Ia Drăng (Chư Prông)- Nơi an cư lạc nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xã Ia Drăng (huyện Chư Prông, Gia Lai) được thành lập từ năm 2002 có 13 thôn, làng với 1.836 hộ, 7.189 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 18%. Người dân ở đây đang tạo sự trù phú, yên bình cho vùng quê này…
Trên con đường trải nhựa về trung tâm xã, cảnh vật khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Hai bên đường tấp nập cảnh buôn bán, đi vài trăm mét đã đếm quá đầu ngón tay nhiều căn nhà trị giá bạc tỷ, các trạm xăng, cửa hàng điện thoại, dịch vụ hàng ăn uống, shop thời trang… mọc lên san sát.
Một góc “phố”của xã Ia Drăng. Ảnh: Ngọc Vũ
Một góc “phố”của xã Ia Drăng. Ảnh: Ngọc Vũ
Đến nhà anh Bùi Văn Viện -Bí thư chi bộ thôn 10 phải đi qua một sân phơi rộng đầy ắp tiêu. Hiện anh Viện đang sở hữu tài sản đáng nể với 8 ha cà phê và trồng xen canh cây điều, hơn 500 trụ hồ tiêu đang cho thu hoạch, kết hợp với nuôi heo và hơn 100 con gà thả vườn, ao thả cá hơn 300 m2. Mỗi năm anh thu đến hàng tỷ đồng, anh cho biết: “Tôi vốn là cán bộ kế toán của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông nhưng thấy thế mạnh đất đai nơi đây, tôi quyết định nghỉ hưu “non” về làm vườn với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài” từ trồng rau tiếp đến là chăn nuôi, để có vốn đầu tư trồng cây cà phê. Thời gian đầu do không biết kỹ thuật và phương pháp chăm sóc nên sau cơn bão năm 1997 tưởng chừng mất trắng. Loay hoay mãi, bòn vét hết tất cả các thứ có giá trị trong nhà, gia đình tôi quyết bám đất, bám vườn cây với một niềm tin mình sẽ thành công”.
Bất ngờ hơn khi chúng tôi đến thăm một tỷ phú trẻ khác là anh Đỗ Quốc Luân, 37 tuổi, trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi và… xe con, dù tuổi đời khá trẻ nhưng cơ ngơi “kếch sù” với 2 ha cà phê đang cho thu hoạch, 1.000 trụ tiêu, làm chủ đại lý phân bón và cửa hàng nông sản, thu nhập mỗi năm đến hàng tỷ đồng. Nhớ như in ngày đầu vất vả, anh Luân tâm sự: “Năm 1985 khi gia đình tôi từ Bắc vào lập nghiệp, có chút vốn mua được mảnh đất làm vườn, khi có tiền tôi buôn bán và mở rộng diện tích trồng cà phê, nhờ vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 30 triệu đồng giờ tôi mới có cơ ngơi này. Tôi vừa mua thêm 8 ha đất và đang trồng cao su. “Mình đã bằng ai đâu, trẻ thì phải phấn đấu chứ”-câu nói khiêm tốn của anh khiến chúng tôi không khỏi giật mình.
Anh Luân bên vườn tiêu cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Vũ
Anh Luân bên vườn tiêu cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Vũ
Ở vùng đất này có rất nhiều “đại gia” chân đất như vậy. Con người Ia Drăng không chỉ nổi tiếng là chăm chỉ, chịu thương chịu khó, dám nghĩ, dám làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và trồng trọt mà còn nhạy bén, năng nổ trong các hoạt động dịch vụ nên đóng góp một khoản đáng kể vào ngân sách xã.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Xứng- Chủ tịch UBND xã Ia Drăng về sự đổi mới của quê hương, trong  niềm vui ông cho biết: “Ia Drăng được như hôm nay, một phần nhờ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, do người dân rất chịu khó làm ăn; đất đai phì nhiêu, thời tiết thuận lợi cho cây công nghiệp dài ngày nhất là cà phê, hồ tiêu, cao su… Nông sản được mùa, được giá nên đời sống người dân thay đổi. Hơn nữa, do vị trí giao thương thuận lợi đóng góp một phần quan trọng trong việc đi lại, giao lưu buôn bán  giữa các xã như Ia Boòng, Ia Púch, Thanh Bình… trong đó, có Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đứng chân trên địa bàn đã góp phần giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội luôn đảm bảo”.
Ngọc Vũ

Có thể bạn quan tâm