Đô thị

Không gian sống

Ia Grai đẩy mạnh xã hội hóa vì môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã hội hóa hoạt động thu gom rác thải là một trong những giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường của huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Đây cũng là một trong những chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVIII về vệ sinh môi trường và thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Điểm sáng trong thu gom rác thải
Những năm gần đây, xã Ia Sao đã triển khai hiệu quả công tác vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Tiến Dũng-Chủ tịch UBND xã-cho hay: Trước đây, nhiều tuyến đường, khu vực công cộng của xã nhếch nhác do người dân vứt rác bừa bãi. Để giải quyết vấn đề này, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong gìn giữ vệ sinh môi trường, đào hố xử lý rác, tổ chức dọn vệ sinh các tuyến đường, khu vực công cộng. Đồng thời, xã thành lập Tổ dịch vụ vệ sinh môi trường để thu gom rác thải và thu phí từ các hộ dân. Bên cạnh hỗ trợ kinh phí mua đồ bảo hộ, xã cũng vận động người dân phân loại và bỏ rác thải đúng quy định để tạo thuận lợi cho việc thu gom, không để rác tồn đọng gây ô nhiễm khu dân cư.
Ông Phan Văn Hồng-Tổ trưởng Tổ dịch vụ vệ sinh môi trường xã Ia Sao-cho hay: Tổ có 4 thành viên. Ban đầu, tổ chỉ thu gom rác thải tại thôn Tân Lập vào thứ ba hàng tuần. Thấy việc thu gom rác thải giúp cho môi trường sạch sẽ hơn nên nhiều hộ dân ở các thôn: Đức Tân, Tân An và Hợp Nhất của xã kế bên (xã Ia Yok) cùng tham gia. “Đến nay, người dân đã ý thức bỏ rác thải đúng thời gian và nơi quy định nên việc thu gom được triệt để hơn”-ông Hồng cho hay. Còn ông Lê Văn Ba (thôn Tân Lập) thì bày tỏ: Từ khi Tổ dịch vụ vệ sinh môi trường của xã đi vào hoạt động, việc thu gom, xử lý rác thải của người dân trong thôn thuận lợi hơn. Môi trường khu dân cư nhờ đó được cải thiện đáng kể.
Tổ thu gom rác thải xã Ia Yok tự trang bị xe để chuyên chở rác. Ảnh: Nhật Hào
Tổ thu gom rác thải xã Ia Yok tự trang bị xe để chuyên chở rác. Ảnh: Nhật Hào
Cũng nhờ đẩy mạnh xã hội hóa trong thu gom rác thải mà môi trường ở xã Ia Yok cũng đã cải thiện. Chủ tịch UBND xã Hồ Viết Bắc cho hay: Năm 2006, xã thành lập Tổ thu gom rác thải và đưa việc thu gom rác thải vào nghị quyết của chi bộ để lãnh đạo người dân tích cực tham gia. Nhờ đó, Tổ thu gom rác thải hoạt động hiệu quả hơn.
Theo ông Đoàn Trọng Tài-Tổ trưởng Tổ thu gom rác thải xã Ia Yok, tổ chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm 3 người được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động cùng 4 chiếc xe để chuyên chở rác thải. Hàng tuần, các nhóm phân chia địa bàn và tổ chức thu gom tại 8 thôn, làng với sự tham gia của gần 1.500 hộ dân. 
Đẩy mạnh xã hội hóa
Bên cạnh xã Ia Sao và Ia Yok, nhiều địa phương ở Ia Grai cũng đang xã hội hóa hoạt động thu gom rác thải. Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện-cho hay: Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ rác thải thu gom ở khu vực đô thị đạt 90%, nông thôn đạt 60% theo tinh thần Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVIII về vệ sinh môi trường và thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Vì vậy, UBND huyện đã phân công nhiệm vụ cho từng ban ngành, địa phương, trong đó, Phòng TN-MT xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xử lý rác thải như: nâng cấp các bãi rác, xây nhà điều hành, nước, hóa chất xử lý rác thải... Riêng các xã thành lập tổ thu gom rác thải và hoạt động dựa vào kinh phí thu từ người dân và huyện cấp. Đến nay, 7 xã, thị trấn đã có các tổ thu gom rác thải tập trung và tỷ lệ thu gom tại khu vực đô thị đạt 86%, nông thôn đạt 50%.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn. Chủ tịch UBND xã Ia Yok chia sẻ: Khó khăn nhất trong thu gom rác thải là ý thức của người dân còn hạn chế; số hộ tham gia hàng năm có sự biến động do chuyển chỗ ở, đi làm ăn xa gây khó khăn cho hoạt động của tổ thu gom. Hiện tại, hạn mức thu phí 15 ngàn đồng/hộ không đảm bảo cho các chi phí. Trong khi đó, phương tiện để thu gom rác đa phần các tổ tự mua sắm chứ không có xe chuyên dụng dẫn đến các khâu thu gom rất vất vả, nhất là vào mùa mưa. “Xã mong huyện có chính sách hỗ trợ tiền thu phí cho hộ nghèo, khó khăn; có bảo hiểm y tế cho nhân công tham gia thu gom rác cũng như hỗ trợ thêm kinh phí để tổ hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, phần lớn bãi rác cách khu dân cư chỉ 6 km nhưng tổ thu gom rác phải đi đường vòng xa 16 km. Huyện cần nghiên cứu mở đường để rút ngắn khoảng cách vận chuyển rác thải”-ông Bắc kiến nghị.
Đưa ra hướng tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện thông tin: Chúng tôi sẽ tìm nguồn kinh phí để hỗ trợ các tổ thu gom rác thải nhằm đảm bảo hoạt động được duy trì thường xuyên. Đồng thời, kêu gọi đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp 1 bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh và 2 bãi chứa đảm bảo việc thu gom và xử lý số rác thải trên địa bàn.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm