Phóng sự - Ký sự

Hy sinh vì cuộc sống bình yên: Người ở lại sông Thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sông Thanh mùa này con nước lững lờ trôi. Thế nhưng chẳng ai có thể ngờ rằng dòng nước bình lặng ấy đã cướp đi sinh mạng của một người lính quân hàm xanh.

HY SINH GIỮA THỜI BÌNH

Đại úy Xiêng Văn Thang, Chính trị viên Đồn biên phòng Sông Thanh (xã Đăk Blô, H.Đăk Glei, Kon Tum), kể năm 2020, bên cạnh dấu hiệu tội phạm gia tăng thì tình hình Covid-19 cũng diễn biến phức tạp. Đồn biên phòng Sông Thanh đã tăng cường lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19. Cả đơn vị thực hiện cấm trại, dừng giải quyết cho cán bộ, chiến sĩ nghỉ phép, nghỉ tranh thủ để đảm bảo 100% quân số trực chiến làm nhiệm vụ. Trong đó, thiết lập chốt tuần tra kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống dịch bệnh Covid-19 cách cửa khẩu phụ Đăk Blô 300 m và cách đồn 12 km.

Căn nhà của gia đình liệt sĩ Phạm Ngọc Hải. Ảnh: Đức Nhật

Căn nhà của gia đình liệt sĩ Phạm Ngọc Hải. Ảnh: Đức Nhật

Ngày 11.10.2020, thượng úy Phạm Ngọc Hải và thiếu úy A Minh được phân công trực tại chốt. 17 giờ cùng ngày, hai anh từ chốt về trạm ăn bữa cơm chiều. Sau đó, anh Minh trở lại chốt trước. Còn anh Hải họp giao ban tại trạm, đến 19 giờ mới trở lại chốt.

Đêm trên chốt, trời mưa không dứt. Qua điện thoại, anh Minh dặn anh Hải đừng lo, cứ ở lại trạm, bao giờ tạnh mưa hãy về lại chốt. Vì lo đồng đội trực chốt một mình, thượng úy Hải đội mưa, dò dẫm trên cầu tràn bắc ngang sông Thanh để lên chốt. Rồi chẳng người đồng đội nào còn được nhìn thấy bóng dáng anh Hải nữa. Lũ ống thượng nguồn đổ về quá nhanh đã cuốn anh đi mãi.

Trời tạnh mưa, nước sông rút hẳn nhưng mắt ai cũng ướt. Cả đơn vị gào khản giọng gọi tên anh. Nhưng rồi điều nhiệm màu chẳng xảy ra. Anh Hải được tìm thấy trong tư thế bị cát vùi ở bãi cạn cách đường tuần tra biên giới vài trăm mét. Thượng úy Phạm Ngọc Hải đã ra đi ở tuổi 39.

Theo đại úy Xiêng Văn Thang, anh Hải là cán bộ hiền lành, năng nổ, nhiệt tình và đầy trách nhiệm trong công tác. Suốt thời gian dài tăng cường lực lượng quản lý bảo vệ biên giới kết hợp phòng chống dịch Covid-19, do yêu cầu nhiệm vụ, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Sông Thanh phân công anh Hải phụ trách chốt, hằng ngày tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực. Cùng với đồng đội, anh Hải đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình, không để xảy ra bất kỳ trường hợp nào qua lại biên giới bất hợp pháp.

Nước mắt lăn dài trên mặt bà Phạm Thị Đương khi nhắc chuyện liệt sĩ Hải. Ảnh: Đức Nhật

Nước mắt lăn dài trên mặt bà Phạm Thị Đương khi nhắc chuyện liệt sĩ Hải. Ảnh: Đức Nhật

DỰ ĐỊNH DỞ DANG

Trong căn nhà lụp xụp, trống trải ở TT.Đăk Tô (H.Đăk Tô, Kon Tum), chúng tôi thắp nén hương để tri ân người chiến sĩ đã ngã xuống. Ở phía sau, có 2 người phụ nữ cũng vội lau đi những giọt nước mắt.

Bà Phạm Thị Đương (77 tuổi, mẹ liệt sĩ Phạm Ngọc Hải) kể rằng bà tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi và trở thành cán bộ quân y. Trong quá trình chiến đấu, một mảnh đạn đã ghim vào bên chân phải của bà. Một người em ruột của bà Đương cũng tham gia chiến đấu và trở thành liệt sĩ. Đến thời bình, con trai út của bà Đương là anh Phạm Ngọc Hải cũng là liệt sĩ khi làm nhiệm vụ canh giữ biên cương Tổ quốc. Những kỷ niệm đớn đau bỗng chốc bị nhắc lại khiến người phụ nữ ấy chẳng kìm được nước mắt.

Ngồi kế bên an ủi mẹ chồng, dáng người chị Phan Thị Xuân (41 tuổi, vợ liệt sĩ Phạm Ngọc Hải) gầy nhẳng. Kể từ ngày anh Hải ra đi, chẳng đêm nào chị được yên giấc.

Kỷ vật cuối cùng

"Vì con luôn nhớ bố, tôi đã ghi âm lại giọng nói của anh. Những hôm cháu hỏi thì bật tiếng của anh lên cho con nghe...", chị Xuân đưa tay quệt giọt nước mắt lăn dài trên má, kể.

