Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đội ngũ thông tin-cổ động ngày ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đáp ứng yêu cầu cổ động nhanh, kịp thời cho các nhiệm vụ của địa phương và cả nước, đầu năm 1977, Ty Thông tin-Văn hóa tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã tổ chức hệ thống thông tin-cổ động từ tỉnh xuống cơ sở.

Theo đó, ở tỉnh có Đội Thông tin-cổ động. Đến tháng 11-1977, mỗi huyện, thị cũng có 1 đội thông tin lưu động.

tranh-xu-man-7573-8120.jpg
Trong hành trang của các đội thông tin-cổ động thời ấy, không thể thiếu tranh cổ động của họa sĩ Xu Man (ảnh nguồn baotangtinh.gialai.gov.vn)

Ở cấp tỉnh, đội ngũ cán bộ tiên phong làm công tác thông tin-cổ động trong thời kỳ đầu gian nan ấy là những thanh niên sôi nổi, năng nổ như: Đinh Văn Lâm, Trịnh Duy Lễ, Nguyễn Tánh, A Rin, Đinh Văn Vi, Trần Trọng Hoàng, Hồng Vân, An Lành…

Những ngày mới thành lập, Đội chỉ được trang bị 1 bộ amply, 1 máy nổ 1 kW, 1 đèn chiếu điện, 1 đài bán dẫn và ghi âm, đàn guitar, violon, phong cầm và một số tranh ảnh thời sự của trung ương, của tỉnh...

Đội cũng được trang bị 1 chiếc xe Jeep làm phương tiện. Nhưng để đến được với bà con ở các điểm khai hoang, các buôn làng vùng sâu, vùng xa lại chủ yếu nhờ vào đôi chân của mỗi người. Trong giai đoạn này, các thành viên tuy còn “non” về trình độ chuyên môn, nhưng có thừa sự nhiệt huyết, sáng tạo và biết dựa vào quần chúng nhân dân.

Dù đã gần 70 tuổi nhưng chị An Lành còn nhớ như in về những buổi cùng anh em đến các công trường. Để phục vụ chiến dịch “Khai hoang quyết thắng”, cuối năm 1977, Ty Văn hóa-Thông tin thành lập 2 đoàn văn hóa và thông tin lưu động gồm 11 người do ông Nguyễn Tánh làm Trưởng đoàn. Các ông: Đinh Văn Lâm, Y Yơn, Nông Quốc Hùng làm Phó đoàn. Các thành viên gồm: An Lành, Đinh Văn Vi (biểu diễn), Phạm Văn Tuấn (kẻ vẽ), Hoàng Văn Phúc (phát hành sách) và nhóm chiếu bóng gồm: Huỳnh Văn Trình, Nguyễn Văn Giám, Hồng Tổ Phong. Sau gần 1 năm hoạt động, Đội đã liên tục phục vụ tại các công trường khai hoang, thủy lợi… ở các huyện vùng sâu, vùng xa như: Đăk Glei, Đăk Tô, An Khê, Mang Yang, Chư Prông.

Năm 1978, Ty thành lập Đội lưu động gồm 8 người, trong đó có 5 người làm thông tin lưu động, 3 người chiếu bóng lưu động để phục vụ bà con vùng biên giới, công-nông trường, khu kinh tế mới và các đội sản xuất với nhiều hoạt động phong phú như: chiếu bóng, đèn chiếu, tuyên truyền miệng, văn nghệ cổ động, triển lãm nhỏ, ngoài ra còn kết hợp bán sách và tặng sách, văn hóa phẩm cho người dân.

Cùng với đó, các đội thông tin lưu động của Đăk Tô, Pleiku, Đăk Glei, Kon Plông, Chư Prông, An Khê thực sự là những mũi nhọn sắc bén, xung kích, thường xuyên xuống các xã vùng sâu, vùng căn cứ, vùng biên giới để phục vụ người dân.

Hoạt động thông tin-cổ động ngày ấy được thực hiện chủ yếu bằng các phương thức: nói trực tiếp, cổ động trực quan (thông qua tranh, ảnh) và văn nghệ cổ động. Đối với đội tỉnh, tại các điểm đến, anh chị em vừa tổ chức các hoạt động chuyên môn, vừa kiểm tra phong trào, xây dựng, củng cố và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đội thông tin cơ sở. Mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài cả tháng.

Hồi ấy, những bài hát của nhạc sĩ Y Yơn (dân tộc Jrai) dù mang tính “thời vụ” như: Gặt lúa Đông Xuân, Trường học lah (kêu gọi học sinh đến trường) hay những bài động viên thanh niên hăng hái tăng gia sản xuất, có nội dung kiểu: “Em phải giỏi lao động sản xuất, vì nếu em làm biếng, em ngồi không, thì anh không yêu em”… do các chị Hồng Vân, An Lành và các đội viên thông tin lưu động ở cơ sở biểu diễn bằng tiếng Việt, Bahnar, Jrai.

Hồi chưa có phim lưu động, những bộ phim “đèn chiếu” (đẩy từng hình ảnh được vẽ sẵn, chủ yếu là các truyện cổ như: Ai mua hành tôi, Thánh Gióng… qua ánh đèn chiếu, phóng lên màn hình bằng vải, kèm giọng đọc thuyết minh của các đội viên thông tin lưu động) rất cuốn hút người xem. Trong hành trang của các đội thông tin-cổ động thời ấy, không thể thiếu tranh cổ động của họa sĩ Xu Man.

“Vui lắm, hăng say lắm, không biết khổ là gì đâu” là những lời tôi nghe được trong câu chuyện với người trong cuộc. Và tôi tin, có như vậy, các anh chị mới đủ sức lăn lộn ở hầu hết các trọng điểm kinh tế, chính trị của tỉnh, vượt qua biết bao gian khó. Nhưng bù lại, họ luôn được bà con dân làng quan tâm, ưu ái.

Có thể bạn quan tâm