép di dời miếu về vị trí hiện nay nhằm thuận tiện việc trông nom, hương khói.

“Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều lần, Miếu Xà bị địch đốt phá. Nhưng sau đó, người dân liền dựng lại để có nơi thờ cúng xà thần. Vào ngày 20 tháng 2 và 20 tháng 8 âm lịch, dân trong vùng cùng Ban Quản lý miếu tổ chức cúng Quý Xuân, Quý Thu theo nghi thức truyền thống; hàng tháng, cúng rằm, mùng 1 cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống người dân ấm no, kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển”-Trưởng ban Quản lý Miếu Xà chia sẻ.

Miếu Xà (thôn Thượng An 2, xã Song An, thị xã An Khê) thuộc Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo với nhiều truyền thuyết ly kỳ. Ảnh: An Phát

Những năm qua, người dân luôn nỗ lực gìn giữ, đóng góp công sức, bảo vệ di tích; chính quyền địa phương quan tâm đầu tư tôn tạo để Miếu Xà khang trang hơn. Năm 2019, thị xã An Khê đã đầu tư 1,5 tỷ đồng để sửa chữa, tôn tạo cảnh quan, san lấp, mở rộng khuôn viên miếu gần 2.000 m2. Năm 2022, thị xã hỗ trợ Ban Quản lý Miếu Xà 12 triệu đồng để mua lễ vật cúng kính thần linh. Ông Đặng Ngọc Mai-thành viên Ban Quản lý Miếu Xà-chia sẻ: “Trước đây, tôi trông coi, nhang đèn tại An Khê đình. Năm 1999, gia đình chuyển xuống Song An sinh sống, tôi tiếp tục tự nguyện nhận trông nom, hương khói tại Miếu Xà cho đến nay. Ban Quản lý miếu có 15 thành viên làm nhiệm vụ bảo vệ di tích và tổ chức các hoạt động cúng tế. Hàng ngày, các thành viên luân phiên trực, tiếp đón người dân, khách du lịch. Mỗi năm, Miếu Xà đón hàng ngàn lượt người dân, khách thập phương đến thắp hương, tham quan, nghiên cứu”.

Đầu năm 2022, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào của các địa phương khu vực phía Đông tỉnh nói chung và cán bộ, người dân thị xã An Khê nói riêng. Ông Khưu Doãn Huân-Chủ tịch UBND xã Song An-chia sẻ: Chính quyền và Nhân dân xã Song An rất tự hào trên địa bàn có Hòn Bình (núi Ông Bình), Hòn Nhạc (núi Ông Nhạc), Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké, Cây Ké, Cây Cầy và Miếu Xà thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo. Những năm qua, xã vận động người dân gìn giữ, chung tay bảo vệ các di tích; tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha; lan tỏa niềm vinh dự tự hào, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn trong cộng đồng.

“Tại Miếu Xà, từ trước đến nay, người dân luôn gìn giữ, duy trì thờ cúng thần linh theo nghi thức truyền thống. Ngôi miếu cũng nhận được sự quan tâm đầu tư của thị xã nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân gắn trách nhiệm gìn giữ với phát huy giá trị các di tích để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương”-ông Huân thông tin.

Có thể bạn quan tâm