Ngờ đâu những âm thanh trong điện thoại ấy lại là kỷ vật cuối cùng của anh mà chị Xuân đem ra dỗ dành 2 cô con gái. Bây giờ cả hai đứa trẻ vẫn chưa biết sự thật là bố đã hy sinh. Có những hôm cả hai ngây ngô hỏi mẹ sao bố lâu không về. Mỗi lúc như thế, tim chị Xuân như thắt lại.

Năm 2009, chị Xuân một mình cõng ba lô từ Hà Tĩnh vào Đăk Tô dạy học. Khi ấy, chị vừa 28 tuổi. Nhờ bạn bè giới thiệu, chị đã gặp và quen anh Hải. Lúc bấy giờ anh Hải đang đóng quân tại tỉnh Đăk Nông. Đường sá xa xôi cộng với đặc thù công việc nên thời gian yêu nhau đến hơn 2 năm nhưng anh chị chỉ gặp mặt được đôi lần. Những lời tỏ tình, yêu thương đều gửi gắm qua điện thoại.

Năm 2011, hai người quyết định về chung một nhà. Vài tháng sau, biết được hoàn cảnh gia đình anh Hải nên tổ chức đã luân chuyển anh về tỉnh Kon Tum để tiện chăm sóc cha mẹ già, vợ con. Tiếng là về gần nhà nhưng đơn vị của anh Hải đóng ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, cách nhà hơn 170 km. Vì nhiệm vụ công tác nên hiếm lắm anh Hải mới có dịp về thăm nhà.

Mấy năm trước, anh Hải được phân công về công tác tại Đồn biên phòng Sông Thanh, giáp biên giới Việt - Lào. Đường sá đi lại vùng biên giới còn khó khăn, đã nhiều lần chị Xuân ngỏ lời muốn dắt con lên thăm chồng nhưng anh Hải không đồng ý.

"Anh ấy sợ mấy mẹ con vất vả nên không cho lên thăm. Mỗi tháng anh Hải chỉ về được vài hôm, ăn với vợ con được bữa cơm rồi lại đi. Lần đầu tiên tôi được đặt chân đến nơi chồng công tác cũng là lần được nhìn anh lần cuối...", chị Xuân nghẹn ngào kể lại.

Liệt sĩ Phạm Ngọc Hải. Ảnh: GĐCC

Liệt sĩ Phạm Ngọc Hải. Ảnh: GĐCC

Lập gia đình hơn 10 năm nhưng vợ chồng anh Hải vẫn chưa có nhà riêng. Cả gia đình vẫn đang sống trong căn nhà lụp xụp của ông bà nội xây dựng từ năm 1986. Anh Hải dự định sau đợt dịch sẽ vay mượn thêm anh em bạn bè để dựng lại căn nhà khang trang hơn cho cả gia đình sinh sống. Thế nhưng, những dự định ấy đã mãi nằm lại với sông Thanh.

ẤM TÌNH ĐỒNG ĐỘI

Từ ngày anh Hải ra đi, đồng đội cũng ghé về thăm nhà anh thường xuyên hơn. Ai nấy đều xót xa cho mái nhà xập xệ, cho mái tóc bạc của người mẹ già, cho những ánh mắt thơ ngây con trẻ. Để giúp anh Hải thực hiện ước nguyện cuối cùng, cả đơn vị đã chung tay, gom góp lại chút kinh phí giúp gia đình anh sửa sang lại mái nhà.

Chị Xuân bảo rằng để lũ trẻ bớt tủi thân, đồng đội anh Hải cũng thường xuyên đến chơi, mua quà cho mấy đứa. Các anh còn vận động, quyên góp trong đơn vị, mở sổ tiết kiệm và giao cho chị Xuân để lo cho lũ trẻ.

Gia đình anh Hải. Ảnh: Đức Nhật

Gia đình anh Hải. Ảnh: Đức Nhật

"Từ khi anh Hải mất, gia đình nhận được sự hỗ trợ từ đồng đội rất nhiều. Gia đình cũng muốn gửi lời cảm ơn các anh nhưng chẳng biết bày tỏ thế nào. Trong những hoàn cảnh thế này mới thấy tình đồng đội ấm áp. Nỗi đau của gia đình cũng được xoa dịu phần nào", chị Xuân tâm sự.

Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum, chia sẻ sự hy sinh của liệt sĩ Phạm Ngọc Hải là mất mát to lớn của lực lượng. Tấm gương hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới và phòng chống Covid-19 của thượng úy Hải đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận. Ngay sau khi vụ việc diễn ra, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã đến chia sẻ, động viên gia đình nén đau thương, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. UBND tỉnh Kon Tum cũng đã truy tặng bằng khen cho thượng úy Phạm Ngọc Hải. Ngoài ra, anh Hải cũng được truy thăng quân hàm lên đại úy và được công nhận là liệt sĩ.

Từ nghĩa tình của đồng đội, dự định dở dang của anh Hải sẽ được thực hiện, mẹ già, con nhỏ sẽ được chăm lo và một cuộc sống mới sẽ lại bắt đầu...

Có thể bạn quan tâm