Phóng sự - Ký sự

Hy sinh vì Campuchia: Kỳ 5 - Vượt qua thù hận

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhìn thấy những người Việt chết thảm do Khmer Đỏ sát hại, không ít người có mặt trong đoàn quân tình nguyện nuôi ý định trả thù. Nhưng khi những trận đánh đã đặt họ trong thế của người chiến thắng, hận thù đã nhường chỗ cho lòng tha thứ, bao dung...


Chiến trường thù hận

Năm 1978, ông Tám Hùng (đại tá Nguyễn Xuân Hùng - nguyên phó chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Bạc Liêu) là tiểu đoàn phó tiểu đoàn bộ binh của tỉnh Bạc Liêu, được điều động ra biên giới tỉnh Kiên Giang (giáp tỉnh Kampot, Campuchia).

 

Cựu đại tá Nguyễn Xuân Hùng kể lại câu chuyện chiến đấu ở Campuchia.
Cựu đại tá Nguyễn Xuân Hùng kể lại câu chuyện chiến đấu ở Campuchia.

Khi đơn vị ông tiếp quản chiến trường, những người lính trẻ đã phải lặng người chứng kiến những gì quân Khmer Đỏ gây ra với đồng bào mình ở đây. Hàng trăm thi thể người dân vô tội bị sát hại bằng những hình thức dã man mà một con người bình thường khó thể nghĩ ra (bị chặt đầu, mổ bụng, trẻ em bị xỏ xâu, phụ nữ bị thọc tầm vông vào cửa mình...).

Đến giờ mỗi khi nhớ lại ông vẫn còn căm phẫn: “Thời chúng tôi đánh Mỹ, giặc có ác cỡ nào cũng không giết người man rợ như bọn Khmer Đỏ”.

Những ngày cuối năm 1978, đơn vị ông được giao lập tuyến phòng thủ để ngăn chặn quân Khmer Đỏ tràn sang biên giới.

Trên những cánh rừng Phú Mỹ (nay thuộc huyện Giang Thành, Kiên Giang), đơn vị ông đã phải chiến đấu cảm tử để chống chọi với làn sóng quân Khmer Đỏ. Sau hai tháng, dù bẻ gãy nhiều đợt tấn công của giặc nhưng đơn vị ông đã hi sinh trên 30 người, gần 10% quân số.

Ông Tám Hùng nói lúc đó “máu hận đã sôi lên”, khi gặp quân Pol Pot ông hứa sẽ giết sạch không chừa một tên.

Trạm cứu tế trên đường tiến quân

Đầu tháng 1-1979, tiểu đoàn bộ binh của ông được lệnh hành quân đánh sang biên giới, giúp bạn giải phóng tỉnh Kampot. “Lúc đó tôi nghĩ thời cơ để mình trả thù cho đồng bào vô tội đã đến”, đại tá Hùng nhớ lại.

Cánh quân của ông vượt biên tấn công địch trong hai ngày thì đến “ngã ba Dầu Thoa” (nay thuộc huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot). Đơn vị ông được lệnh dừng lại để nghe ngóng quân tình.

3g chiều hôm đó, ông Tám Hùng nhận được tin báo có hai người từ hướng núi đi về phía nơi đóng quân của tiểu đoàn. Qua trao đổi, họ nói được “cử” đi để xem... thái độ của bộ đội Việt Nam như thế nào nếu họ đưa 500 người xuống “đầu hàng”. Hai người này xem việc đi vào nơi đóng quân của bộ đội Việt Nam là một hành động “cảm tử” vì Khmer Đỏ tuyên truyền người Khmer nào rơi vào tay bộ đội Việt Nam sẽ bị giết chết.

“Lúc đó mình đâu phân biệt dân hay giặc vì lính Khmer Đỏ hay trà trộn vào dân để dễ phục kích lính mình. Thú thật ban đầu tôi có ý nghĩ giết hết bọn chúng để rửa hận cho đồng bào. Được vậy, tôi có bị kỷ luật xử bắn cũng cam”.

Ông Tám Hùng kể ban đầu ông ra lệnh cho thả một người trở lên núi để chứng minh với những người còn lại là mình không bị giết. Nhưng khi anh ta đi khuất, ông ra lệnh đưa hai khẩu đại liên phục sẵn con đường độc đạo xuống núi, chờ đối phương xuất hiện ở cự ly 50m sẽ nổ súng.

Toán quân của ông Tám Hùng phục kích hơn một giờ sau thì mục tiêu xuất hiện. Những người trên núi kéo xuống trong trang phục bà ba đen rách rưới. Họ đi thành hàng trật tự. Nhiều người đi không nổi đã ngã quỵ bên đường. Nhìn đoàn người thê thảm này, vị chỉ huy bộ đội Việt Nam quên mất... lệnh nổ súng.

Ông Tám Hùng nhớ lại: “Trong chiến đấu, sự cảnh giác phải đặt lên hàng đầu. Đã có rất nhiều đồng đội tôi vì tin người mà phải trả giá bằng tính mạng. Nhưng lúc đó tôi tin những người này là dân thường Campuchia chứ không phải quân Khmer Đỏ. Họ bị Khmer Đỏ “lùa” về đây đã ba ngày rồi, chẳng ai có gì để ăn. Nhiều người đã ngã xuống vì kiệt sức.

Ngay lập tức, ông Tám Hùng cho mở cửa một nhà kho mà đơn vị ông vừa mới đánh chiếm của quân Khmer Đỏ. Do số người quá đông, gạo lại không nhiều nên ông ra lệnh cho mỗi người được phát một bụm gạo nấu ăn tại chỗ.

Một bãi đất rộng giữa chiến trường lập tức trở thành nơi... cứu tế. Những chiến sĩ cầm súng vừa được lệnh sẵn sàng nã đạn vào đối phương thì trở thành người phát gạo, nấu cơm, chăm sóc vết thương cho những người mà họ vừa muốn bắn hạ.

 

Khmer Đỏ buộc cả trẻ em cầm súng chiến đấu.
Khmer Đỏ buộc cả trẻ em cầm súng chiến đấu.

Lòng bao dung của lính tình nguyện

Thật bất ngờ, đó là nạn nhân của Khmer Đỏ. Nhiều người nói rằng người thân của họ bị lính Pol Pot giết chết. Họ cũng nuôi ý định trả thù Khmer Đỏ. Đến lúc này thì ý nghĩ giết những kẻ mình bắt được để trả thù đã không còn trong tâm trí của ông Tám Hùng nữa. Thay vào đó, ông chỉ còn lại lòng bao dung.

Những người lính tình nguyện Việt Nam kể lại không ít những câu chuyện đau lòng. Sau khi giúp giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, họ phải chứng kiến nhiều xóm làng bị kiệt quệ, dân tình đói khổ sau những ngày nằm dưới sự kiểm soát của Khmer Đỏ. Họ đã phải chia sẻ khẩu phần ăn của mình cho người dân.

Một sĩ quan quân tình nguyện cho biết đầu năm 1979 khi giải phóng địa danh Tuk Su ở tỉnh Kampot, cả ngôi làng không có một hạt gạo, không có cả nồi niêu để nấu ăn, bộ đội phải chia gạo, mùng mền, quần áo cho người dân...

Một sĩ quan tình nguyện Việt Nam tên H. cho biết một hôm đơn vị ông nhận được tin báo có một nhóm tàn quân đang tụ tập tại một khu vườn. Ông liền chia đội hình vây ráp.

Nhưng đến nơi thì gặp một nhóm dân quen mặt hay được bộ đội Việt Nam chia sẻ lương thực. Nghĩ là nhận tin báo lầm, ông H. cho quân rút đi. Nhưng khi họ vừa quay lưng thì một loạt đạn đã nổ sau lưng họ. Một số chiến sĩ của ông chết ngay tại chỗ.

Cuộc đọ súng đã diễn ra. Khi những kẻ thủ ác bị tiêu diệt thì ông mới hiểu ra kẻ thù không ai khác hơn là những người giả dạng thường dân đói khổ, để nhận được sự nhường cơm sẻ áo của bộ đội Việt Nam rồi đáp trả “ơn nghĩa” bằng những tràng đạn bắn từ sau lưng...

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm